Học sinh ở Thượng Hải sẽ không tham gia kiểm tra cuối kỳ môn tiếng Anh giữa lúc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các cải cách sâu rộng để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.
Học sinh tiểu học sẽ chỉ thi cuối kỳ môn Toán và môn học tiếng Trung. Các kỳ thi sẽ được giới hạn cho học sinh lớp 3 (khoảng 9 tuổi) và lớp 5 (khoảng 11 tuổi) - theo thông báo của ủy ban giáo dục thành phố vào tuần trước.
Thông báo cho biết thêm rằng tất cả các môn khác - bao gồm cả tiếng Anh - vẫn cần được chấm điểm, nhưng không thông qua một bài kiểm tra cuối kỳ.
Những thay đổi này đang được thực hiện mặc dù tiếng Anh là một môn học được đánh giá cao tại Trung Quốc. Dù vậy, nó vẫn là một phần trong chiến dịch toàn quốc nhằm giảm bớt áp lực học tập cho sinh viên Trung Quốc.
Tiếng Anh là một phần chính trong chương trình học tập của sinh viên Thượng Hải mặc dù chính quyền Thượng Hải đã từng cấm thi tiếng Anh vào năm 2004. Lệnh cấm này không được tuân thủ chặt chẽ và hầu như không có hiệu lực gì mấy sau đó.
Xiong Bingqi, Phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết: "Mục đích chính hồi đó cũng là để giảm gánh nặng thi cử cho học sinh".
Ông nói: "Tuy nhiên, một số trường vẫn tiếp tục tổ chức thi bình thường hoặc tổ chức thi dưới các hình thức khác, chẳng hạn như cho học sinh làm bài tập lớn môn tiếng Anh trước khi kết thúc học phần. Ông nói thêm rằng việc hủy bỏ các kỳ thi tiếng Anh cho học sinh nhỏ tuổi không có nghĩa là nó đã trở nên kém quan trọng".
Ông Xiong cho biết tổng điểm cho tiếng Anh trong cả zhongkao và gaokao, hai kỳ thi tuyển sinh quan trọng nhất của học sinh Trung Quốc tại các trường trung học và đại học, có giá trị 150 điểm, bằng với tiếng Trung và Toán.
Ông nói: "Không có bất kỳ trường học, học sinh hay phụ huynh nào dám bỏ qua môn học này".
Không giống như các vùng khác ở Trung Quốc - nơi học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3, trẻ em ở Thượng Hải bắt đầu từ lớp 1 và có năng lực ngôn ngữ tương đối cao. Các cơ quan quản lý giáo dục Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách để giảm bớt yêu cầu học tập đối với học sinh nhỏ tuổi kể từ cuối những năm 1980.
Nhiều chỉ thị đã được ban hành trong 3 thập kỷ qua với hy vọng giúp trẻ em thoát khỏi khối lượng kiến thức quá tải. Họ thay đổi từ việc hạn chế giờ học và bài tập về nhà cho đến hạn chế các cuộc thi học thuật.
Chương trình cải cách giáo dục đã tăng tốc đáng kể trong những tháng gần đây khi chính phủ trung ương công bố một loạt các biện pháp chi tiết nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh cả ở trường và sau giờ học.
Các thay đổi bao gồm việc phạt các trung tâm dạy thêm sau giờ học, cấm các công ty giáo dục mới, cấm các khóa học vào cuối tuần và buộc những công ty này phải xin cấp phép lại với tư cách là các tổ chức phi lợi nhuận.