UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về thông tin nguồn vốn thực hiện dự án metro số 2. Đồng thời, UBND TP cũng báo cáo tiến độ triển khai dự án metro số 2 cùng các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hướng giải quyết.
Giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành
Theo UBND TP.HCM, metro số 2 có tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 47.890 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án được hợp lại từ ba nhà đồng tài trợ nước ngoài gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Tổng số vốn tài trợ từ các nhà đầu tư trên là hơn 37.486 tỉ đồng. Số vốn còn lại hơn 10.403 tỉ đồng được đầu tư từ nguồn vốn đối ứng trong nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 đến 2026.
Theo UBND TP.HCM, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành các thủ tục ban hành quyết định bồi thường (đạt 99,67% tương ứng 601/603 trường hợp bị thu hồi đất).
Công tác giải phóng mặt bằng của dự án metro số 2 cơ bản đã hoàn thành, đạt hơn 99%. Ảnh: ĐT
Đối với công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, các nhà thầu tư vấn đang triển khai công tác khảo sát, thiết kế di dời. Dự kiến cuối năm 2021 có thể khởi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Đối với công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính, hiện nay chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà thầu tư vấn kiểm soát thực hiện dự án và giám sát thi công (CS2B).
Việc thương thảo phụ lục hợp đồng số 13 với Tư vấn dự án IC đã kết thúc từ ngày 10-2 do hai bên không đạt được thỏa thuận chung. Tuy nhiên, sau đó Tư vấn IC đã có văn bản đề nghị mở lại đàm phán để có thể tiếp tục hoàn thành giai đoạn A của hợp đồng IC với sự sẵn sàng hợp tác.
Hiện chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR) đang xem xét, làm việc với Tư vấn IC về các vấn đề còn vướng mắc của hợp đồng để đưa ra quyết định có mở lại vòng đàm phán hay không.
Kiến nghị sớm xem xét thẩm định vay lại vốn
UBND TP.HCM cho biết nguồn vốn vay của chính phủ Đức cho dự án như sau: Đối với nguồn vốn vay đã ký 240,75 triệu EUR (khoảng 6.450 tỉ đồng) được chia thành hai khoản vay.
Một khoản vay là 28 triệu EUR (tương đương 750 tỉ đồng), trong đó có 10 triệu EUR (khoảng 270 tỉ đồng) không hoàn lại (ký ngày
11-3-2011). Khoản còn lại là hơn 212,75 triệu EUR (khoảng 5.700 tỉ đồng), trong đó có hơn 75,750 triệu EUR (khoảng 2.020 tỉ đồng) không hoàn lại (ký ngày 4-6-2011).
Hiện nay, hai khoản vay này đang được UBND TP đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đến khi hoàn thành dự án vào năm 2024 và điều chỉnh lịch trả nợ bắt đầu từ năm 2025.
Đối với nguồn vốn dự kiến vay mới, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đã xác nhận khoản tài trợ bổ sung đến 300 triệu EUR (khoảng hơn 8.000 tỉ đồng). Theo dự án điều chỉnh được duyệt tại Quyết định 4880 của UBND TP, giá trị khoản vay mới của KfW dự kiến là 249,05 triệu USD (tương đương khoảng 5.701,557 tỉ đồng) thuộc nguồn vốn vay lại của chính phủ Đức. Dự kiến triển khai để ký kết khoản vay này vào khoảng giữa năm 2022 để kịp tạm ứng giải ngân cho gói thầu Tư vấn CS2B.
Hiện khoản vay 1 và 2 của KfW đã hết hiệu lực vào ngày 31-12-2020 nhưng chưa được gia hạn. Lý do, KfW đang xem xét việc huy động lại tư vấn thực hiện dự án (IC), tư vấn CS2B là điều kiện để gia hạn hiệu lực khoản vay và chuẩn bị cho khoản vay bổ sung.
Do vậy, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét thẩm định vay lại, làm cơ sở để triển khai khoản vay bổ sung với KfW.
Theo UBND TP, các khó khăn, vướng mắc hiện nay có việc thẩm định điều kiện vay lại của Bộ Tài chính. Hồ sơ thẩm định vay lại đã được UBND TP báo cáo Bộ Tài chính vào tháng 2-2020.
Tuy nhiên, hiện nay hồ sơ vẫn chưa được Bộ Tài chính thẩm định. Lý do là Bộ Tài chính có đề nghị UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân chia giá trị cấp phát, vay lại đối với từng nguồn vay (cũ và dự kiến vay mới). Vì giá trị cấp phát, vay lại của từng nguồn vốn vay đã có thay đổi so với trước khi điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Thực hiện theo đề nghị của Bộ Tài chính, UBND TP đã có công văn báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục thẩm định vay lại. Đồng thời xác định cơ chế tài chính, đàm phán các hiệp định vay, ký kết hợp đồng cho vay lại của dự án và hướng dẫn UBND TP.HCM triển khai thực hiện.
Thời gian khởi công metro số 2 sẽ theo hai phương án Đại diện Ban quản lý dự án metro số 2 (thuộc MAUR) cho biết hiện nay MAUR đang làm việc với đối tác để tiến hành gia hạn thủ tục vay cũ. UBND TP đang đề nghị gia hạn thời gian giải ngân đến khi hoàn thành dự án vào năm 2024 và điều chỉnh lịch trả nợ bắt đầu từ năm 2025. MAUR thông tin, đối với công tác gia hạn giải ngân này hiện không gặp khó khăn gì. Bên cạnh đó, MAUR cũng đang đàm phán với KfW về nguồn vốn vay mới (300 triệu EUR). Thông tin về thời gian khởi công metro số 2, vị đại diện này cho biết Ban quản lý dự án 2 đang đưa ra hai phương án. Trong đó, một phương án sẽ làm việc lại với đơn vị tư vấn IC, nếu hai bên thiện chí thì có thể tiến hành khởi công trong năm 2022. Mặt khác, nếu buộc phải chọn đơn vị tư vấn mới thì dự kiến tuyến metro số 2 sẽ khởi công trong năm 2023. |