Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam ( Vietcombank ) - chi nhánh Hà Nội đã thông báo rao bán tài sản là nhà máy sản xuất trứng gà sạch của Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ, giá khởi điểm hơn 290 tỷ đồng. Toàn bộ phần vốn góp của Công ty cổ phần ĐTK tại Công ty TNHH ĐTK Phú Thọ (100% vốn góp của chủ sở hữu nhà máy) cũng được rao bán thông qua hình thức bán đấu giá tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ.
Đây là tài sản thế chấp của ĐTK để đảm bảo cho các khoản vay tại Vietcombank và ngân hàng phải xử lý nợ khi "đại gia" trứng gà phá sản.
Trước đó, đầu năm 2020, Vietcombank đã rao bán toàn bộ thiết bị máy móc vẫn đang hoạt động bình thường và phương tiện vận tải của nhà máy này. Tài sản được kê biên từ cuối năm 2019.
CÚ SỤP ĐỔ CỦA NHÀ MÁY TRỨNG GÀ SẠCH LỚN NHẤT VIỆT NAM
CTCP ĐTK (ĐTK Corporation) làm nông nghiệp từ năm 1988, được biết đến là một tên tuổi lớn trong ngành chăn nuôi Việt Nam với mô hình khép kín 3F (Feed – Farm – Food). Tập đoàn này xếp vị trí thứ 58 trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015.
Năm 2017, ĐTK hợp tác với Tập đoàn Ise Foods (Nhật Bản) để xây dựng Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK tại Tam Nông, Phú Thọ với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Công ty này cho biết, nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại trong chăn nuôi, cung ứng cho thị trường khoảng 175 triệu quả trứng sạch/năm, tương đương 500.000 quả trứng/ngày. Trứng gà Freskan+ của nhà máy được quảng bá là có thể ăn sống trực tiếp trong vòng 7 ngày kể từ ngày sản xuất theo tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Một trong những sản phẩm khác biệt của nhà máy này là loại trứng gà bổ sung nhóm các dinh dưỡng và vi chất thiết yếu, được truyền thông là dựa trên công thức thức ăn cho gà độc quyền. Sản phẩm mang thương hiệu EMITAMA, bao gồm Emitama Omega 3-6-9, Emitama Canxi, Emitama Multi Vitamin A B E…
Trứng gà Freskan+ từng được quảng cáo là trứng sạch số 1 thế giới
ĐTK Phú Thọ khẳng định, đây là lần đầu tiên một công ty 100% vốn Việt Nam đầu tư vào hệ thống công nghệ xanh hàng đầu thế giới, khép kín từ sản xuất nguyên liệu thức ăn đầu vào, chăn nuôi gà hậu bị, chăm sóc gà thương phẩm, xử lý môi trường, đến thu gom, xử lý và đóng gói trứng thành phẩm ở quy mô lớn và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong từng khâu sản xuất. Thời gian cung ứng sản phẩm từ khi gà đẻ tới hệ thống cửa hàng, siêu thị chỉ trong vòng 24 giờ.
Tại buổi lễ Khánh thành, đại diện Vietcombank cũng đánh giá, đây là dự án lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất trứng gà sạch công nghệ cao cho đến thời điểm tháng 3/2017 với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, trong đó Vietcombank tài trợ vốn 600 tỷ đồng với thời hạn cho vay 15 năm.
Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 năm, nhà máy ĐTK Phú Thọ đã phải dừng sản xuất.
SỰ CHIẾM LĨNH CỦA "KẺ NGOÀI NGÀNH" HÒA PHÁT
Cùng trong giai đoạn trên, đồng thời cũng ở tỉnh Phú Thọ, "vua thép" Hòa Phát bắt tay vào nuôi gà đẻ trứng bằng việc đầu tư trang trại chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, đơn vị quản lý là Công ty Gia cầm Hòa Phát. Tập đoàn này cho biết, nhà máy chia thành 2 giai đoạn với tổng quy mô 1,2 triệu gà đẻ thương phẩm, 300 triệu quả trứng thương phẩm/năm tương đương hơn 800.000 quả trứng/ngày.
Và trong khi ĐTK Phú Thọ đi đến đường phá sản thì trứng gà Hòa Phát lại nhanh chóng vươn ra chiếm lĩnh thị trường. Hòa Phát vừa công bố, sản lượng trứng gà sạch của doanh nghiệp này hiện đạt 750.000 quả/ngày. Dự kiến đến cuối năm, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát sẽ gia tăng sản lượng lên 950.000 - 1.000.000 quả/ngày, giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc.
Con số này vượt xa rất nhiều so với 2 ông lớn khác trong ngành chăn nuôi là CP và Dabaco. Tập đoàn CP, sau nhiều năm đầu tư thì sản lượng trứng đạt 200.000 quả /ngày, bằng ¼ sản lượng bán hàng ngày của Hòa Phát. Sản lượng trứng hiện nay của Dabaco tại phía Bắc khoảng 400.000 quả/ngày.
Tại Hà Nội, Hòa Phát đang cung cấp trứng gà sạch vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng của Vinmart, Hapromart, Haprofood, Seikamart, Fujimart, Intimex, BRG InterShop, K.Mart/T.Mart.
Tại sao tại cùng một địa phương, lại có 2 bức tranh trái ngược giữa 2 doanh nghiệp trứng – một bên có 30 năm kinh nghiệm với một bên chưa đầy 5 năm?
Trứng gà Hòa Phát hiện chiếm thị phần số 1 tại miền Bắc
Năm 2018, thị trường trứng gia cầm chứng kiến quá trình giảm giá mạnh và kéo dài khiến những người chăn nuôi gà vịt đẻ trứng "khóc thét". Một "đại gia" như ĐTK cũng không dễ chịu hơn khi vừa đầu tư một nhà máy quy mô lớn bằng vốn vay trong khi sản phẩm giá cao, làm ra không bán được. Kết cục cuối cùng đã dẫn đến việc Vietcombank phải rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Công ty Gia cầm Hòa Phát chắc chắn cũng không thể không gặp khó trước sự đi xuống của thị trường chung, song doanh nghiệp này có nhiều lợi thế. Công suất trứng gà của Hòa Phát cao hơn 70% so với trại của ĐTK nhưng suất đầu tư của Hòa Phát lại thấp hơn nhiều. Lãnh đạo doanh nghiệp từng cho biết trên tờ Forbes, suất đầu tư các điểm trại chăn nuôi của Hòa Phát tương đối thấp nhờ tối ưu hóa các khâu từ lập dự án đến triển khai, không bị chậm tiến độ nên khả năng quay vòng vốn nhanh, thời gian xây dựng mỗi năm một trang trại.
Một yếu tố quan trọng là Gia Cầm Hòa Phát có tỷ lệ vốn vay thấp nên không chịu áp lực trả nợ như ĐTK.
Tư duy quản trị cũng là điều phải nhắc đến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là một nhà sản xuất công nghiệp, Chủ tịch Trần Đình Long và các cộng sự mang tư duy công nghiệp vào mảng kinh doanh mới: Đầu tư ở quy mô lớn nhờ vào năng lực quản trị sản xuất tích lũy nhiều năm. Chọn thức ăn chăn nuôi làm điểm khởi đầu, Hòa Phát có thể dựa vào lợi thế về kinh nghiệm sản xuất và tiềm lực tài chính, áp dụng sản xuất ở quy mô lớn, do sản xuất thức ăn chăn nuôi "gần" với sản xuất công nghiệp.
Doanh nghiệp này cũng có kinh nghiệm mở kênh phân phối đại lí, sản lượng bán hàng tập trung ở kênh bán buôn. Theo đó, các nhà hàng, khách sạn, các công ty bánh kẹo, khu công nghiệp ở nhiều nơi đều tiêu thụ trứng gà Hòa Phát. Mặc dù đã phủ sóng khắp các siêu thị nhưng thực tế, sản lượng trứng Hòa Phát đổ vào kênh này mới chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng sản xuất.
Ngô My
Doanh nghiệp và Tiếp thị