Các bạn sinh viên Trường ĐH Y dược Thái Bình hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng tại quận 7 (TP.HCM) - Ảnh: Q.NG.
"Chúng tôi nhớ mãi chia sẻ của chủ tịch tỉnh rằng khi Bắc Giang bùng dịch, cả nước vì Bắc Giang nên Bắc Giang luôn sẵn sàng tinh thần vì cả nước. Dịch tại TP.HCM phức tạp hơn nhiều nên chúng tôi xác định cứ vào và hỗ trợ hết khả năng của đoàn" - bác sĩ Hoàng Dũng nói.
"Chúng tôi được tạo điều kiện tương đối ổn định nên phần nào hòa nhịp nhanh và yên tâm, mục tiêu duy nhất là góp sức với các đoàn công tác khác cùng thành phố nhanh chóng khống chế dịch, ổn định tình hình.
Bác sĩ HOÀNG DŨNG (Đoàn công tác Sở Y tế tỉnh Bắc Giang)
Vào "trận chiến" ngay
30 người từ Bắc Giang vào, 20 anh chị nhận nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến số 10 (TP Thủ Đức), 6 người lên Bệnh viện dã chiến Củ Chi (huyện Củ Chi) và 4 người vào ngay Bệnh viện dã chiến số 5 (quận 5). "Chúng mình vào là được phân công phối hợp ngay với Bệnh viện dã chiến số 10, dành quân số chủ yếu của đoàn công tác chi viện cho bệnh viện này vì vừa được thành lập ngày hôm trước thì hôm sau tụi mình vào tới, mới vận hành nên đang cần ổn định đội ngũ" - bác sĩ Hoàng Dũng kể.
Gần 3 tuần vào thành phố, dù có nhà người thân ở đây nhưng bác sĩ Dũng chỉ có thể gọi hỏi thăm qua điện thoại. Ông vừa là trưởng đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang, đồng thời là trưởng nhóm tại Bệnh viện dã chiến số 10 nên ngoài công việc tại đây, ông còn trao đổi công việc mỗi ngày với các thành viên khác của đoàn ở hai bệnh viện còn lại.
"Dân số ở thành phố đông, mật độ dày và các ca bệnh trong cộng đồng nhiều nên tình hình dịch phức tạp hơn ở Bắc Giang. Chúng tôi dự tính vào đây ít cũng tầm một tháng, còn tùy tình hình chứ chưa xác định ngày về" - bác sĩ Dũng cho hay.
Cũng vậy, 350 thành viên đoàn công tác của Trường ĐH Y dược Thái Bình cũng về cơ sở ngay khi đặt chân đến TP.HCM. Ngoài thầy trưởng đoàn Nguyễn Hữu Ngự, thầy phó đoàn Phạm Duy Dũng, còn lại tất cả đều là sinh viên từ năm thứ tư trở lên. 100 bạn hỗ trợ cho quận 7, khi nơi này đang là địa bàn có số ca nhiễm cao của thành phố lúc đoàn vào cách đây 3 tuần, số thành viên còn lại chia về 7 quận, huyện khác.
Những ngày đầu, các bạn tham gia lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, rồi hỗ trợ việc tiêm vắc xin. Hiện quân số đã chia làm đôi, một nửa tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng tại phường, ăn ở luôn tại chỗ, số còn lại vẫn ở tại một trường mầm non. Thầy Phạm Duy Dũng bày tỏ: "Tinh thần các thành viên là rất sẵn sàng, dự trù trước khó khăn sẽ gặp trong hoàn cảnh chống dịch cùng TP.HCM và dù khó khăn thế nào anh em cũng sắp xếp vì mục tiêu chung để công tác hiệu quả nhất".
Trải nghiệm quý làm nghề
Nguyễn Tuấn Minh - sinh viên năm thứ 6 (Trường ĐH Y dược Thái Bình) - cho biết các bạn trong đoàn đều xung phong tham gia và được chọn kỹ trong số nhiều sinh viên của trường cùng đăng ký lên đường vào TP.HCM chống dịch. "Tụi em đều đã được tiêm vắc xin, được thầy cô tập huấn kỹ về nhiệm vụ, nguyên tắc đảm bảo an toàn khi làm việc nên cũng tự tin hơn" - Minh khoe.
Mới vào, các bạn cũng có chút bỡ ngỡ vì khẩu vị thức ăn chưa quen nhưng đi làm gặp bà con thân thiện, vui vẻ nên cũng hòa nhập nhanh. Minh kể có hôm đi làm xong, bà con mang rau củ, trái cây ra cảm ơn, kêu mang về. Minh bảo có lẽ chuyến đi này là trải nghiệm đáng nhớ trong đời khi lần đầu tiên ngồi máy bay vào Sài Gòn, đi xa nhà đến vậy.
"Cơ hội trải nghiệm chuyên môn nghề nghiệp là rõ rồi nhưng điều mình tự rút ra cho đến lúc này không chỉ là kiến thức về chống dịch mà còn là biết cách phối hợp làm việc nhóm cùng nhau, cũng như khả năng làm việc độc lập của bản thân. Tụi mình biết cách xử lý tình huống thực tế gặp phải, giao tiếp với cộng đồng. Đó đều là những bài học quý để làm nghề trong tương lai" - Minh đúc kết.
Trong khi đó, nói về các bạn sinh viên Trường ĐH Tây Nguyên đang hỗ trợ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc bệnh viện kiêm giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 (TP Thủ Đức) - bày tỏ: "Các bạn siêng năng, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm rất cao trong mỗi công việc được giao. Có thêm lực lượng này, cán bộ, nhân viên bệnh viện được phụ một tay, tập trung hơn để xử lý công tác chuyên môn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh còn căng thẳng hiện nay".
Sinh viên Trường ĐH Y dược Thái Bình điều phối và hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng tại quận 7 (TP.HCM) - Ảnh: DUY DŨNG
Trên 6.000 người chi viện cho y tế TP.HCM
Thống kê đến nay hiện đã có trên 6.000 người chi viện cùng đội ngũ y tế chống dịch tại TP.HCM. Lực lượng này gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế đến từ các tỉnh, thành, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM và sinh viên y khoa tại các trường đại học, học viện trên cả nước. Và hiện còn một số đoàn công tác khác tiếp tục được điều động vào hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM sắp tới.
Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trần Thu Hà cho biết tổ chức Đoàn thành phố sẽ lo phần đón tiếp khi các đoàn đến, đồng thời kết nối cùng các quận, huyện đang có nhu cầu để tham mưu việc phân bổ lực lượng về địa phương. Riêng hoạt động chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm và điều hành chung.
"Trong hoàn cảnh hiện nay chắc chắn có những điều chưa hài lòng về điều kiện sinh hoạt hằng ngày và có thể cũng chưa được ưng ý trong những ngày đầu phối hợp làm việc nên rất mong nhận được sự cảm thông và san sẻ với khó khăn chung ấy. Trong khả năng, chúng tôi luôn nỗ lực phối hợp sao cho các đoàn hoạt động thuận lợi, hỗ trợ thành phố chống dịch tốt nhất có thể" - chị Thu Hà chia sẻ.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế phải triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Xem thêm: mth.98874240211801202-ohp-hnaht-gnuc-uad-neihc-iav-gnuhc/nv.ertiout