Thuốc Octofen điều trị nhiễm trùng đường hô hấp đang được Viện Pasteur nghiên cứu thành thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh: istock
Clofoctol là thuốc điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, đã được sử dụng nhiều năm ở Pháp với tên biệt dược Octofen. Nay Viện Pasteur hy vọng sẽ bào chế clofoctol thành thuốc điều trị COVID-19.
Hoạt chất cũ, tác dụng mới
Xác định tác dụng kháng virus để khoanh vùng hoạt chất clofoctol là công việc rất gian nan. Ba tháng trước đó, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc 1.942 phân tử nhằm thử hoạt tính kháng virus trên tế bào nuôi cấy. Từ đó, họ phát hiện khoảng 60 phân tử có thể ngăn chặn quá trình nhân lên của virus. Cuối cùng, họ thu hẹp danh sách còn 10 phân tử và chọn ra clofoctol.
TS Jean Dubuisson giải thích: "Không phải phân tử nào cũng sử dụng được. Ví dụ các loại thuốc chống trầm cảm tuy có tác dụng kháng virus nhưng lại không thích hợp làm thuốc điều trị vì bạn không thể tấn công virus mà gây ảnh hưởng xấu đến các tế bào khác".
Trong quá trình thử nghiệm trong ống nghiệm, nhóm nghiên cứu nhận thấy clofoctol có tác dụng ngăn chặn virus nhân lên. Nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm trên chuột. Trên cơ thể sống, clofoctol không chỉ phát huy được tác dụng ngăn chặn virus nhân lên và giảm thoái hóa phổi mà còn có thêm tác dụng kháng viêm. Đây là tác dụng rất quan trọng bởi virus SARS-CoV-2 gây ra tình trạng viêm khiến sức khỏe bệnh nhân COVID-19 rất dễ suy sụp.
Sau khi được ANSM bật đèn xanh, Viện Pasteur ở Lille đã tập hợp "lực lượng đặc nhiệm COVID-19" gồm 30 nhà nghiên cứu bắt tay vào thử nghiệm clofoctol trên con người.
Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đánh giá trên con đường tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19 hiện nay, các nhà nghiên cứu và các hãng dược phẩm đã sử dụng ba chiến lược chính.
Thứ nhất là sàng lọc các hoạt chất hiện có để tìm ra phân tử có hoạt tính kháng virus như cách thức Viện Pasteur ở Lille đã làm với phân tử clofoctol hoặc nhiều thử nghiệm nghiên cứu thuốc tẩy giun ivermectin có thể trở thành thuốc điều trị COVID-19 hay không.
Thứ hai là tìm các hoạt chất đặc hiệu mới có khả năng kháng virus.
Thứ ba là sử dụng kháng thể đơn dòng (điều trị bằng liệu pháp miễn dịch).
Trong ba chiến lược, con đường nhanh nhất đang chiếm ưu thế là chiến lược thứ nhất - khai thác tác dụng mới của hoạt chất cũ. Phương pháp này có nhiều ưu thế vượt trội. Do quá rành các hoạt chất cũ nên có thể sản xuất nhanh chúng với số lượng lớn.
Đối với một số hoạt chất đơn giản, trong thời gian ngắn chúng ta có thể thiết lập hệ thống sản xuất với các nhà sản xuất thuốc generic, kể cả tại các nước có thu nhập thấp.
Ngoài ra, các hoạt chất cũ đã được cấp giấy phép lưu hành, vì vậy nhà sản xuất sẽ đỡ tốn công làm thủ tục cấp phép lưu hành trên thị trường.
Pháp có nhiều ví dụ nghiên cứu theo chiến lược thứ nhất nêu trên. Diltiazem là thuốc kê đơn điều trị tăng huyết áp nhưng Phòng thí nghiệm VirPath thuộc Trung tâm quốc tế Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (CIRI) đã phát hiện diltiazem còn có tác dụng với virus cúm.
Nhóm nghiên cứu đã lần lượt thử nghiệm đặc tính kháng virus của diltiazem trong ống nghiệm, thử nghiệm với mô hình biểu mô người và thử nghiệm trên động vật. Kết quả đạt được rất khả quan.
Hiện thời họ đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II nhằm sử dụng diltiazem điều trị cho người mắc bệnh cúm ở thể nặng...
Đối với hoạt chất naproxen (thuốc chống viêm và giảm đau) cũng vậy. CIRI và Trung tâm nghiên cứu Saint-Antoine đã phát hiện naproxen có tác dụng gây gián đoạn quá trình sao chép của virus SARS-CoV-2. Hoạt chất naproxen đang được thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm Enacovid) nhằm mục đích điều trị cho người mắc COVID-19.
Kháng thể đơn dòng 4A8 (đỏ và hồng) bao vây protein gai của virus SARS-CoV-2 (xanh lục) - Ảnh: CNRS
Tìm hoạt chất mới và dùng kháng thể
Chiến lược thứ hai nhằm tìm kiếm các hoạt chất mới kháng virus có vẻ nhiêu khê hơn.
Sau đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Kiến trúc và chức năng các đại phân tử sinh học (AFMB) đặc biệt quan tâm đến quá trình sao chép phức tạp của virus SARS-CoV-1 (gây bệnh SARS) và phát hiện một số hoạt chất kháng virus có thể ngăn chặn quá trình này.
Đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, họ lập tức nhận ra cơ chế sao chép của virus SARS-CoV-2 gần giống với SARS-CoV-1. Họ đã thử nghiệm khoảng 20.000 hợp chất, từ đó xác định hàng chục hoạt chất mới có thể phát triển thành thuốc điều trị COVID-19.
Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm Montpellier (IREM) còn mơ ước xa hơn: tìm kiếm một hoạt chất đủ công hiệu đấu với nhiều chủng virus ARN để bào chế thành thuốc kháng virus phổ rộng. Để làm được điều này, họ không nhắm vào virus mà nhắm đến các protein tế bào, cụ thể là enzyme DHX9, một protein rất cần để các loại virus như HIV, chikungunya, Ebola, cúm, sốt xuất huyết sao chép.
Qua thí nghiệm nuôi cấy tế bào, nhóm nghiên cứu đã chọn được một phân tử hứa hẹn nhất đủ ngăn chặn virus hệ ARN sao chép. Đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát, họ đã thử nghiệm phân tử này trên virus SARS-CoV-2 và đạt được tác dụng kháng virus mạnh. Phân tử này còn có ưu điểm độc tính rất thấp, tức không gây hại cho tế bào con người. Trước cuối năm 2021, các giai đoạn thử nghiệm trên chuột và thử nghiệm lâm sàng trên người sẽ bắt đầu.
Chiến lược thứ ba chú trọng đến kháng thể bởi kháng thể giữ vai trò phát hiện và vô hiệu hóa mầm bệnh. Từ những năm 1980, kháng thể đã được sử dụng điều trị nhiều bệnh, từ bệnh ung thư đến bệnh Crohn (viêm đường ruột) và bệnh vẩy nến. Như vậy kháng thể vẫn có thể chống lại virus SARS-CoV-2.
Hầu hết nghiên cứu theo chiến lược thứ ba đều tập trung mục tiêu vào protein gai (protein S) của SARS-CoV-2, tuy nhiên vô hiệu hóa protein gai có thể phản tác dụng. Nhóm nghiên cứu Pháp - Singapore tại Phòng thí nghiệm VirPath đã sàng lọc tìm được các kháng thể có thể bám vào protein gai. Một số rất hiệu quả nhưng số khác xấu tính đã kích thích tạo ra hợp bào (tế bào có nhiều nhân) gây tổn thương mô.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Cochin không muốn dùng kháng thể mà chú trọng điều chỉnh phản ứng miễn dịch vì trong nhiều ca COVID-19 nặng, do hệ miễn dịch phản ứng thái quá nên sinh mạng bệnh nhân bị ảnh hưởng. Trong quá trình lùng sục, họ đã chọn tế bào sát thủ MAIT (một loại tế bào T bẩm sinh có nhiều trong các màng nhầy như màng nhầy ruột, phổi và máu). Chúng giết chết cả tế bào bị nhiễm lẫn tế bào khỏe mạnh trong phổi khiến bệnh nhân phải thở máy.
Nhóm nghiên cứu đã nhận dạng được hai kháng thể đơn dòng có khả năng ức chế tế bào MAIT. Kháng thể đầu tiên từng được Hãng dược phẩm GSK (Anh) sản xuất thành thuốc điều trị bệnh Crohn. Kháng thể thứ hai chỉ mới được thử nghiệm trên động vật. Quá trình nghiên cứu đang tiếp tục...
Tạp chí Pharmaceutical Journal (Anh) phân biệt hai xu hướng nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19:
* Nhóm thuốc kháng virus ngăn chặn virus SARS-CoV-2 sao chép lúc mới mắc bệnh. Các loại đã thử nghiệm như ivermectin (tẩy giun), chloroquine/hydroxychloroquine (chống sốt rét), favipiravir và oseltamivir (cúm), EIDD-2801 (cúm, Ebola và virus corona), lopinavir/ritonavir (HIV), ribavirin (viêm gan C), niclosamide và nitazoxanide (giun sán).
* Nhóm thuốc kháng viêm tác động ở giai đoạn sau của bệnh COVID-19 giúp hệ miễn dịch chống lại virus hoặc ngăn chặn hệ miễn dịch phản ứng thái quá. Các loại đã nghiên cứu gồm dexamethasone, tocilizumab (kháng thể đơn dòng), anakinra (điều chỉnh phản ứng miễn dịch), colchicin (trị bệnh gout)...
********
Tìm thuốc điều trị COVID-19 chẳng khác gì săn tìm ngọc quý. Hàng ngàn thử nghiệm lâm sàng thất bại nhưng dexamethasone lại phần nào thành công. Vì sao?
>> Kỳ tới: Dexamethasone - thuốc giảm tử vong
TTO - Cơn sốt sử dụng thuốc tẩy giun Ivermectin để điều trị cho người mắc COVID-19 ở một số nước đã phản ánh nỗi lo lắng chung của con người trước đại dịch chưa từng có. Các nhà khoa học đã lao tâm khổ tứ tìm kế sách chống lại con virus hung hãn.
Xem thêm: mth.77343050211801202-coud-naht-mit-gnoud-noc-ab-3-yk-91-divoc-irt-ueid-couht-gnul-nas/nv.ertiout