vĐồng tin tức tài chính 365

Nghĩ về tiêm dịch vụ qua những bài báo

2021-08-14 10:43

Nghĩ về tiêm dịch vụ qua những bài báo

Sơn Tùng

(KTSG Online) - Một bản tin trên báo Thanh Niên liên quan đến vaccine sáng 13-8 chẳng có gì mới vì nội dung ai cũng đã biết. Tuy nhiên, đối với những người Việt mong chờ được tiêm mũi vaccine quý như vàng theo ý mình, bản tin đó lại đem cho họ thêm một nỗi thất vọng não nề. Theo bản tin này, “một lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định: chưa được tiêm dịch vụ (người được tiêm tự trả phí) với vắc xin Covid-19”(1).

Cuối tháng 7, trong phiên thảo luật tại hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân của đoàn TPHCM đã đặt vấn đề cần đẩy nhanh việc thử nghiệm, cấp phép cho vaccine nội và mở thêm loại hình tiêm vaccine dịch vụ để người dân có nhiều kênh tiếp cận việc chủng ngừa hơn(2).

Trước đó, ngày 18-6, trong nội dung buổi họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, có phần lưu ý Bộ Y tế chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm phòng đối tượng ưu tiên và đạt miễn dịch cộng đồng, sẽ khởi động cơ chế tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm dịch vụ.

Trước đó nữa, cuối tháng 5-2021, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định “bộ khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin, nếu có ủy quyền chính thức của nhà sản xuất”(3).

Nghĩa là về nguyên tắc, tiêm vaccine Covid-19 theo cơ chế dịch vụ đã được Chính phủ bật đèn xanh. Nhưng thời gian cụ thể để Bộ Y tế bật đèn xanh thì… không biết đến bao giờ. Thực ra, theo tinh thần chỉ đạo vừa dẫn ra ở trên của ban chỉ đạo quốc gia, cũng khó bắt bẻ được bộ bởi lẽ Việt Nam vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng, nên… chưa thể tính đến việc tiêm dịch vụ (?!).

Tuy nhiên, nói như vậy e rằng quá máy móc. Cuộc sống luôn có những diễn biến khó lường, nên nhiều lúc không thể cứ đợi một việc xảy ra rồi mới thực hiện một việc khác được. Chẳng hạn, cách đây vài tháng, mấy ai hình dung được tình cảnh Covid-19 hoành hành gây chết chóc tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam hiện nay. Con virus SARS-CoV-2 không hề đếm xỉa gì đến các trật tự do con người đặt ra, biến hóa khôn lường không theo một trình tự sắp đặt trước nào. Nếu chúng ta cứ mãi khư khư bám lấy trật tự đã có từ trước mà không uyển chuyển để đối phó với nó, thất bại là cái chắc. Cũng cần nói thêm rằng chuyện miễn dịch cộng đồng và tiêm vaccine dịch vụ chẳng hề liên quan gì đến nhau!

Bây giờ chúng ta hãy thử phân tích một chút về các “cơ sở lý luận và thực tiễn” cho việc Bộ Y tế khẳng định hiện nay vẫn chưa được phép tiêm vaccine dịch vụ.

Trước hết là “cơ sở lý luận”. Theo báo Thanh Niên, “trước một số ý kiến đề cập về tiêm chủng dịch vụ, mới đây, trong văn bản chỉ đạo về công tác tiêm chủng ngày 6-8 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký, nêu rõ: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêm chủng vắc xin theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, hiệu quả và miễn phí cho đối tượng tiêm chủng””(4).

Chúng ta hãy thử đối chiếu việc tiêm dịch vụ với các nguyên tắc nêu trên để xem có vi phạm điểm nào không nhé. Theo người viết, nếu xét đến “công khai, minh bạch, hiệu quả” thì tiêm chủng dịch vụ hoàn toàn tương đồng với các mũi vaccine đã được tiêm ở Việt Nam đến nay. Còn “miễn phí”? Thì đúng là tiêm dịch vụ phải trả tiền, nhưng thật buồn cười nếu nói rằng người tiêm không được phép tiêm dịch vụ do họ phải… trả tiền, vì lý luận kiểu này đi ngược hoàn toàn với các chủ trương xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước v.v. Hơn nữa, dẫn lời Thủ tướng kiểu này, e rằng người ta lại hiểu Bộ Y tế nói Thủ tướng cấm người được tiêm vaccine… trả tiền!

Cuối cùng, “bình đẳng”. Có người nói tiêm dịch vụ là “không bình đẳng” vì người giàu sẽ được tiêm trước người nghèo. Báo Thanh Niên dẫn lời một vị nguyên là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: “Hiện chỉ nên tiêm miễn phí với vắc xin Covid-19, vì nếu tiêm dịch vụ sẽ phân hóa giàu nghèo và người cần tiêm thì mất cơ hội tiêm vì họ nghèo”(5). Cần nhìn lại quan điểm này bởi lẽ nó đã đánh đồng nguồn cung cấp vaccine của hai hình thức “tiêm chủng nhà nước” và “tiêm chủng dịch vụ”. Chỉ không bình đẳng khi người tiêm dịch vụ sử dụng cùng một nguồn cung cấp vaccine với nguồn của Nhà nước, bởi vì khi đó người giàu sẽ tước đi cơ hội được tiêm của người nghèo. Nhưng ở đây, vì nguồn cung cấp vaccine của hai hình thức này hoàn toàn khác nhau và độc lập với nhau, việc một người được tiêm trong kênh dịch vụ hoàn toàn không liên quan gì đến việc tiêm chủng của một người khác theo kênh nhà nước.

Bây giờ chúng ta thử xét đến “cơ sở thực tiễn” của vấn đề này nhé. Thanh Niên cũng dẫn nguồn tin nêu trên cho rằng tiêm dịch vụ không khả thi hiện nay vì hiện tại “các công ty vắc xin không bán cho tư nhân mà chỉ bán cho nhà nước”(6). Lời khẳng định này dường như cũng có ngoại lệ, ít nhất là theo một số nguồn tin trong lĩnh vực y tế tư.

Cũng vào sáng 13-8, Thanh Niên đăng bài nhan đề: “TPHCM kiên cường chống dịch: Tư nhân tham gia mua và tiêm vắc xin Covid-19?”(7). Bài báo dẫn lời một người có trách nhiệm tại Bệnh viện FV ở TPHCM cho biết bệnh viện này đã có nhiều công văn gởi Bộ Y tế và lãnh đạo Chính phủ cho phép họ được quyền đàm phán mua vaccine Covid-19. Theo người này, thông qua kênh ngoại giao, bệnh viện có một số mối quan hệ có thể mua được vaccine(8). Người đại diện FV cho biết họ hiện trang bị tủ lạnh âm sâu có thể lưu trữ được cả vaccine Pfizer.
Tuy nhiên, vị này cho biết vấn đề nằm ở chỗ các đối tác yêu cầu FV phải được Bộ Y tế cho phép trực tiếp. Vẫn theo vị này, với vaccine Pfizer, nếu mua số lượng nhỏ thì khó, nhưng với số lượng lớn sẽ dễ hơn(9). Nếu nhiều doanh nghiệp hoặc nhiều đơn vị trong khối doanh nghiêp tư nhân cùng hợp tác rất có khả năng sẽ mua được nhiều vaccine để tiêm cho người có nhu cầu [và có khả năng chi trả](10).

Hiện nay, người viết không thể kiểm chứng được tính xác thực của thông tin vừa nêu được Thanh Niên đăng tải. Tuy nhiên, người viết tin rằng vị đại diện FV hẳn không nói đùa. Vậy thì, trước một vấn đề rất lằng nhằng bên này đổ qua, bên kia đổ lại, vì sao Bộ Y tế không chịu “thí điểm” một lần với FV TPHCM để rõ trắng đen. Nếu họ không thành công thì cũng rộng đường dư luận, bộ tránh được điều tiếng bởi có người nói, “Trước không cho vì không có nguồn, nay có nguồn rồi vẫn không cho”. Ngược lại, nếu thành công, lại có thêm nguồn vaccine đến với nhiều người mà chẳng động chạm gì đến nguồn vaccine của bộ. Vì sao lại không thử? Còn nếu FV có nói gì sai phải xử họ đến nơi đến chốn.

Bộ Y tế sợ chất lượng vaccine không tốt gây hậu quả? Cái này, bộ không cần lo. Người dân, nhất là người giàu, rất nhạy với sức khỏe và tính mạng của họ. Hơn nữa, các cơ sở y tế như FV không dại gì dễ dãi với chất lượng dịch vụ của mình. Chưa hết, bộ vẫn có thể kiểm định mà! Bộ vẫn chưa yên tâm vì biết đâu dịch vụ chích chui sẽ gây chết người? Chuyện này đã có hệ thống luật pháp của chúng ta xử lý, không phải chuyện của bộ.

Tóm lại, Bộ Y tế đã kêu gọi mọi nguồn lực - không kể Nhà nước hay tư nhân - cùng tham gia chống dịch, thì sao bộ lại không chịu dung nạp thêm nguồn lực này trên mặt trận cung cấp vaccine?

Mong lãnh đạo Bộ Y tế suy nghĩ thấu đáo hơn và có câu trả lời xác đáng hơn nếu vẫn khăng khăng “chưa tiêm dịch vụ được” bởi lẽ “cơ sở lý luận và thực tiễn” cho lời khẳng định của bộ, theo người viết, vẫn như cũ, đều chưa thấy thuyết phục.

Ngành y luôn đề cao nguyên tắc cứu người là trên hết. Vậy thì không nên để những luật lệ do mình tự đặt ra ngăn cản nguyên tắc tối thượng này.
----------------
(1), (3), (4), (5), (6) https://thanhnien.vn/thoi-su/chua-duoc-phep-tiem-dich-vu-vac-xin-covid-19-1429839.html

(2) https://tuoitre.vn/kien-nghi-mo-tiem-dich-vu-de-nguoi-dan-tiep-can-vac-xin-20210726101022233.htm

(7), (8), (9), (10) https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-kien-cuong-chong-dich-tu-nhan-tham-gia-mua-va-tiem-vac-xin-covid-19-1429838.html

Xem thêm: lmth.oab-iab-gnuhn-auq-uv-hcid-meit-ev-ihgn/834913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghĩ về tiêm dịch vụ qua những bài báo”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools