Doanh nghiệp tại Quảng Nam phát triển du lịch xanh, bền vững
Nhân Tâm
(KTSG Online) - Tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025. Đây có thể được xem là kim chỉ nam để ngành du lịch của tỉnh hướng đến mô hình phát triển bền vững hậu dịch Covid-19 sau nhiều năm “thai nghén”.
Một buổi hướng dẫn kinh tế tuần hoàn dành cho các doanh nghiệp tại Quảng Nam. Ảnh chụp lúc dịch chưa bùng phát trở lại tại Quảng Nam. Ảnh: Nhân Tâm |
Những mô hình thai nghén
Những ngày này, giữa mùa dịch, người dân và doanh nghiệp tại khu vực làng chài Tân Thành (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn “chăm chỉ” phân loại rác tại nhà và đem đến cơ sở phục hồi tài nguyên được đặt ngay tại trung tâm của làng chài.
Đi vào hoạt động từ đầu tháng 5-2021 và được bàn giao từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Green Youth Collective và Reform Plastic (hai đơn vị sau chuyên thu gom và tái chế, sản xuất chất thải rắn thành các sản phẩm gia dụng), cơ sở này là điểm tập kết các loại chất thải rắn được phân loại, bao gồm tất cả đồ nhựa, giấy, kim loại và chất thải nguy hại.
Theo định kỳ, thành viên từ Green Youth Collective và Reform Plastic đến cơ sở này để thu gom và chuyển về cơ sở tái chế hiện được đặt tại trung tâm xử lý rác thải Hội An.
Đại diện các doanh nghiệp trong cộng đồng du lịch làng chài chia sẻ họ tham gia chương trình này vì muốn gửi đi thông điệp rằng các doanh nghiệp làm du lịch nhưng cố gắng hết sức bảo vệ môi trường.
Cũng tại thành phố Hội An, ở xã Cẩm Thanh, chị Phạm Thị Linh Chi, chủ Mr Tho Garden Villas (hay còn gọi là “Vườn Ông Thọ”) vẫn miệt mài ủ rác để lấy phân hữu cơ, bón cho vườn trồng rau và cây xanh của mình trong những ngày không có khách. Chị cũng thực hành xử lý môi trường và nuôi gia cầm theo phương pháp hữu cơ sau thời gian tham gia dự án "Doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - Điểm đến Xanh".
Chị Chi cũng là một trong những thành viên tích cực của dự án – được triển khai mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân có làm du lịch tại Hội An từ năm ngoái sau khi dịch bắt đầu bùng phát tại Việt Nam.
Với sự phối hợp từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, dự án đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn thực tế cho nhiều doanh nghiệp tại Quảng Nam để chia sẻ cách phân loại, tự xử lý rác hữu cơ tại nguồn, cách làm nước enzyme (nước lên men từ vỏ trái cây), compost và bokashi (hai phương pháp tạo phân bón hữu cơ sinh học)…
Chị Vũ Mỹ Hạnh, quản lý dự án, chia sẻ các doanh nghiệp có thể đầu tư việc phân loại và lập kế hoạch rác cần xử lý, dùng kỹ thuật để xử lý rác hữu cơ và sản xuất các sản phẩm thay thế như rơm, rạ, bã mía và có thể phân hủy.
Cách cơ sở Vườn Ông Thọ vài trăm mét, các nhân viên nhà hàng The Field (Cánh đồng) hằng ngày cùng bạn bè vẫn thực hành trồng rau trên đất với phân bón được ủ từ rác và không cần đào xới đất.
Bên cạnh hợp tác với các vườn rau hữu cơ, nhà hàng The Field còn tự trồng nhiều loại rau khác nhau để phần nào tự cung ứng rau sạch cho mình. Điều đặc biệt, nguồn dinh dưỡng cho rau trồng tại đây được ủ từ các loại rác thải khác nhau.
Không chỉ riêng tại Hội An, nhiều địa phương khác của Quảng Nam cũng đang thực hiện mô hình này.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang, xã Bha lêê, huyện Tây Giang (Quảng Nam) được Viện Phát triển châu Á, Dự án Trường Sơn xanh, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chọn làm thí điểm để xây dụng mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam.
Hay làng cổ Lộc Yên (huyện Tuy Phước) phù hợp với mô hình farmstay (khách du lịch ở nhà dân và trải nghiệm làm nông), du lịch trang trại, nông nghiệp kết hợp lưu trú, có hợp tác xã trang trại nông nghiệp rau sạch hữu cơ, kết hợp xây dựng dựa vào thiên nhiên. Nơi đây đang manh nha phát triển tour trải nghiệm làng cổ, làm nông ruộng bậc thang, dạy nấu ăn ẩm thực quê với cây trái bốn mùa.
Kim chỉ nam để phát triển du lịch xanh
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) và cũng là người theo đuổi “lan tỏa ước mơ xanh” trong nhiều năm qua, cho biết việc ngày càng nhiều các doanh nghiệp và cộng đồng tại Quảng Nam tham gia vào chuỗi kinh tế du lịch tuần hoàn cho thấy đây là giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.
Và vị doanh nhân này “vui ra mặt” khi tỉnh Quảng Nam đã đưa phát triển du lịch xanh vào nghị quyết phát triển kinh tế xã hội và mới đây chính thức lần đầu tiên ban hành kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025.
Làng Lộc Yên, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam rất thích hợp để phát triển mô hình du lịch xanh kiểu mẫu được đề cập trong Kế hoạch phát triển du lịch xanh tỉnh Quảng Nam đến năm 2021. Ảnh: Nhân Tâm |
“Đây là bước đệm và cơ sở để chúng tôi tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay ở quy mô bền vững và rộng hơn,” ông Thanh cho biết.
Cụ thể, theo kế hoạch này, mục tiêu góp phần thu hút 12 triệu lượt khách tham quan lưu trú, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 26.000 tỉ đồng, lao động du lịch đạt 23.000 người. Hằng năm, tỉnh sẽ xây dựng ít nhất 1 mô hình kiểu mẫu theo bộ tiêu chí du lịch xanh và đến năm 2025 xây dựng khoảng 10-20 mô hình du lịch xanh.
Bên cạnh đó, 100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh, bền vững; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Chia sẻ về kế hoạch này dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – người cũng theo đuổi du lịch xanh nhiều năm qua, cho biết kế hoạch này chuẩn bị mở ra giai đoạn mới trong bối cảnh du lịch di sản đang phát triển đỉnh điểm và đón đầu xu hướng du lịch mới sau đại dịch Covid-19.
“Trước hết, nó sẽ giúp thúc đẩy về nhận thức, công tác quy hoạch và đầu tư theo hướng bền vững, xây dựng khu điểm sản phẩm du lịch thân thiện môi trường và hiệu quả kinh tế và xã hội, tạo ra thương hiệu du lịch đặc trưng riêng và phù hợp với xu thế và nhu cầu xã hội ngày càng cao”, ông Tường nói và chia sẻ thêm có 10 nội dung cần triển khai để thực hiện hóa kế hoạch này.
Trong đó để khảo sát lập danh mục các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch xanh cũng như xây dựng ít nhất một mô hình kiểu mẫu theo bộ tiêu chí du lịch xanh, theo ông Tường, trước hết cần đánh giá tài nguyên du lịch xanh hiện nay, trong đó cần nhất là lập danh mục để khoanh vùng, bảo vệ, quy hoạch, chuẩn bị đầu tư với tiêu chí nhà nước xúc tiến để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư.
“Du lịch xanh là vấn đề mới, nên vừa làm, vừa học và rút kinh nghiệm", ông Tường cho biết sở và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ xây dựng bộ tiêu chí để triển khai xây dựng các mô hình mẫu giúp cho các cơ quan, đơn vị và người dân nghiên cứu triển khai nhân rộng. Sở cũng sẽ hỗ trợ về mặt chính sách trong phạm vị của mình để thúc đẩy kế hoạch này.
Vai trò của hiệp hội du lịch
Được biết, trong kế hoạch này, QTA được phân công chủ trì, phối hợp xây dựng và triển khai bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam.
Ông Phan Xuân Thanh cho biết QTA và Tổ chức Du lịch bền vững Thụy Sĩ tại Việt Nam (SSTP) đã lấy ý kiến doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch lần cuối cùng và đã hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông hy vọng, với kế hoạch phát triển du lịch xanh này, bộ tiêu chí sẽ được thông qua sớm.
“Nếu suôn sẻ cuối năm 2021 chúng tôi sẽ tập trung tư vấn thực hành bộ tiêu chí và khảo sát đánh giá trước mắt đối với hơn 30 doanh nghiệp tiên phong đi theo hướng du lịch xanh- bền vững. Từ năm 2022, sẽ mở rộng đến các doanh nghiệp du lịch khác và 5/6 nhóm lĩnh vực hoạt động du lịch của bộ tiêu chí”, ông Thanh nói và chia sẻ thêm là đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam, hiệp hội sẽ áp dụng nhiều phương án và cách thức kết hợp để có thể đem lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp khi tham gia phát triển du lịch xanh.
QTA sẽ đóng vai trò kết nối, phối hợp thành lập tổ tư vấn (gồm QTA, SSTP và cơ quan quản lý nhà nước) cũng như các tổ chức quốc tế để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp từ việc hướng dẫn áp dụng tiêu chí và các chỉ số, tổ chức đào tạo cho nhân lực, khảo sát, đánh giá và cấp chứng nhận du lịch xanh cũng như thành lập, tổ chức hoạt động câu lạc bộ du lịch xanh và xây dựng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn.
“Vận hành xanh đã bao hàm yếu tố bền vững và mô hình tuần hoàn, giảm phát thải ra môi trường, cũng là mục tiêu mong đợi của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu và xu hướng du lịch xanh, có trách nhiệm hiện nay”, ông Thanh nói và biết thêm hiệp hội sẽ khuyến kích các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm du lịch có tính giáo dục cao như tuần hoàn rác, tái chế… đưa nông nghiệp sạch, hữu cơ vào sản phẩm…tạo hệ sinh thái du lịch từ người dân đến hoạt động của doanh nghiệp từ đó nâng giá trị sản phẩm du lịch của mỗi doanh nghiệp.
Hoạt động thiết lập đội ngũ nhân sự chia sẻ giữa các doanh nghiệp để giảm nguồn lực, giảm chi phí vận hành cũng sẽ được tính tới. Việc này tạo cơ hội hợp tác cùng phát triển cho doanh nghiệp dựa trên thế mạnh của mỗi cá nhân và mang lại hiệu quả công việc.
Với kim chỉ nam là kế hoạch này, ông Thanh hy vọng nâng tầm giá trị thương hiệu du lịch xanh, hướng đến định vị du lịch xanh Quảng Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Xem thêm: lmth.gnuv-neb-hnax-hcil-ud-neirt-tahp-man-gnauq-iat-peihgn-hnaod/224913/nv.semitnogiaseht.www