vĐồng tin tức tài chính 365

Đừng để nghẹn vì chốt kiểm soát

2021-08-13 12:20

Đừng để nghẹn vì chốt kiểm soát

TS. Võ Đình Trí

(KTSG) - Khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, rất nhiều chốt kiểm soát trên địa bàn được lập ra…

Những người làm công tác vận chuyển không biết đâu mà lần tại các chốt kiểm soát. Ảnh: N.K

Dù được coi là hàng hóa thiết yếu nhưng việc lưu thông thực phẩm tươi sống nội tỉnh và liên tỉnh bị ảnh hưởng rất nhiều. Cảnh tréo ngoe là trong khi nơi này phải bấm bụng đổ bỏ thì nơi khác lại không có hay phải mua với giá đắt hơn bình thường rất nhiều. Chúng ta ưu tiên chống dịch khẩn cấp nhưng cũng cần có tầm và tâm để thực hiện các quyết sách, giảm bớt khó khăn và gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.

Nghẹn ngào

Do phải thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm mạnh. Nhưng đến kỳ thu hoạch thì các loại thực phẩm này không thể chờ đợi được lâu. Cho nên nhiều người sản xuất phải bấm bụng đổ bỏ. Những mặt hàng nuôi trồng ngắn ngày thì còn đỡ, chứ nuôi trồng cả năm hay lâu hơn, mà thời điểm thu hoạch rơi vào lúc này thì chỉ còn nước nghẹn ngào.

Trên một số phương tiện truyền thông, đã có tin người nông dân miền Tây muốn bán trái cây thu hoạch với mọi giá mà không được, đành phải đổ bỏ. Có nơi, chỉ từ huyện này sang huyện khác thôi mà hàng hóa như rau củ, trái cây cũng bị khó khăn trong việc tiêu thụ.

Quá trình lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống không chỉ bị khó khăn do chỉ được thực hiện trong khung giờ từ 18 đến 6 giờ mà còn từ rất nhiều chốt kiểm soát. Vấn đề là các chốt kiểm soát do nhiều cấp lập ra, mỗi nơi có cách hiểu và thực hiện khác nhau nên những người làm công tác vận chuyển không biết đâu mà lần. Chẳng hạn sau khi có phản ánh thì Bộ Công Thương đã ra công văn khẩn thống nhất về danh sách hàng hóa thiết yếu nhưng cách hiểu của những người thực hiện ở cấp xã, phường lại không giống nhau, cụ thể ở một số mặt hàng đông lạnh, ướp đá.

Bên cạnh đó, số lượng chốt kiểm soát cũng nhiều nên nếu phương tiện vận chuyển bị dừng kiểm soát nhiều lần thì hao phí thời gian là rất lớn. Thử hình dung nếu phương tiện bị dừng lại 5-7 lần, không may phải kiểm tra luôn hàng hóa chứ không chỉ giấy tờ thì tổng thời gian bị mất phải tính theo giờ đồng hồ.

Quan sát từ nước Pháp

Một ước tính khi nước Pháp giãn cách hoàn toàn một tháng là bị thiệt hại 70 tỉ euro, tương đương 3% GDP. Nếu mức thiệt hại ở quy mô tương tự cho TPHCM, thì mỗi ngày thiệt hại 1.372 tỉ đồng có làm cho chúng ta giật mình?

Khi Pháp thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ cao nhất, từ giữa tháng 3-2020 đến đầu tháng 5-2020 và sau đó là tháng 11-2020, các hoạt động vận chuyển hàng hóa hầu như không có gì thay đổi, nếu không nói là nhộn nhịp hơn vì nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Lương thực thực phẩm nói chung là mặt hàng thiết yếu nên các cửa hàng, siêu thị kinh doanh các mặt hàng nhóm này hoạt động bình thường.

Các nơi bán hàng chỉ cần tuân thủ các yêu cầu về giữ khoảng cách, bắt buộc mang khẩu trang, trang bị gel sát khuẩn, và số người tối đa theo quy định, ví dụ ngoài trời là 4 mét vuông/người, nếu trong không gian kín thì là 8 mét vuông/người. Chẳng hạn một cửa hàng 80 mét vuông thì tối đa có 10 người cùng một lúc. Thêm vào đó, hoạt động vận chuyển hàng hóa được coi là nhóm ít có sự tiếp xúc giữa người với người nên việc kiểm soát cần ít chặt chẽ hơn.

Và điều đặc biệt nhất là không có các chốt kiểm soát ở trong nội bộ một tỉnh hay vùng. Ở những lúc cao điểm, có các chốt kiểm soát ở điểm vào/ra tỉnh hay vùng nhưng chỉ ở những vùng đang có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Phải giữ hoặc thậm chí tăng lưu thông hàng hóa

Trong giai đoạn giãn cách xã hội cao nhất, nhu cầu lương thực thực phẩm là thiết yếu hiển nhiên. Mà không chỉ là các mặt hàng tươi sống, bất kể hàng hóa lương thực thực phẩm nào hay có liên quan đều phải được coi là thiết yếu, từ đông lạnh cho đến đóng hộp, đóng gói.

Ở Pháp sau một thời gian giãn cách, sách cũng được coi là mặt hàng thiết yếu và các hiệu sách được mở cửa, các quầy sách trong siêu thị mở cửa để cạnh tranh lại với các nhà cung cấp trực tuyến. Giãn cách xã hội và ở nhà lâu, nhu cầu trang trí, sửa chữa nhà cửa của người Pháp cũng tăng đột biến. Các cửa hàng, siêu thị bán các mặt hàng này luôn tấp nập đơn hàng, mua trực tuyến giao tận nhà hoặc nhận tại cửa hàng (click and collect), nhiều nơi còn không có đủ hàng hóa để cung ứng.

Trong tình huống nếu việc giãn cách xã hội ở cấp độ mạnh còn kéo dài, thì cần xem xét việc dỡ bỏ các chốt kiểm soát trong nội bộ một tỉnh thành. Người dân có thể di chuyển trong địa bàn đang có dịch với các lý do chính đáng như làm việc với cơ quan chính quyền, đến chỗ làm khi doanh nghiệp đã có xác nhận, lý do gia đình cấp bách, lý do y tế, và chỉ khi nào di chuyển qua tỉnh, thành khác thì mới cần kiểm tra.

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, cần ưu tiên hoàn toàn cho các mặt hàng lương thực thực phẩm dù dưới dạng gì. Các mặt hàng liên quan đến sửa chữa nhà cửa cũng là ưu tiên vì thử hình dung, nếu thiết bị vệ sinh bị hỏng thì làm sao một gia đình có thể chịu đựng được trong thời gian giãn cách? Và cuối cùng, các hoạt động giao nhận hàng hóa nói chung cũng cần được đưa về trạng thái bình thường, vì các hoạt động này có ít sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người.

Trong khi chờ đợi vaccin được chích trên diện rộng thì chỉ có giãn cách xã hội mới giảm được mức độ và tốc độ lây nhiễm. Nhưng chính vì thế mà việc lưu thông hàng hóa cần được thực hiện tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp bởi vì nhiều điểm đứt gãy nhỏ sẽ tạo nên đứt gãy lớn hơn, và cứ thế tăng dần. Một ước tính khi nước Pháp giãn cách hoàn toàn một tháng là bị thiệt hại 70 tỉ euro, tương đương 3% GDP. Nếu mức thiệt hại ở quy mô tương tự cho TPHCM, thì mỗi ngày thiệt hại 1.372 tỉ đồng có làm cho chúng ta giật mình?

Xem thêm: lmth.taos-meik-tohc-iv-nehgn-ed-gnud/723913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đừng để nghẹn vì chốt kiểm soát”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools