Tuần qua, mọi tin tức tài chính quốc tế đều xoay quanh các bản báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và nửa đầu năm của các doanh nghiệp. Trong vô vàn những lĩnh vực được mổ xẻ, câu chuyện của ngành công nghiệp dược phẩm, cụ thể ở đây là ngành sản xuất vaccine nóng hơn cả.
Dẫn đầu trong bản tổng sắp doanh thu đang thuộc về Hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức.
Pfizer đã đạt doanh thu 10,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, đồng thời nâng mức dự báo doanh thu cả năm nay lên mức 33,5 tỷ USD.
BioNTech công bố mức doanh thu 7,3 tỷ USD trong cùng thời điểm, cả năm có thể thu về 18,7 tỷ USD. Hãng Moderna của Mỹ đứng thứ 3 khi bỏ túi 5,9 tỷ USD.
COVID-19 giống như gà đẻ trứng cho những hãng dược phẩm. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, hãng dược cạnh tranh là AstraZeneca thu về khoảng 1,2 tỷ USD và Johnson & Johnson thu được 264 triệu USD từ loại vaccine do mình phát triển.
COVID-19 thay đổi cục diện ngành sản xuất vaccine thế giới
Có thể thấy, COVID-19 giống như gà đẻ trứng vàng hay cỗ máy in tiền cho những hãng dược phẩm. Bởi nhu cầu về vaccine ngừa COVID-19 cho toàn cầu ước tính trên dưới 14 tỷ liều, chưa tính tới mũi tăng cường.
Thực tế cho đến nay, mới chỉ có khoảng 4,5 tỷ liều vaccine COVID-19 được tiêm, tức chỉ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu. Dư địa còn rất lớn để hái ra tiền.
Hiện ngành công nghiệp bào chế vaccine đang chiếm khoảng 5% tổng doanh thu thị trường dược phẩm toàn cầu, tương đương 60 tỷ USD. Ngành này được kiểm soát bởi 4 tập đoàn sản xuất vaccine lớn, chiếm đến 80% thị phần là Pfizer (Mỹ), kế tới là Sanofi (Pháp), GlaxoSmithKline - hay GSK (Anh) và sau cùng là Merck (Đức).
Trong 4 tập đoàn sừng sỏ này, mới chỉ có Pfizer là sở hữu vaccine ngừa COVID-19, trong khi 3 ông lớn còn lại chưa ghi nhận kết quả đặc biệt nào. Thực tế cho thấy, nhiều tiền thôi chưa đủ. Các công ty dược phẩm này cần chấp nhận cái mới, công nghệ mới. Một con virus nhỏ bé gây ra bệnh COVID-19 đang được xem là làm đảo lộn trật tự trên bàn cờ của nền công nghệ dược phẩm thế giới vốn đã được định hình suốt hàng trăm năm qua chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng.
mRNA đang được xem là công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất hiện nay, với tham vọng ứng dụng không chỉ cho vaccine COVID-19, mà còn cho những dịch bệnh khác, cũng như nhiều bệnh nan y như ung thư và bệnh tim mạch.
Song đi đầu trong công nghệ này, lại là 2 cái tên vẫn còn khá "vô danh" trong ngành dược thế giới: BioNTech - một công ty nhỏ được sáng lập bởi 2 nhà khoa học nhập cư, và Moderna - 1 doanh nghiệp không tên tuổi tại Mỹ, chỉ có duy nhất một sản phẩm thương mại hóa là vaccine COVID-19.
Việc chế tạo thành công "vũ khí" cho đại dịch, giống như một khoảnh khắc "đổi đời". Cổ phiếu tăng vọt hàng trăm %, các nhà sáng lập và CEO gia nhập danh sách tỷ phú USD, vốn hóa 2 công ty cũng đồng loạt tiến sát và vượt qua cột mốc 100 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, đây như một "cú đấm trực diện" với nhiều ông lớn ngành, khi họ đã tỏ ra bảo thủ và chậm chạp theo đuổi các công nghệ mới.
"Trong nhiều năm, ngành dược phẩm bị chỉ trích là thiếu đổi mới sáng tạo, chỉ muốn dựa vào những công nghệ sẵn có. Chỉ đến khi công nghệ mRNA ra đời và cho thấy tiềm năng từ COVID-19, thì mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi", ông Pierre-Yves Geoffard, Giáo sư Trường Kinh tế Paris (Pháp), cho biết.
Một thay đổi quan trọng khác liên quan đến mô hình kinh doanh trong giới dược phẩm. Thông thường một hãng lớn như Pfizer, Sanofi, GSK… sẽ mua lại các công ty khởi nghiệp hoặc mua hẳn bằng sáng chế của các hãng nhỏ như Moderna, BioNTech, nhưng thời đó đã qua.
Một mô hình hợp tác và kinh doanh mới đã xuất hiện. Dễ nhận thấy nhất là sự hợp tác thành công giữa Pfizer - BioNTech hay AstraZeneca - Đại học Oxford. Đó là các đơn vị công nghệ sinh học thì phát triển sản phẩm, trong khi tập đoàn dược tiến hành thử nghiệm diện rộng, xin cấp phép và sản xuất số lượng lớn. Đôi bên cùng có lợi.
"Chúng tôi cần tốc độ phát triển của các hãng công nghệ sinh học và ngược lại, họ cũng cần tới kỹ nghệ và quy mô của chúng tôi. Mối quan hệ cộng sinh này không mới, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào áp dụng trên quy mô lớn như vậy", ông Jean-François Brochard, Tổng Giám đốc chi nhánh Pháp, hãng dược phẩm Roche, chia sẻ.
Một minh chứng gần nhất cho xu thế này là việc ông lớn Sanofi tuyên bố sẽ sản xuất vaccine cho cả 2 tân binh là BioNTech và Moderna. Khi giới công nghệ sinh học "bước ra ánh sáng" và đủ lực bắt tay với các ông lớn, lĩnh vực sản xuất vaccine cũng đứng trước cơ hội chuyển mình. Cục diện ngành sản xuất vaccine thế giới đang dịch chuyển vì COVID-19.
Chiến lược biến Hàn Quốc thành cường quốc vaccine
Thực tế cho thấy, nguồn cung vaccine COVID-19 là chưa đủ, thậm chí là ai trả giá cao hơn thì mới có thể sở hữu vaccine trước. Đây cũng là điều mà Hàn Quốc đã và đang rơi vào.
Ngày 9/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc đã phải lên tiếng xin lỗi người dân vì hãng dược Moderna chỉ giao được 4,5 triệu liều vaccine trong tháng 8, bằng một nửa cam kết ban đầu.
Vaccine ngừa COVID-19 được xem là bước phòng vệ quan trọng để mọi nền kinh tế có thể khôi phục lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới. (Ảnh: AP)
Một giải pháp căn cơ lâu dài, đó là phải phát triển vaccine trong nước. Chính điều này đã thúc đẩy chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD để bước vào nhóm 5 nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới trong vài năm tới.
Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc tuần qua đã phát đi cảnh báo nước này có thể mất kiểm soát trước làn sóng dịch thứ 4 với biến thể Delta.
Hàn Quốc đang thấm thía nỗi khổ thiếu hụt vaccine dù thuộc nhóm thu nhập cao, vì phụ thuộc nguồn cung bên ngoài.
Pfizer và Moderna vừa nâng giá sản phẩm. Trong khi, Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, vẫn đang tập trung cho thị trường nội địa.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh chỉ có tự phát triển và sản xuất vaccine COVID-19 nội địa mới có thể đảm bảo "tự chủ vaccine" quốc gia.
"Chúng ta sẽ nỗ lực tiến lên để trở thành 1 trong 5 quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới vào năm 2025. Chính phủ xem vaccine COVID-19 là 1 trong 3 lĩnh vực công nghệ mang tầm chiến lược quốc gia, cùng với ngành bán dẫn và pin", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh.
Với lộ trình đầu tư gần 2 tỷ USD trong 5 năm, Hàn Quốc dự kiến hỗ trợ khoảng 200 nhà khoa học y khoa, đào tạo 10.000 chuyên viên thử nghiệm lâm sàng.
Một số chuyên gia còn cho rằng, sản xuất vaccine còn có thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc. Hiện nước này đang giữ vị thế nước sản xuất y sinh lớn thứ hai thế giới và có nhiều nhà sản xuất tầm cỡ như Samsung Biologics hay SK Bioscience.
Hàn Quốc dự kiến sẽ ra mắt vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào năm sau.
Cũng liên quan đến chiến lược tự chủ vaccine, ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 200 tỷ đồng để tài trợ cho các đơn vị nghiên cứu vaccine. Việt Nam hiện đang có hai loại vaccine là Nanocovax và Covivac đang thử nghiệm.
Cũng trong tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vaccine tự sản xuất. Nếu mọi việc suôn sẻ, trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước.
Rõ ràng, thế giới đã sang giai đoạn mới trong cuộc chiến chống COVID-19. Hơn 1,5 năm kể từ khi virus mới xuất hiện như một kẻ thù vô hình, giờ nó đã trở nên biến hình với hàng loạt biến thể nguy hiểm. Từ chỗ phải mất 3 tháng nó mới gây ra 1 triệu ca nhiễm đầu tiên, thì giờ thế giới ghi nhận thêm 1 triệu ca nhiễm mới chỉ sau 2 ngày. Vaccine ngừa COVID-19 được xem là bước phòng vệ quan trọng để mọi nền kinh tế có thể khôi phục lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
VTV.vn - Thị trường vaccine ngừa COVID-19 rộng, nhu cầu lớn vẫn đang là cơ hội tốt. Nhiều hãng dược và các công ty khởi nghiệp đang tiếp tục cuộc đua tìm ra vaccine mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.66743544141801202-coud-gnah-cac-ohc-neit-ni-yam-oc-91-divoc-augn-eniccav/et-hnik/nv.vtv