Ngày 13/8, cổng thông tin điện tử Công an tỉnh An Giang đăng tải, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố đối với bị can Nguyễn Thị Kim Hạnh (52 tuổi, tức Mười Tường, trú ở huyện An Phú, tỉnh An Giang), đối tượng cầm đầu ở hai vụ án, về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” và “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Trước đó, Nguyễn Thị Kim Hạnh đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 51kg vàng qua biên giới. Trong quá trình xác minh, điều tra mở rộng các vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục xác định vai trò chủ mưu, cầm đầu của Hạnh ở hai vụ án khác.
Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới
Vụ thứ nhất, sau khi tiếp nhận vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam (do Bộ đội Biên phòng An Giang chuyển điều tra theo thẩm quyền) Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố 4 bị can liên quan đến vụ án gồm: Phạm Thanh Sang (SN 1982, Sang Ma cây); Nguyễn Văn Lê (SN 1984); Hồ Tuấn Linh (Phong, SN 1981) và Nguyễn Văn Minh (SN 1991, cùng ngụ tại xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang).
Qua đấu tranh, cả 4 bị can này đều khai nhận vụ vận chuyển trái phép số USD trên do trực tiếp Nguyễn Thị Kim Hạnh chủ mưu, cầm đầu.
Theo đó, vào khoảng 9h ngày 24/6/2019 chính Hạnh là người đã điện thoại chỉ đạo cho Phạm Thanh Sang, Nguyễn Văn Lê, Hồ Tuấn Linh và Nguyễn Văn Minh qua bên Campuchia nhận ngoại tệ để đưa về Việt Nam. Nhưng tới tại khu vực rạch Trắc Ri, thuộc địa bàn tổ 6, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc thì các đối tượng bị lực lượng Biên phòng An Giang bắt giữ cùng số ngoại tệ đang vận chuyển.
Ngoài vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD ra, các bị can còn khai nhận từ năm 2018 cho đến khi bị bắt, Hạnh đã nhiều lần chỉ đạo Phạm Thanh Sang điện thoại cho các bị can qua Campuchia nhận tiền USD đem về cho Hạnh và mỗi tháng mỗi người được trả công từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Căn cứ vào những chứng cứ đã thu thập, ngày 13/8/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Kim Hạnh về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới.
Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
Vụ thứ hai, ngày 23/12/2018, tổ công tác cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc bộ Công an cùng các lực lượng phối hợp phát hiện và bắt quả tang 4 đối tượng là Nguyễn Văn Dũng (SN 1981); Lê Văn Điện (SN 1980); Trần Văn Tánh (SN 1994) và Nguyễn Văn Lình (SN 1977, cùng ngụ tại huyện An Phú, An Giang) đang điều khiển ghe trên sông thuộc xã Phú Hội, huyện An Phú chở hàng lậu (trong ghe của Dũng vận chuyển 106 bao đựng quần áo, giày, túi xách, mũ (nón); ghe của Điện vận chuyển 400 bao đường cát trắng; ghe của Lình vận chuyển 498 bao đường cát trắng; ghe của Tánh vận chuyển 499 bao đường cát trắng) với tổng trị giá hàng hóa 1.034.947.000 đồng từ Campuchia về Việt Nam.
Ngày 28/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình và Trần Văn Tánh về tội “Buôn lậu”.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 30/1/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với bị can Võ Minh Phương, Trần Công Tới và Bùi Văn Miền, về tội “Buôn lậu”. Tuy nhiên các đối tượng đã bỏ trốn nên cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bị can Phương, Tới và Miền.
Đến ngày 11/9/2019, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an bàn giao hồ sơ, bị can, vật chứng vụ án trên cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang để điều tra theo thẩm quyền.
Sau đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang thay đổi tội danh các bị can có liên quan đến vụ án từ tội “Buôn lậu” qua tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
Ngày 17/01/2020 các bị can Nguyễn Văn Dũng, Lê Văn Điện, Nguyễn Văn Lình và Trần Văn Tánh đã bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang phạt mỗi bị cáo mức án 2 năm tù.
Đến tháng 4/2020, 3 bị can bị Bùi Văn Miền, Võ Minh Phương và Trần Công Tới đã đến Công an xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang để đầu thú.
Ngày 5/2/2021, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đưa 3 bị cáo Võ Minh Phương, Trần Công Tới, Bùi Văn Miền ra xét xử sơ thẩm, nhưng tại phiên tòa Phương, Tới, Miền đã thay đổi lời khai làm phát sinh nhiều tình tiết mới liên quan đến Nguyễn Hoàng Út (tức Út Mạnh, sinh năm 1971, em ruột Nguyễn Thị Kim Hạnh, Út đã bị bắt trước đó vì liên quan đến đường dây vận chuyển trái phép 51kg vàng). Nhóm này đã khai chính Út Mạnh là người thuê các bị cáo Phương, Tới, Miền và những người khác vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Sau đó, qua điều tra cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Hoàng Út về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” liên quan đến vụ vận chuyển đường trái phép qua biên giới vào ngày 23/12/2018.
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, các bị can đã khai nhận Nguyễn Thị Kim Hạnh chính là chủ của số hàng hóa nhập lậu bị bắt quả tang vào ngày 23/12/2018. Ngoài ra trong nhiều năm qua, Mười Tường đã mua đường cát, quần áo, giày dép, túi xách, mũ từ Campuchia nhập lậu về Việt Nam bán kiếm lời, thu lợi bất chính cho bản thân.
Để thực hiện được việc này, Mười Tường đã giao cho em ruột là Nguyễn Hoàng Út trực tiếp đứng ra chỉ đạo toàn bộ đường dây vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bản thân Mười Tường đứng sau chỉ đạo Mạnh và trả tiền công cho những đối tượng tham gia trong đường dây.
Với những chứng cứ rõ ràng, ngày 13/8/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an An Giang đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Thị Kim Hạnh về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai”
Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, các vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) cùng đồng bọn là những vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, hoạt động thời gian dài, quy mô lớn trên tuyến biên giới.
Tại phiên họp lần thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thống nhất bổ sung các vụ án có liên quan đến Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường) thuộc diện theo dõi và chỉ đạo.
Vụ án đang được điều tra mở rộng, quan điểm của Công an An Giang là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai” nếu có liên quan đều bị điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
H.H