Các thương nhân kỳ vọng xuất khẩu gạo tăng trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Hiện tại, giá lúa gạo trong nước đang tăng nhẹ.
Dự báo xuất khẩu gạo tăng vào cuối năm
Theo doanh nhân Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Nam khiến hoạt động giao dịch gạo cực kỳ khó khăn, chưa kể đến tình trạng đóng băng toàn bộ chuỗi giá trị khi một ca nhiễm COVID-19 phát hiện chỉ trong 1 nhà máy. Các thương lái ngành gạo đang đối diện với những khó khăn chồng chất do lệnh giãn cách xã hội, đặc biệt ở khâu bốc dỡ hàng hóa.
Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nhân lực lao động, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào.
Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho biết, sau ngày 16.8, ông phải đàm phán lại với đối tác để thống nhất thời hạn giao hàng, bởi hiện tại công nhân đang nghỉ giãn cách để chống dịch, việc đóng hàng đưa xuống cảng chưa thể thực hiện.
Trao đổi với PV Lao Động, nhiều thương nhân khác tin tưởng, mặc dù xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, nhưng các thương nhân cũng dự báo xuất khẩu gạo vẫn có khả năng tăng vào cuối năm khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Thực tế, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8.2021, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn hàng nhưng do đang thực hiện giãn cách, thiếu nhân lực, tình trạng ùn ứ tại cảng nên chưa thể đóng hàng để gửi đi.
Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù xuất khẩu gạo giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NNPTNT), xuất khẩu gạo vẫn đạt 550 nghìn tấn với trị giá 289 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 lên 3,58 triệu tấn, trị giá 1,94 tỉ USD, giảm 10,6% về lượng và 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Giá lúa tươi tăng
Theo thông tin từ các thương nhân ngành lúa gạo, giá lúa gạo ngày 11.8.2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại với mức tăng 200-300 đồng/kg. Giá lúa cũng tăng nhẹ.
Cụ thể, giá gạo IR NL 504 đã tăng thêm 200 đồng, bán ở mức 7.500 đồng/kg; gạo TP IR 504 tăng 200 đồng, lên mức 8.200-8.300 đồng/kg.
Giáo gạo tại “vựa” gạo An Giang khá ổn định. Gạo Thái thơm hạt dài: 16.000 - 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng, Sóc thường, Jasmine: 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa: 16.200 đồng/kg; gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Hương lài 17.000 đồng/kg; gạo tẻ thường: 11.000 - 11.500 đồng/kg.
Tại những tỉnh có lúa hè thu đang thu hoạch, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang…, lúa tươi chất lượng cao OM 18 được nông dân bán với mức 5.800- 6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Các loại lúa tươi của các giống Đài thơm 8, RVT, ST24… bán được giá 6.000-6.500 đồng/kg. Các loại lúa OM 6976, OM 5451 cũng có sức mua tốt hơn, bán ra ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, tăng khoảng 100 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa tươi cũng cao hơn trước khoảng 200-300 đồng/kg. Trong đó, lúa Đài thơm 8 giá 5.900 - 6.100 đồng/kg; OM 18 giá 5.800 - 6.000 đồng/kg; IR 50404: 4.400 - 4.600 đồng/kg; OM 9582 giá 4.600 - 4.900 đồng/kg; OM 6976 giá 5.100-5.200 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.700-5.800 đồng/kg…
Xem thêm: odl.927049-1202-man-auc-iouc-yuq-oav-gnat-oag-uahk-taux-gnov-yk/et-hnik/nv.gnodoal