Đầu tháng 8, cộng đồng tiền mã hóa Việt Nam bất ngờ phát hiện ra hình ảnh của TS Lê Thẩm Dương trong một buổi hội thảo về tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo có tên gọi Deffect. Trong một buổi hội thảo kéo dài 2 tiếng, TS Lê Thẩm Dương đã không ít lần khen ngợi dự án Deffect bằng cách dẫn dắt người nghe vào xu hướng mới của tài chính phi tập trung.
Sau khi được báo chí phản ánh, TS Lê Thẩm Dương đã phủ nhận việc liên quan tới dự án này và cho rằng hình ảnh của mình đang bị lợi dụng. Các nhóm và video có liên quan tới hoạt động của TS Lê Thẩm Dương ở dự án Deffect cũng nhanh chóng được xóa bỏ.
TS Lê Thẩm Dương (người không che mặt) xuất hiện trong một sự kiện của Deffect.
Vậy dự án Deffect có gì nguy hiểm mà nhà đầu tư nên tránh xa?
Cam kết lãi khủng
Deffect là một dự án tài chính phi tập trung đã được giới thiệu từ cuối năm 2020. Đến đầu năm nay, dự án này ra mắt đồng tiền ảo DEF với trữ lượng 34 triệu trên tổng cung 900 triệu đồng.
Deffect được quảng bá là sử dụng thuật toán bằng chứng cổ phần (proof-of-stake) nên giá trị của đồng DEF sẽ tăng 0,01% mỗi khi có 1.000 đồng DEF được đưa vào mạng lưới gửi lãi (staking).
Dấu hiệu lừa đảo của Deffect bắt đầu xuất hiện khi tung ra trò chơi đổ xúc xắc may mắn vào tháng 5/2021. Thông qua việc dùng đồng DEF, người chơi sẽ chọn một con số để đặt cược vào một trò chơi kiểu tài xỉu, thắng được nhiều lần tiền và thua sẽ mất trắng.
Các gói đầu tư ảo của Deffect.
Tuy nhiên, sau khi mời được TS Lê Thẩm Dương quảng bá cho dự án, Deffect bắt đầu tăng tốc dụ dỗ các nhà đầu tư với các gói cam kết đầu tư từ 5.000 USD trở lên sẽ nhận được 3 chỉ vàng 9.999 cho tới tối đa đầu tư 1,5 triệu USD nhận siêu xe Porsche 781 Cayman.
Dựa trên giá trị đồng DEF, Deffect tự phân tích và tính ra lãi suất tối thiểu một tháng mà người tham gia nhận được là 5% nhưng trả bằng đồng DEF.
Tương tự với các gói staking, Deffect tính ra người gửi lãi đồng DEF sẽ được hưởng 8%/tháng, tối đa lên tới 300% khi đáo hạn staking.
Dự án ma
Trên thực tế, tất cả thông tin kể trên đều là để ‘lùa gà’ cho một dự án ma không có thật. Bởi lẽ, Deffect hoàn toàn không giới thiệu được công nghệ nào thông qua sách trắng (whitepaper), cũng không thực hiện được các bước testnet, mainnet, tức những bước thử nghiệm phiên bản cần thiết để phát hành một đồng tiền ảo ra thị trường.
Quỹ đầu tư đứng sau dự án này có tên gọi DCapital cũng chỉ là một công ty bình thường ở Việt Nam, địa chỉ không có thật ở nước ngoài.
Ngoài ra, Deffect đã ra mắt từ lâu nhưng vẫn chưa được niêm yết thông tin trên CoinMarketCap hay CoinGecko, hai kênh thông tin xác thực về tất cả các dự án tiền ảo trên thế giới.
Lộ trình không có thật được Deffect vẽ ra để lừa nhà đầu tư.
Deffect tuyên bố sẽ được lên sàn (list) tiền ảo lớn nhất thế giới Binance vào cuối năm nay với giá 5 USD. Điều này là hoàn toàn trái với các quy tắc bảo mật dự án nghiêm ngặt của Binance. Thậm chí nếu có may mắn được lên sàn, việc Binance gỡ bỏ (delist) các dự án tiền ảo không được phát triển cũng là điều hết sức bình thường.
Cuối cùng, dự án này còn công bố nền tảng Deffect Swap cho phép trao đổi giữa các loại tiền ảo với nhau thông qua ví TronLink. Thực tế, có rất nhiều ví tiền ảo hiện nay (gọi là ví lạnh) và chúng chỉ đóng vai trò cất giữ tiền ảo, không phải nơi đảm bảo tính xác thực của dự án.
Bất cứ ai cũng có thể tự tạo tiền ảo với tên gọi bất kỳ để thực hiện một vòng chào mời mua trước (presale) với cam kết lãi khủng và sau đó bỏ trốn. Hoặc người đứng sau dự án có thể thực hiện các thủ thuật bơm và xả (pump & dump) để khiến nhiều nhà đầu tư hơn nữa tin vào tiềm năng không có thật của dự án và ôm một đống tiền ảo vô giá trị trong tay, như trường hợp của FXT Token.
Vì thế, dù có được ai quảng bá, bất cứ dự án nào giống như Deffect hoặc FXT Token đều rất nguy hiểm và rủi ro mất trắng tiền với nhà đầu tư là cực kỳ lớn.
Phương Nguyễn
Ictnews
Xem thêm: nhc.55540627111801202-meih-yugn-ig-oc-ab-gnauq-gnoud-maht-el-st-coud-oa-neit/nv.zibefac