Kiểm tra giấy đi đường, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ khi đi đường tại TP Hà Nội - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngày 11-8, nhằm tăng cường, siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường, UBND huyện Đông Anh Hà Nội) đã ban hành văn bản, trong đó có nội dung vẫn sẽ kiểm tra lịch trực, lịch làm việc kèm theo của các trường hợp lưu thông trên địa bàn.
Theo đó, nhằm tăng cường và siết chặt công tác cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, UBND huyện yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị, các ngân hàng và công dân trên địa bàn huyện tiếp tục thực hiện nghiêm một số nội dung phòng chống dịch COVID-19.
Các trường hợp được lưu thông trên địa bàn huyện Đông Anh và các giấy tờ cần mang theo khi đi trên đường, cụ thể:
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ngoài huyện Đông Anh (hiện đang cư trú trên địa bàn huyện), thực hiện việc cấp giấy đi đường của UBND TP Hà Nội ngày 29-7, đồng thời, người đi đường xuất trình kèm theo chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, đối với các phương tiện, nhân viên vận chuyển, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu (ngoài nội dung chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội) đủ điều kiện hoạt động theo quy định khi đi đường, ngoài giấy đi đường cần xuất trình kèm theo lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ, xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (đối với lái xe ôtô vận tải hàng hóa và phụ xe) hoặc mã xác nhận của Sở Giao thông vận tải bằng tin nhắn (đối với lái xe môtô 2 bánh)…
Theo ông Nguyễn Xuân Linh, chủ tịch UBND huyện Đông Anh, do địa phương hiện vẫn là vùng có dịch và đang thực hiện giãn cách xã hội nên chính quyền huyện mong muốn người dân nếu không có việc thật sự cần thiết thì không nên ra đường. Văn bản trên chỉ muốn tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rằng nếu thật sự cần thiết thì mới ra ngoài đường.
"Tinh thần là người nào có việc thực sự cần thiết phải đi đường thì chỉ cần đáp ứng những yêu cầu của TP là có giấy tờ tùy thân và giấy đi đường là được. Người dân cần hiểu và tuân thủ để góp phần vào công tác phòng chống dịch của TP.
Mong người dân hiểu ra đường thời điểm này là rất nguy hiểm, làm sao hạn chế tối đa việc ra đường ở thời điểm này thì mới góp phần vào công tác phòng chống dịch được", ông Linh nói.
Trước đó, ngày 7-8, ông Nguyễn Mạnh Quyền, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã ký, ban hành công văn về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Công văn yêu cầu người đi đường phải xuất trình kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Sau khi công văn trên được ban hành, UBND TP Hà Nội đã phải điều chỉnh trong sáng 10-8 vì phản ứng gay gắt của người dân. Nhiều người dân, chuyên gia cho rằng, những yêu cầu trên không phù hợp, phát sinh nhiều "giấy tờ con", gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp khi xin giấy tờ đi đường, làm việc.
Nhiều người cũng lo ngại việc tập trung xin giấy tờ tại chính quyền cơ sở và việc kiểm tra giấy tờ quá lâu tại các chốt kiểm soát làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.
TTO - UBND TP Hà Nội vừa điều chỉnh công văn 2562/UBND-KT của UBND TP ký ngày 7-8 về việc siết chặt giấy đi đường vì 'chưa phù hợp'.