Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Y tế - đề xuất doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về mô hình vừa sản xuất phù hợp với thực tế, nhưng cần có thêm hướng dẫn của ngành y tế về xét nghiệm, xử lý khi có ca nhiễm F0.
Tự chọn - Tự chịu trách nhiệm
Văn bản được đưa ra sau quá trình duy trì "3 tại chỗ" với hàng loạt bất cập như thiếu cơ sở hạ tầng, chi phí gia tăng, chưa có quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ - điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể tiếp tục phương án này nếu kéo dài. Bất cập trên đòi hỏi cần có mô hình sản xuất thay thế phù hợp hơn.
Theo Bộ Công Thương, với mô hình này, người lao động có thể được về nhà nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm 5K, chỉ được di chuyển theo tuyến cố định...
Bộ Công Thương cho rằng, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các doanh nghiệp có kế hoạch chủ động sản xuất.
Trường hợp có F0 và F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho công nhân khác.
Cần đưa công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine, nhất là doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do doanh nghiệp và cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cho phép hệ thống y tế tư nhân tham gia nhằm tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.
"Trường hợp các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, Bộ Y tế cần khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất.
Các địa phương cũng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người lao động để giúp các doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất và người lao động yên tâm làm việc", Bộ Công Thương đề xuất.
Còn trong hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các địa phương chủ động hướng dẫn doanh nghiệp lên phương án "3 tại chỗ" và doanh nghiệp có thể giảm chi phí xét nghiệm hơn trước.
Tiên vaccine cho người lao động để cứu nền sản xuất
Thực tế vaccine vẫn là "chìa khoá" để cứu nền sản xuất lúc này. Giám đốc một công ty sản xuất linh kiện điện tử ở Hưng Yên cho Lao Động hay, hồi giữa tháng 5.2021, công ty bà đã thực hiện "3 tại chỗ".
Với đợt dịch này, ban lãnh đạo công ty khá sẵn sàng về cơ sở vật chất và cũng đã có kinh nghiệm thực hiện trước đó (khoảng 14-20 ngày) rồi. Tuy nhiên, khó khăn mỗi đợt lại khác nhau.
"Với kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, tôi thấy có 2 nguy cơ chính trong khu nội trú: Đầu tiên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xét nghiệm sàng lọc. Nếu như doanh nghiệp chỉ test nhanh, chi phí thấp, nhưng kết quả không chính xác thì dễ bỏ lọt lúc sàng lọc ban đầu.
Nguyên nhân thứ 2 có nhiều nhân sự nội trú nhưng vẫn phải giao dịch với khách hàng. Thế nên vẫn xuất hiện kẽ hở để COVID-19 "chui" vào. Thậm chí có doanh nghiệp xét nghiệm PCR 100% vẫn dính ca COVID-19.
Tôi nghĩ việc triển khai tiêm vaccine là chìa khoá duy nhất để "cứu" nền sản xuất lúc này, nhưng lại không nhanh được. Khu công nghiệp rất dễ lây chéo, song lại thuộc nhóm 7 trong danh sách ưu tiên tiêm vaccine nên vẫn phải chờ rất lâu", nữ giám đốc chia sẻ.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho biết, hai mặt trận ở thời điểm này là chống COVID-19 và sản xuất.
Vừa rồi, chúng ta đã ưu tiên hết cho mặt trận tuyến đầu chống dịch, bây giờ phải ưu tiên cho những người sản xuất - bởi họ cũng giống như những người lính trên chiến trường vậy. Nếu sản xuất không phát triển thì lính tiền tiêu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Cho nên, tôi đề nghị tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là những người lao động có liên quan đến chuỗi đời sống của nhân dân" - ông Lĩnh đề xuất.
Xem thêm: odl.634149-ohc-iat-3-hnih-om-teyuq-ut-coud-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal