Tổng thống Joe Biden phát biểu sau khi Thượng viện thông qua dự luật ngân sách 1.000 tỉ USD ngày 10-8. Ông kêu gọi các nghị sĩ Dân chủ đoàn kết để cả hai dự luật 1.000 tỉ và 3.500 tỉ USD được thông qua cùng lúc - Ảnh: AFP
Các dự luật được dự báo sẽ làm thay đổi nước Mỹ, tác động đến cuộc sống của mỗi người dân trong vòng 10 năm tới.
Việc các dự luật và nghị quyết được thông qua ở Thượng viện là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Joe Biden, người chủ trương tái thiết nước Mỹ tốt hơn và bền vững hơn sau COVID-19. Theo quan điểm của ông Biden, nội tại nước Mỹ phải mạnh mới có thể tiếp tục dẫn dắt thế giới. Một số nhà quan sát tin rằng nỗ lực củng cố sức mạnh của Mỹ là một phần trong việc chống lại các thách thức và cạnh tranh từ các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Xây dựng và xây dựng
Với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết phân bổ 3.500 tỉ USD cho các chương trình an sinh xã hội rạng sáng 11-8 (giờ Mỹ). Động thái diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi Thượng viện thông qua một dự luật khác sẽ chi 1.000 tỉ USD cho cơ sở hạ tầng với 69 phiếu thuận và 40 phiếu chống. Cả hai sẽ được chuyển đến Hạ viện để xem xét, sớm nhất vào ngày 23-8 tới.
Theo tờ The Hill, kế hoạch phân bổ chi tiết 3.500 tỉ USD sẽ tiếp tục được xây dựng dựa trên nghị quyết và đưa ra bỏ phiếu vào cuối tháng 9. Vai trò của nghị quyết ngày 11-8 rất quan trọng, bởi nó sẽ cho phép 50 thượng nghị sĩ Dân chủ tự thông qua dự luật mà không cần đạt được ít nhất 60 phiếu tán thành như các yêu cầu trước đây.
Nếu chính thức có hiệu lực, cả 2 đạo luật sẽ làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ nhưng cũng đồng thời tạo thêm gánh nặng thuế lên tầng lớp giàu có và các doanh nghiệp lớn. Theo tính toán của Nhà Trắng, sẽ có ít nhất 2 triệu việc làm được tạo ra mỗi năm trong vòng 10 năm tới nhờ vào 2 dự luật này. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, tuyên bố các đạo luật sẽ "cung cấp cho người lao động, các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ những công cụ để thành công trong thế kỷ 21".
Dự luật phân bổ 1.000 tỉ USD đã trải qua hàng tháng trời tranh cãi tại Quốc hội Mỹ và dài đến 2.700 trang. Nếu được thông qua, dự luật sẽ cung cấp 110 tỉ USD cho việc hiện đại hóa hoặc xây mới hàng chục ngàn cây cầu và hàng vạn dặm đường cao tốc. Số liệu được Nhà Trắng công bố cho thấy có khoảng 173.000 dặm đường cao tốc và đường chính trên khắp nước Mỹ đang trong tình trạng xuống cấp, 45.000 cây cầu cần được nâng cấp.
Hàng trăm tỉ USD sẽ được chi cho hệ thống giao thông công cộng, cải thiện khả năng tiếp cận của người khuyết tật và tài trợ các dự án xe buýt không phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đi cùng với các phương tiện "sạch" là các trạm sạc xe điện, các xe buýt điện dùng để đưa đón học sinh. 65 tỉ USD cho hiện đại hóa lưới điện quốc gia để tránh các vụ cúp điện diện rộng và 65 tỉ USD nữa cho Internet băng thông rộng tại các vùng nông thôn, thúc đẩy kinh tế và đời sống địa phương phát triển; 55 tỉ USD để hiện đại hóa các cơ sở xử lý nước thải và nước sinh hoạt, 25 tỉ USD cho các đường băng, nhà ga sân bay và các trạm kiểm soát không lưu...
Thế khó của ông Biden
Báo New York Times bình luận "bữa tiệc" ngân sách của ông Biden và Đảng Dân chủ đang vô cùng thịnh soạn. Cả 2 dự luật sẽ rót tiền cho các mục tiêu mà ông Biden đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ: hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống an sinh xã hội cho người Mỹ, từ giáo dục miễn phí đến chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, không phải tất cả nghị sĩ Dân chủ đều ủng hộ chương trình nghị sự của vị tổng thống cùng đảng với họ, chưa kể đến sự phản đối từ các nghị sĩ Cộng hòa.
Đầu tiên, xét đến dự luật 1.000 tỉ USD, việc có 19 nghị sĩ Cộng hòa đứng về phía Dân chủ được xem là một thành công lớn cho ông Biden. Kết quả này cho thấy phe Cộng hòa cũng đồng ý rằng cơ sở hạ tầng Mỹ cần được nâng cấp để tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, khi đến nghị quyết phân bổ 3.500 tỉ USD, kết quả 50-49 cho thấy sự phản đối của phe Cộng hòa trong việc mở rộng các chương trình an sinh xã hội.
Tại Hạ viện, nơi phe Dân chủ đang chiếm đa số mong manh, sự phản đối này nhận được sự chia sẻ từ cả các dân biểu Dân chủ. Nội bộ của Đảng Dân chủ đang chia rẽ, với một bên ủng hộ mọi chương trình nghị sự của Tổng thống Biden, một bên e dè cho việc "vung tay quá trán" và số ít còn lại phản đối kế hoạch chi 3.500 tỉ USD vì thiếu các chính sách có lợi cho những cử tri mà họ đang đại diện.
Việc Quốc hội Mỹ cùng xem xét song song gói 1.000 tỉ và 3.500 tỉ USD được dự báo sẽ dẫn tới bế tắc trong nhiều tháng. Tổng thống Biden rõ ràng muốn thúc đẩy cả 2 cùng lúc, song một số nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi nên có sự chọn lọc và ưu tiên cho gói cơ sở hạ tầng. "Tín hiệu từ quận của tôi đại diện là hãy bỏ túi những gì đang có và đừng giữ gói cơ sở hạ tầng làm con tin (của gói an sinh xã hội)", dân biểu Elissa Slotkin của Đảng Dân chủ nêu quan điểm.
Tìm cách tăng thuế người giàu
Các nghị sĩ Dân chủ đang tìm cách tăng thuế lên nhóm có thu nhập cao và doanh nghiệp lớn để lấy tiền tài trợ cho gói 3.500 tỉ USD.
Nguồn tin của báo New York Times cho biết thuế doanh nghiệp có thể sẽ bị nâng từ 21% lên 25%, thuế lợi tức với những người kiếm trên 1 triệu USD tăng lên 39,6%. Các nhân viên thu thuế và điều tra thuế cũng sẽ được tăng cường năng lực để phát hiện, ngăn chặn các doanh nghiệp lớn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
TTO - Gói ngân sách dành cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD mà Tổng thống Joe Biden thúc đẩy đã được thông qua tại Thượng viện ngày 10-8. Dự luật được dự báo sẽ tác động tới cuộc sống của mỗi người dân Mỹ.
Xem thêm: mth.84842449021801202-dsu-it-005-4-ol-gnohk-hcas-nagn-iov-aoh-ert-ym/nv.ertiout