Nhiều khách hàng khẳng định "cạch đến già", không dám vay tiền với mức lãi cao của các công ty tài chính lần thứ 2. Giới luật sư cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi vay tiền từ những công ty này vì càng dễ đi vay thì càng khó trả nợ.
Vay càng dễ, trả càng khó
Sau loạt bài phản ánh tình trạng người dân bị tấn công mạng vì quen người vay tiền từ các công ty tài chính, nhiều người dân đã liên hệ thông tin thêm với PV Lao Động.
Theo đó, người vay chỉ cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại và Facebook chính chủ là có thể vay tiền. Tùy vào mức vay, một số đơn vị có thể yêu thêm các giấy tờ bổ sung như sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương nơi đang làm việc, các giấy tờ điện nước do người vay đứng tên hoặc bảo hiểm nhân thọ...
Tuy đăng ký thủ tục vay tiền đơn giản, nhưng nhiều "thượng đế" khẳng định không dám vay tiền từ các công ty tài chính này lần thứ 2 vì quá sợ hãi cách đòi tiền "bất chấp".
"Tôi vay tiền của Công ty Mirae Asset, phương thức vay rất đơn giản, không cần cung cấp nhiều giấy tờ. Tuy biết mức lãi suất như vậy là cao nhưng do túng quẫn không tìm ra cách xoay sở nên tôi đành vay. Có vay thì có trả, nhưng khi có trục trặc, họ bán ngay hồ sơ của tôi cho bên thứ 3 (Công ty mua bán nợ DSP). Sau đó, không chỉ người nhà, ngay cả người quen nơi tôi làm việc cũng bị gọi điện đòi tiền, gây áp lực.
Thậm chí có người còn gọi điện yêu cầu, bêu riếu, vu khống để gây sức ép bắt lãnh đạo của tôi và gia đình họ phải trả tiền thay. Giải quyết được hết khoản nợ này, đến già tôi cũng không có ý định vay lại. Những người chưa vay, tôi cũng khuyên là không nên vay vì khi giải quyết được khó khăn nhỏ trước mắt thì sẽ vướng vào khó khăn gấp nhiều lần", anh Nguyễn Văn.N (một người từng vay tiền tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset - MAFC) chia sẻ.
Trong vai trò là người cần vay tiền, PV đã chủ động liên hệ vay với một số đơn vị cho vay để tìm hiểu. Thông qua điện thoại, nhân viên tư vấn khách hàng của trang web Tiền Ơi? cho biết, đơn vị này có thể cho khách hàng vay khoản tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng chỉ với ảnh chụp chứng minh thư nhân dân kèm tài khoản ngân hàng và facebook chính chủ.
Nhân viên này tư vấn, thời hạn vay là 7 đến 30 ngày với mức lãi suất 9.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Tức là nếu vay 10 triệu đồng, người mua sẽ phải trả mức tiền lãi lên tới 90.000 đồng/ngày. Sau 1 tháng, người vay tiền phải trả khoản lãi lên tới 2,7 triệu đồng.
Còn theo nhân viên tư vấn của MAFC, thủ tục để vay tiền của công ty này cũng rất đơn giản. Sau khi khách hàng đăng ký thành công, nhân viên sẽ chủ động liên hệ lại để tư vấn. Mức lãi suất đơn vị này áp dụng sẽ tùy theo gói khách hàng vay. Từ một số hợp đồng khách hàng đã vay, mức lãi suất của đơn vị này quanh ngưỡng 55%/năm trở lên.
Thận trọng khi vay tiền công ty tài chính
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, với các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm thì lãi suất cao chính là một dạng bảo đảm, bởi chỉ cần thu được một nửa số lãi cũng đã mang lại lợi nhuận cho các tổ chức tài chính.
“Họ đã tính xác suất nợ xấu của các khoản cho vay, tính toán chi phí, rủi ro, lợi nhuận vào giá thành - từ đó xây dựng khung lãi suất. Tại sao có những công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao như thế? Bởi, với lãi suất ấy, nếu có mất 1/5 thì có khi vẫn có lãi. Cho nên với các khoản vay tín chấp mà không đòi được nợ, sau một thời hạn, bên cho vay sẽ lẳng lặng “xóa nợ” và không được thông báo cho khách hàng. Bao giờ khách hàng có khả năng trả nợ thì họ lại thu, còn không thì sẽ sử dụng nguồn trích lập dự phòng xử lý rủi ro”, ông Đức phân tích.
Có ý kiến cho rằng nhiều nước đã hình thành được thị trường mua - bán nợ, trong đó có cả nợ tốt và nợ xấu, ông Đức cho biết, đó đều là các thị trường tài chính văn minh, sòng phẳng, có nhiều kỹ thuật và nhiều biện pháp thực thi, trong đó có dịch vụ đòi nợ thuê.
Nếu muốn tham gia vào thị trường mua - bán nợ chuyên nghiệp, các công ty phải có năng lực rất đặc biệt để có thể gây sức ép với con nợ và thúc đẩy nhiều thủ tục hành chính, pháp lý. Trong trường hợp không phải là mua bán nợ thực chất thì các công ty mua - bán nợ không cần phải có vốn lớn, bởi họ có thể bắt tay nhau mua chịu khoản nợ, khi đòi được nợ đến đâu thì trả đến đó. Nếu không đòi được thì có thể thỏa thuận trả lại hay bán lại như chưa hề có việc mua bán trước đó.
Vì vậy, Giám đốc Công ty Luật ANVI khuyến cáo, khách hàng vay nợ, nhất là vay tiêu dùng cần hết sức cân nhắc cụ thể lãi suất, số tiền lãi, kỳ hạn trả nợ và đừng quên rằng, càng dễ đi vay thì càng khó trả nợ.
Xem thêm: odl.207049-aig-ned-hcac-hcahk-hnihc-iat-yt-gnoc-ut-neit-yav-nal-tom-uas/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal