Doanh nghiệp hỗ trợ Việt có nguy cơ vi phạm hợp đồng vì rào cản trong lưu thông
3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến, hay nhiều giải pháp đang được các doanh nghiệp thực hiện để duy trì sản xuất kinh doanh. Với các nhóm doanh nghiệp hỗ trợ, nằm ở khâu quan trọng của chuỗi cung ứng, dù đầu vào, đầu ra vẫn đảm bảo nhưng nhóm doanh nghiệp này lại đứng trước nguy cơ khó giao hàng đúng hẹn vì những khó khăn logistics.
Công ty TNHH Cao su Giải Phóng đang cung ứng các linh kiện cao su cho các doanh nghiệp FDI như LG, Panasonic. Khó khăn lắm mới chứng minh được năng lực và có được các đơn hàng, nhưng do giãn cách chi phí logistics của doanh nghiệp đang đội lên từ 30 - 40%.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gắng sức để đảm bảo không làm gián đoạn chuỗi cung ứng. (Ảnh minh họa: PLO)
Công ty TNHH Công Nghiệp Osaka Việt Nam đã và đang cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp ô tô của Nhật Bản, Hàn Quốc và VinFast. Đứng trước yêu cầu cung cấp 200 linh kiện của doanh nghiệp đầu chuỗi, đơn vị này phải sản xuất 300 - 400 khuôn mẫu chỉ trong vòng 90 ngày. Thời gian giao hàng đang khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vi phạm hợp đồng
Cùng với đó, những chi phí như xét nghiệm PCR, chi phí ăn, ở, phụ cấp của doanh nghiệp cũng bị đội lên do áp dụng 3 tại chỗ.
"Trung bình 3 tại chỗ sẽ tốn của doanh nghiệp khoảng từ 500 - 600 triệu, với lượng công nhân đáp ứng được 70 - 80% hiện tại", anh Chu Trọng Thành, Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Cao su Giải Phóng, chia sẻ.
Thời điểm hiện tại, ưu tiên chống dịch đang đặt lên hàng đầu, nên dù chi phí bị tăng, nhưng doanh nghiệp chia sẻ, họ vẫn đang gắng sức để đảm bảo không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, với ngành da giày, nếu 7 tháng đầu năm 2021, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt hơn 14 tỷ USD, tăng 25,3%, thì thời điểm hiện tại, ngành này đang đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm 2021 do tác động của đại dịch COVID-19 khiến 80% nhà máy tạm dừng hoặc phải giảm năng suất lao động
Với ngành dệt may, đơn hàng dồi dào đến tận những tháng cuối năm, nhưng doanh nghiệp lại phải xoay sở nguyên vật liệu, phụ liệu may đầu vào vì các doanh nghiệp cung ứng phía Nam phải thu hẹp sản xuất, giao nhận hàng đình trệ, cùng với đó là 3 tại chỗ, lượng người giảm nên không đủ công suất.
Bản thân doanh nghiệp đã gắng gượng để tồn tại, nhưng trải qua 3 đợt dịch bệnh, đến lần 4 này, "sức đề kháng" của doanh nghiệp và người lao động hầu như đã cạn kiệt. Vì vậy, họ cần nhiều đến sự giúp đỡ từ các chính sách.
Có thể nói, tuần qua đã có rất nhiều sự kiện lớn như Phiên họp toàn thể đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngay sau đó, tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tiên của nhiệm kỳ mới nhiều thông tin về các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 cũng đã được đưa ra.
Nói về gỡ khó cho doanh nghiệp 3 tại chỗ, vừa qua, Bộ Y tế có hướng dẫn mới gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất và phòng chống dịch COVID-19 phù hợp; đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất có ca mắc Covid-19 hàng tuần phải xét nghiệm sàng lọc.
Miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Còn về chính sách tài khóa, đây đã là gói tài khóa lần thứ 3 kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, nhưng khác với những lần trước là giãn, hoãn thì lần này là giảm. Theo đó, Chính phủ vừa công bố dự thảo đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do COVID-19. Trong đó điểm nhấn chính là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã rà soát, đề xuất trình Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô dưới 200 tỷ đồng, giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với các ngành nghề chịu ảnh hưởng lớn của dịch như kinh doanh lưu trú, du lịch; miễn tiền chậm nộp cho những người nộp thuế khó khăn, giảm tiền thuê đất… Tổng giá trị ước tính của gói hỗ trợ này là trên 20.000 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố do VCCI tiến hành cuối năm 2020, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh như du lịch, khách sạn.
Gói miễn, giảm thuế 20.000 tỷ đồng - "Cú hích" cho doanh nghiệp
7 tháng đầu năm, có đến 4 tháng Công ty Lữ hành Hanoitourist hầu như không có doanh thu. Dịch COVID-19 khiến khách hàng đồng loạt hủy tour. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động và trả lương cho vài chục nhân viên. Nếu được miễn một phần thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, thì doanh nghiệp sẽ có thêm một nguồn vốn không nhỏ để tái đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, chờ hết dịch sẽ triển khai.
Còn với một doanh nghiệp du lịch nhỏ khác, gần 1 tháng nay, đóng cửa dừng hoạt động để thực hiện phòng chống dịch theo chỉ thị của TP Hà Nội, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có doanh thu. Vì vậy, gần 10 nhân viên cũng không có việc làm. Do đó, nếu được giảm thuế thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ rất nhiều.
"Cái giai đoạn khó khăn như thế này, một khoản chi phí dù là nhỏ nhưng nó cũng giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này nên nếu được giãn thuế và được giảm thuế nữa thì quá tuyệt vời. Điều này giúp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi có động lực cố gắng để vượt qua", chị Nguyễn Thị Loan, Phó Giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ Lửa Xanh, chia sẻ.
6 tháng đầu năm nay, khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, việc miễn, giảm thuế là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Dân trí)
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc miễn, giảm thuế lần này sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi áp lực cân đối thu chi rất lớn. Điều này thể hiện sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, nỗ lực để vượt qua khó khăn.
Dự thảo gói hỗ trợ quy định chỉ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng mới được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa hay lớn hơn mức này cũng có những cái khó, vì họ phải lo cho nhiều nhân công hơn, nhất là những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị nên mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp có quy mô dưới 300 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được kéo dài thời gian giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng cho quý 3 và quý 4 năm nay. Thậm chí, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% về 15 - 17% cũng đang được Bộ Tài chính tính đến.
Giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
Song song với chính sách tài khóa là chính sách tiền tệ. Ngoài việc các ngân hàng có những tín hiệu hỗ trợ cá lẻ, để tiếp sức thêm cho doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đã chỉ đạo 16 ngân hàng thương mại có quy mô lớn, giảm lãi suất cho vay, với quy mô giảm khoảng 20.300 tỷ đồng. Ngoài ra, 4 ngân hàng lớn nhất cũng cam kết giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp tại các tỉnh có dịch.
"Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank đã đồng thuận và nhất trí sẽ giảm thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng 4 ngân hàng sẽ giảm thêm 4.000 tỷ đồng cho các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.
Không chỉ công bố hỗ trợ, mà Ngân hàng Nhà nước còn khẳng định sẽ giám sát sự hỗ trợ này của các tổ chức tín dụng để đảm bảo tiền phải đến được với doanh nghiệp. Có thể nói, tuần vừa qua là một tuần gỡ khó cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp phần nào đã nhìn được mình thuộc diện nào, được giảm ra sao, khấu trừ như thế nào.
Giảm tiền điện, giảm tiền thuê đất, giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm lãi suất…, tất cả đều là những chính sách quan trọng, như những liều vaccine cần thiết cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, làm sao để thủ tục các gói chính sách cần đơn giản, nhanh chóng mới kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với quyết tâm của các địa phương xây dựng, vùng xanh trong sản xuất, vùng xanh trong sinh hoạt, vùng xanh trong vận chuyển, doanh nghiệp mới có cơ hội trụ vững đi qua đại dịch.
VTV.vn - COVID-19 đã làm chao đảo kinh tế toàn cầu. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang chật vật với bài toán sống còn, vẫn có những tên tuổi hưởng lợi rất lớn từ thời kỳ dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!