Trong Nghị quyết 86 ngày 6.8 về những giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách, tập trung kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bảo đảm kinh phí cho phòng chống dịch
Để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28.7.2021 đến hết ngày 31.12.2022.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19; giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch.
Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.
Ngoài ra, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngày 13.8, trao đổi với PV Báo Lao Động về việc thực hiện Nghị quyết 86 này, một cán bộ Bộ Tài chính cho biết, hiện nay phía Bộ đang xây dựng các gói hỗ trợ về thuế phí cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là gói hỗ trợ dự kiến 20.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, phía Bộ Tài chính cũng đảm bảo ngân sách về nhu cầu mua vaccine, trang thiết bị y tế cho Bộ Y tế. Đồng thời báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn ngân sách cho công tác phòng chống dịch.
Có thể thấy, thời gian qua, không phải ngẫu nhiên mà Bộ Tài chính nhận được những lời khen, đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tại hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Tài chính và ngành tài chính trong việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách, góp phần thu đúng, thu đủ về ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép.
Tăng nguồn thu khó nhưng vẫn phải quyết liệt
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, vì dịch COVID-19 nên có cơ sở để Bộ Tài chính cắt giảm một số chi phí không cần thiết.
Theo ông Thịnh, để cắt giảm chi phí thì Bộ Tài chính cũng cần phải tính toán đến việc cắt giảm biên chế, giảm thiểu lượng cán bộ, công chức viên chức. Việc cắt giảm biên chế là kế hoạch dài hạn nhằm giảm chi tiêu thường xuyên của nhà nước. Vị này cho rằng, năm 2020 việc cắt giảm biên chế cũng đã có diễn biến rõ rết.
Vị chuyên gia này cho rằng, để tăng nguồn thu trong thời điểm này là khó nhưng nếu như tổ chức tốt, quyết liệt thì cũng có thể đạt được. “Có thể tăng bằng chống thất thoát, kê khai không chính xác, chuyển giá. Từ trước đến nay, vẫn để rơi rớt việc chậm nộp, kê khai không đúng. Nếu tổ chức tốt, siết chặt kỷ cương, thì vẫn tăng nguồn thu”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng nguồn thu từ các hoạt động khác trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là nguồn thu từ việc hoạt động kinh tế xã hội mà trước nay chúng ta buông lỏng. Ví dụ nguồn thu thuế từ mua bán bất động sản, đất đai. Hay như tăng cường thu các chủ thể mới, các hình thức kinh doanh trên mạng, kinh doanh xuyên biên giới.
Chưa dừng lại, ông Thịnh cho rằng đẩy mạnh việc thẩm định, tổ chức, thông báo giá cả về thiết bị, vật tư y tế cũng là cách để tăng nguồn thu. Bởi lẽ, giá cả phải hợp lý, vấn đề này rất quan trọng, nếu không sẽ đẩy giá cả vật tư y tế lên và thất thoát ngân sách.
Trong dài hạn, tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế chưa phù hợp thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp…
Xem thêm: odl.775149-hcas-nagn-uht-nougn-gnat-ed-taoht-taht-gnohc/et-hnik/nv.gnodoal