Bộ Công Thương đánh giá Maroc là thị trường xuất khẩu tiềm năng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản.
Thị trường Maroc không giới hạn phân khúc
Theo ông Đỗ Việt Phương – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Maroc, Hiệp định Thương mại tự do Châu Phi (AfCFTA) được ký kết vào tháng 3.2018, có hiệu lực từ 1.1.2021, đưa Châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập.
Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Maroc và từ đó mở rộng tiếp cận thị trường các nước khác trong khu vực.
"Trong đó, mặt hàng càphê, hạt tiêu, hạt điều, thực phẩm chế biến và gia vị các loại vẫn tiếp tục chiếm ưu thế" - ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả khá hợp lý và đáp ứng được ngay cả yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như EU hay Hoa Kỳ, nên về chất lượng hoàn toàn có thể thâm nhập và cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác tại Maroc.
"Tiềm năng xuất khẩu nông sản sang thị trường này còn rất lớn, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản nói chung và nông sản chế biến nói riêng của người dân Maroc khá ổn định" - ông Đỗ Việt Phương nói thêm.
Bên cạnh xuất khẩu, ông Phương cho biết, các lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại Maroc nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của phía bạn như: Hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, dịch vụ du lịch và lữ hành, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, hợp tác sản xuất phân bón các loại, trao đổi thương mại các sản phẩm thực phẩm chế biến, hoa quả đóng hộp, tham gia kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ logistic tại các khu ngoại quan mà Maroc đang thu hút nhà đầu tư, hợp tác kinh doanh khách sạn phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao tại thị trường này.
Hạn chế về thuế quan
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, hạn chế của thị trường Maroc là xu thế bảo hộ các sản phẩm nông sản tại thị trường này khá cao do định hướng phát triển của bạn cũng tập trung vào đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng nông thủy sản nói riêng còn cao, cá biệt có những mặt hàng lên tới hơn 60%, bao gồm cả thuế và phí. Quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm khá chặt chẽ.
Bên cạnh đó, vấn đề thanh toán nói chung vẫn còn những hạn chế với các phương thức thanh toán mang tính tập quán, có mức độ đảm bảo chưa cao và bị động cho nhà xuất khẩu nước ngoài. Đôi khi vẫn có trường hợp uy tín doanh nghiệp chưa cao, chậm thanh toán từ phía đối tác nhập khẩu… mặc dù chỉ là những trường hợp cá biệt do tiềm lực doanh nghiệp còn hạn chế và gặp đúng thời điểm thị trường biến động khó khăn.
Từ những vấn đề trên, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Maroc khuyến cáo: Trong hợp tác kinh doanh để tăng khả năng tuân thủ cam kết và độ tin cậy, doanh nghiệp cần yêu cầu đối tác mua hàng đặt cọc cao, tối thiểu 25% giá trị lô hàng. Không chuyển trước cho đối tác mua hàng bất kỳ khoản tiền nào theo đề nghị của họ với bất cứ lý do gì; Đối với hợp đồng ký kết gửi qua thư điện tử và phụ lục cần đặc biệt lưu ý đến tính xác thực của chữ ký và con dấu, nhất là các hợp đồng qua trung gian.
Xem thêm: odl.665149-gnan-meit-ueihn-oc-coram-gnas-nas-gnon-aoh-gnah-uahk-taux/et-hnik/nv.gnodoal