Các doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục tăng cường xét nghiệm người lao động khi thay đổi mô hình lưu trú. Trong ảnh: nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm công nhân của Công ty CP XNK Nam Thái Sơn (TP.HCM) - Ảnh: NHƯ Ý
Đây là phương án vừa được Bộ Công thương đề xuất với Bộ Y tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, bên cạnh mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" vốn đang gặp khó khi áp dụng với nhiều DN phía Nam.
Với mô hình này, người lao động có thể được về nhà nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm 5K, chỉ được di chuyển theo tuyến cố định...
"3 tại chỗ" không phù hợp
Cũng theo đề xuất của Bộ Công thương, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các DN có kế hoạch chủ động sản xuất.
Trường hợp có F0 và F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với DN để tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho công nhân khác.
Ngoài ra, cần có quy định về tổ chức xét nghiệm gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại DN để cắt giảm chi phí, thời gian và tránh tập trung đông người.
Đặc biệt, cần đưa công nhân đang làm việc tại các DN vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin, nhất là DN ngành điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do DN và cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cho phép hệ thống y tế tư nhân tham gia nhằm tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
"Trường hợp các hiệp hội, DN đã liên hệ và tìm được nguồn cung vắc xin từ nước ngoài, Bộ Y tế cần khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng DN ký kết các hợp đồng cung ứng vắc xin để giúp các DN sớm tiếp cận nguồn vắc xin trong thời gian ngắn nhất.
Các địa phương cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người lao động để giúp các DN duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất và người lao động yên tâm làm việc" - Bộ Công thương đề xuất.
Với các cơ sở sản xuất, DN có đủ điều kiện về y tế có thể cho phép bố trí tổ chức tiêm tại chỗ nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho DN trong việc tổ chức tiêm phòng cho cán bộ, công nhân viên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều DN ủng hộ việc có phương án mới để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bởi việc áp dụng mô hình "3 tại chỗ" không phù hợp với tất cả các DN vì mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có đặc thù khác nhau.
Doanh nghiệp tự quyết, tự chịu trách nhiệm
Ông Kiều Huỳnh Sơn - tổng giám đốc Công ty Vietsteel kiêm phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí điện TP.HCM (Hamee) - cho hay đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ" được hơn 1 tháng nay.
Tuy vậy, nếu kéo dài mô hình này, DN sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí bởi phải chi khoảng 3 triệu đồng/lao động, chưa kể người lao động ở lâu trong nhà máy cũng phát sinh các vấn đề tâm sinh lý, ảnh hưởng đến hiệu quả chung.
"DN thực hiện "3 tại chỗ" có làm tốt mấy cũng không tránh khỏi khó khăn nên mong muốn được lựa chọn mô hình sản xuất linh hoạt và tự chịu trách nhiệm" - ông Sơn nói.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách VN, cũng cho rằng cần để DN tự lựa chọn và chịu trách nhiệm. Bởi mô hình "3 tại chỗ" có thể áp dụng phù hợp và thành công ở những ngành sản xuất ít công nhân như điện tử, công nghiệp phụ trợ, cơ khí...
"Nhưng với các ngành nhiều công nhân, diện tích chật hẹp, mật độ giãn cách thấp như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản... sẽ rất khó thực hiện" - bà Xuân nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, cho rằng không nên ấn định mô hình "3 tại chỗ" hay "1 cung đường, 2 điểm đến" ở một địa bàn, một ngành mà để DN lựa chọn mô hình phù hợp, tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm.
"Cần tránh tình trạng đơn vị cấp phường/xã cũng có quyền được yêu cầu đóng cửa DN, làm đứt gãy chuỗi cung ứng" - ông Cung nói.
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cũng khuyến nghị không nên áp dụng cứng nhắc một phương thức mà nên phát huy sáng kiến, sáng tạo của DN trong sản xuất, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chủ động của DN.
"Chính quyền địa phương cần có quy định và hướng dẫn rõ ràng, linh hoạt để DN lựa chọn nhằm đảm bảo mỗi DN có mô hình sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao" - ông Hiếu nói.
Tránh chồng chéo trong kiểm tra phòng chống dịch tại doanh nghiệp
Ngày 12-8, trong văn bản khẩn về phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế yêu cầu tránh chồng chéo trong hoạt động kiểm tra, giám sát trong xây dựng kế hoạch và triển khai phòng chống dịch, không để xảy ra tình trạng nhiều đơn vị chức năng cùng kiểm tra.
Việc kiểm tra chỉ nhằm để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả với các vướng mắc, đảm bảo hỗ trợ DN hoạt động, không gây ùn tắc trong lưu thông hàng hóa.
Các địa phương cũng được yêu cầu hướng dẫn DN thực hiện xét nghiệm sàng lọc hằng tuần ít nhất cho 20% công nhân bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh khi đơn vị chưa có ca mắc COVID-19; xét nghiệm ít nhất 50% người lao động khi có ca mắc COVID-19.
"2 tại chỗ" thay cho "3 tại chỗ"
Ông Nguyễn Ngọc An (tổng giám đốc Công ty Vissan):
"3 tại chỗ" không phù hợp với ngành thực phẩm
Đối với các lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp, việc giao lưu bên ngoài rất hạn chế nên phù hợp với "3 tại chỗ". Còn đặc thù ngành sản xuất thực phẩm, lao động của Vissan phải ra vào liên tục để nhập giao hàng. Do đó rủi ro lây nhiễm cao, tốc độ lây lan nhanh hơn nếu ở chung.
Chúng tôi cũng đã thực hiện "3 tại chỗ" nhưng với hơn 1.300 lao động cùng ở chung nên khi xuất hiện ca F0, tốc độ lây nhiễm diễn ra rất nhanh. Do đó, chúng tôi muốn được sản xuất bình thường khi hoạt động lại, hoặc áp dụng nghiêm quy định "1 cung đường, 2 điểm đến".
DN sẽ buộc công nhân ký cam kết chỉ về tại nhà và đến công ty, chia theo ca và dây chuyền để hạn chế tiếp xúc, thực hiện nghiêm 5K, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19...
Ông Trương Chí Thiện (giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, TP.HCM):
Khó kéo dài "3 tại chỗ"
Khoảng 20% lao động của chúng tôi đã nghỉ việc sau nhiều tuần thực hiện "3 tại chỗ". Nếu kéo dài mô hình này sẽ có thêm nhiều lao động xin nghỉ, nguy cơ sản xuất bị gián đoạn.
Việc kéo dài "3 tại chỗ" khiến nhiều công nhân bị áp lực tâm lý, chưa kể chi phí của DN cũng bị đội lên. Do đó, theo tôi, nên xem xét cho phép áp dụng "2 tại chỗ" (ăn và làm việc tại chỗ), nhưng được phép đi về buổi tối.
Nếu được về nhà, người lao động cũng không dám đi đâu. Hơn nữa, nếu được áp dụng mô hình "2 tại chỗ", chúng tôi cũng yêu cầu công nhân ký cam kết chỉ đi đến công ty và về nhà. Công ty cũng sẽ đi chợ giúp công nhân để công nhân hạn chế tối đa việc ra ngoài.
Ông Lê Nhật Trường (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung VN, Đồng Nai):
Vẫn kiểm soát được dịch với "2 tại chỗ"
Mô hình mà Bộ Công thương đề xuất như DN có cam kết, công nhân đảm bảo đi một cung đường từ nhà đến công ty và ngược lại, tự thực hiện cách ly tại nhà... là hoàn toàn hợp lý.
Với phương án "2 tại chỗ", chỉ cần chính quyền kiểm soát chặt, công nhân tuân thủ nghiêm các quy định... có thể gỡ vướng cho DN "3 tại chỗ" hiện nay. Thêm vào đó, các biện pháp tiêm vắc xin, test nhanh theo phân vùng nguy cơ, thậm chí PCR là cần thiết, có quy định cụ thể là có thể làm được.
Ông Nguyễn Công Đoàn (tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan VN, Đồng Nai):
Cần chính sách hỗ trợ cho DN duy trì sản xuất
Giải pháp tốt nhất để duy trì, phục hồi sản xuất là tiêm vắc xin để miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, lượng vắc xin hiện rất khan hiếm nên các DN phải chấp nhận "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất, giữ chân khách hàng. Nhưng việc duy trì phương án này trong một thời gian dài khiến cho chi phí đội lên rất cao, gần gấp đôi so với trước.
DN rất mong Chính phủ có biện pháp giảm tiền điện, các chính sách thuế như kéo giãn thời gian nộp thuế cho các DN gặp khó khăn để DN sử dụng nguồn tiền này chi trả lương cho công nhân, ổn định sản xuất...
A LỘC - NG.TRÍ ghi
Phải giảm áp lực cho người lao động
Bà Phạm Thị Châu (Công ty TNHH VEXOS VN):
Đề cao ý thức người lao động
Việc thay đổi mô hình sản xuất như đề xuất là hợp lý trong bối cảnh nhiều DN đã duy trì mô hình "3 tại chỗ" khá dài. Dù chúng tôi vẫn đang thực hiện tốt mô hình "3 tại chỗ" nhưng chỉ có thể trong ngắn hạn, khó duy trì lâu dài bởi tâm lý công nhân bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, cần phải tính toán các tiêu chí kỹ lưỡng để làm sao vẫn đảm bảo tối đa yêu cầu phòng dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức phòng dịch của mỗi lao động, áp dụng tối đa các cách thức phòng dịch để nhà xưởng sản xuất được an toàn.
Điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người lao động, chủ động phòng dịch từ nơi cư trú, quá trình di chuyển lẫn nơi làm việc.
Ông Trần Việt Anh (tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn):
Giải tỏa áp lực tâm lý
Đề xuất của Bộ Công thương về phương án tương tự hình thức "1 cung đường, 2 điểm đến" là hợp lý, giải tỏa được áp lực tâm lý cho công nhân đang làm việc tại các DN "3 tại chỗ", tạo điều kiện cho DN giải quyết việc làm cho người lao động...
Tuy nhiên, cần phân loại những DN đã "xanh" hoàn toàn hay những nhóm DN không sản xuất nhưng có công nhân đang ở "vùng xanh" để lựa chọn áp dụng.
Điều quan trọng là vẫn phải duy trì xét nghiệm định kỳ người lao động, tăng số lần xét nghiệm, chấp nhận chịu chi phí cao hơn trong tháng đầu để tạo ra sự an toàn.
Các khu công nghiệp cũng cần có một tổ để kiểm tra hành trình của công nhân, đồng thời có bệnh viện dã chiến mini để tổ chức cách ly, khoanh vùng và khử khuẩn ngay khi phát hiện F0, giúp những nhóm an toàn tiếp tục sản xuất, F0 không nặng sẽ chữa ngay tại khu công nghiệp.
Ông Đoàn Võ Khang Duy (phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện TP.HCM):
Ứng dụng công nghệ để quản lý lao động
Chúng tôi đang đề xuất bộ tiêu chí của mô hình "3 xanh" thay thế "3 tại chỗ" với những chỉ số định lượng cụ thể, nắm rõ tần suất xét nghiệm COVID-19 của từng công nhân, từng bộ phận sản xuất.
Cơ sở cho mô hình này là nhiều công nhân đã được tiêm 1 mũi vắc xin, bộ xét nghiệm cũng dần phổ biến, hệ thống công nghệ thông tin cũng dễ dàng triển khai cho việc quản lý lưu thông của công nhân...
Do đó, nên cho phép DN tự chủ trong việc xét nghiệm COVID-19, cấp QR Code để công nhân được đi và về nhà xưởng, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra tương tự như QR code "luồng xanh" của vận tải.
Các khu công nghiệp cũng cần trao quyền để ban quản lý chủ động hơn trong việc phân loại DN, chia các vùng xanh, đỏ, cam cho từng DN và xử lý khi có ca COVID-19.
NGỌC HIỂN ghi
TTO - Ngoài mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", Bộ Công thương đề xuất bổ sung các hình thức khác để doanh nghiệp lựa chọn, có quy định cụ thể với trường hợp người lao động được về nhà và cam kết với chính quyền địa phương.
Xem thêm: mth.85010757031801202-ohc-iat-3-peihgn-hnaod-ohc-ohk-og/nv.ertiout