Trao đổi với Tiền Phong xung quanh thông tin thông tin "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường oxy cho sản phụ", Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, khi cơ quan công an tiến hành điều tra nhóm đối tượng trên, nếu xác định rằng họ cố tình tạo ra các hoàn cảnh không có thật, để từ đó tạo ra sự thương cảm của người khác để rồi nhận tiền ủng hộ từ người dân thông qua tài khoản ngân hàng mà họ cung cấp, sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Cụ thể, hành vi này có thể có thể bị khởi tố "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017. Số tiền chiếm đoạt từ 2 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng có căn cứ theo khoản 1 Điều 174 thì vẫn có thể khởi tố theo tội danh nêu trên. Tùy thuộc vào giá trị đã chiếm đoạt, mà hành vi trên có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.
"Dân tộc ta vốn có truyền thống tốt đẹp, đó là sự yêu thương, giúp đỡ nhau. Lợi dụng những lúc dịch bệnh, thiên tai nhiều đối tượng xấu đã sử dụng các trang mạng xã hội để dựng nên các câu chuyện không có thật. Từ đó nhiều người vì cả tin mà đồng cảm với các hoàn cảnh mà các đối tượng xấu đã đưa ra. Để rồi, họ vô tư trong việc ủng hộ tiền mà không có bất kỳ sự kiểm chứng nào. Vô tình, bị rơi vào cái bẫy của các đối tượng này dựng lên" - Luật sư Phát cảnh báo.
Nên chậm lại để kiểm chứng
Vẫn theo vị luật sư, trong thời đại công nghệ phát triển, các thông tin trên mạng chưa được kiểm chứng vẫn phát tán tràn lan. Chúng ta nên chậm lại một chút để kiểm chứng các thông tin, trước khi ủng hộ tiền bạc hoặc hàng hóa.
"Bản thân chúng ta nếu không tự kiểm chứng, thì có thể nhờ bạn bè, báo chí hoặc các tổ chức có liên quan như bệnh viện, mặt trận tổ quốc, các tổ chức thiện nguyện có uy tín kiểm chứng. Việc này vừa tránh lòng tốt bị lợi dụng, tránh việc bỏ lỡ cơ hội giúp các hoàn cảnh cần được ủng hộ nhưng lại không được ủng hộ" - luật sư Phát đưa ra lời khuyên.
Thông tin chuyển tiền cho nhóm "bác sĩ Khoa" từ một người dân ở TPHCM - ảnh Lê Nguyễn
Mặt khác, luật sư Phát cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước như Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT), an ninh mạng cần phải tăng cường công tác quản lý để hạn chế thấp nhất các thông tin sai sự thật được đưa lên mạng nhằm kêu gọi ủng hộ, quyên góp...
Liên quan đến sự việc này, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở TT&TT TPHCM khẳng định rằng, thông tin "bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ để nhường oxy cho sản phụ" là hoàn toàn bịa đặt.
Cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ danh tính, dấu hiệu trục lợi từ "nhóm bác sĩ Khoa" để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Sở TT&TT TPHCM cũng đang phối hợp với cơ quan công an và các lực lượng khác tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến thông tin giả gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội xuất phát từ tài khoản "Facebook Trần Khoa" và những người liên quan.
Theo ông Thọ, bước đầu xác định, nhóm trên đã lập ra các tài khoản mang tính chất giả nhưng lại tương tác thật trên mạng xã hội. Nhóm này đã đưa những thông tin mang tính chất bịa đặt, không có thật với những câu chuyện cảm động theo kiểu lấy nước mắt của cộng đồng, trong đó nội dung "bác sĩ Khoa" đã rút ống thở của mẹ mình để cứu sản phụ mang song thai đang nguy kịch là một trong những thông tin được chia sẻ rất nhanh trên mạng xã hội.
Phòng An ninh chính trị nội bộ và Phòng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TPHCM cũng đã làm việc với Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông TPHCM, Sở Y tế TPHCM và làm rõ thông tin nhóm "bác sĩ" này thêu dệt những câu chuyện cảm động để quyên góp tiền từ thiện vào "quỹ 82".
Xem thêm: mth.72362932111801202-neiht-ut-neit-nix-ed-neyuhc-aib-aohk-is-cab-na-uv-ot-iohk-eht-oc/nv.ahos