vĐồng tin tức tài chính 365

Biến thể Delta đang đẩy viễn cảnh miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của thế giới ngày càng xa

2021-08-14 17:49

Biến thể Delta đang đẩy viễn cảnh miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của thế giới ngày càng xa

Khánh Lan

(KTSG Online) - Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào năm ngoái, các chính phủ trên thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào mục tiêu đạt “ngưỡng miễn dịch cộng đồng”, một viễn cảnh hứa hẹn khi virus SARS-CoV-2 dừng lây lan theo cấp số nhân nhờ những “bức tường” miễn dịch được hình thành trong cộng đồng khi có đủ số người dân cần thiết được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc lây nhiễm tự nhiên. Song các chuyên gia cho rằng viễn cảnh đó giờ đây có vẻ như phi thực tế.

Biến thể Delta đẩy tiêu chuẩn miễn dịch cộng đồng lên cao

Những người ủng hộ miễn dịch cộng đồng cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ lắng xuống rồi dần biến mất một khi một lượng lớn dân số nhất định, khoảng 60-70% dân số của một nước, được tiêm chủng hoặc phát triển kháng thể sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, chẳng hạn Delta, dễ lây lan hơn và đã chứng minh rằng nó có thể vượt qua các bức tường miễn dịch cộng đồng ở một số nơi, đang đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên các mức cao mà hầu như tất cả các nước trên thế giới không thể đạt được.

Israel đang triển khai tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ 3 cho người già sau khi nhận thấy hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm dần theo thời gian. Ảnh: Times of Israel

Biến thể Delta đang khiến các cơn bùng phát dịch Covid-19 lan rộng ở các nước như Mỹ và Anh, vốn bị virus SARS-CoV-2 tấn công dữ dội vào năm ngoái nhưng giờ đây đã có tỷ lệ tiêm vaccine đạt hơn 50%, cộng thêm một số tỷ lệ người dân được miễn dịch qua lây nhiễm tự nhiên. Biến thể này cũng đang đe dọa các nước được xem là thành trì chống Covid-19 như Úc, Trung Quốc, những nơi đã nỗ lực hạn chế số ca nhiễm về mức thấp nhất có thể.

Trong tháng này, Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA) nhận định biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên mức hơn 80% và có thể sát mức 90%.

Trong khi đó, các vấn đề về nguồn cung vaccine và tình trạng ngại tiêm vaccine của một bộ phận dân số sẽ khiến các nước không thể tiệm cận ngưỡng miễn dịch cộng đồng, ngay cả theo tiêu chuẩn ban đầu, tức khoảng 70% dân số được miễn dịch.

“Liệu chúng ta có đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng không? Có khả năng cao là không thể theo tiêu chuẩn hiện nay”, Greg Poland, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vaccine của Bệnh viện Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota, nói.

Ông cho rằng ngay cả khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 đạt mức 95%, các nước cũng sẽ không thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Ông nói: “Đó là một cuộc chạy đua cân não giữa tỷ lệ tiêm chủng và sự phát triển của các biến thể ngày càng có khả năng lây lan cao, có thể vượt qua bức tường miễn dịch cộng đồng”.

Miễn dịch qua lây nhiễm tự nhiên cũng sẽ không giúp giải quyết vấn đề vì vẫn chưa rõ nó có thể kéo dài bao lâu và liệu nó có hiệu quả với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 hay không.

Vaccine không phải là giải pháp dập dịch nhanh chóng

Các biến thể trong tương lai, bao gồm một số có thể vượt qua bức tường miễn dịch cộng đồng hiệu quả hơn cả biến thể Delta, đặt ra những câu hỏi về việc đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào và khi nào.

S.V. Mahadevan, Giám đốc South Asia Outreach ở Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu y tế châu Á thuộc Trung tâm Y khoa của Đại học Stanford (Mỹ), nói: “Nếu vấn đề chỉ đơn giản là bị nhiễm bệnh một lần rồi sẽ được miễn dịch suốt đời, điều đó thật tuyệt vời. Nhưng tôi không nghĩ như vậy”.

Đã có một số dấu hiệu cho thấy một số cộng đồng và một số nước như Brazil và các nước khác ở Nam Mỹ, đang bị dịch bệnh Covid-19 tấn công dữ dội lần thứ 2 do sự xuất hiện của các biến thể mới.Nếu thế giới không đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại dai dẳng trong hàng thập kỷ, buộc các nước quyền lực nhất thế giới phải điều chỉnh chiến lược tái mở cửa biên giới và nền kinh tế.

Những nước như Trung Quốc, đang theo đuổi chính sách nghiêm ngặt để xóa bỏ hoàn toàn ca nhiễm, rốt cục có thể phải xem xét cách tiếp cận nới lỏng hơn. Một số nước như Mỹ và Anh, đang tái mở cửa nền kinh tế bất chấp số ca nhiễm tăng trở lại, có nguy cơ trải qua các làn sóng lây nhiễm nối tiếp nhau.

Cho đến nay, vaccine Covid-19 không phải là một giải pháp dập tắt dịch bệnh nhanh chóng như một số nước hy vọng. Israel, một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, đã phải triển khai tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) cho người dân giữa lúc có bằng chứng cho thấy ngưỡng miễn dịch cộng đồng theo tiêu chuẩn hiện nay chưa tạo ra được sự bảo vệ như kỳ vọng.

Các vaccine hiệu quả nhất, bao gồm vaccine sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) của Pfizer và Moderna, giúp tạo ra khả năng miễn dịch cao hơn. Tuy nhiên, các ca nhiễm đột phá vẫn có thể xảy ra với những người tiêm các mũi vaccine này.

Bộ Y tế Israel cho biết trong số 405 ca nhiễm được ghi nhận ở nước này vào hôm 10-8, có 250 người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer. Hiệu quả của các vaccine khác bao gồm vaccine của các nhà sản xuất Trung Quốc và hãng dược AstraZeneca (Anh), hãng dược Johnson & Johnson (Mỹ) thậm chí có thể thấp hơn.

Covid-19 dần sẽ trở thành một dạng bệnh giống như cúm mùa?

Miễn dịch cộng đồng đang giúp thế giới chống lại các mối đe dọa của các căn bệnh do virus gây ra từ bệnh sởi cho đến bệnh bại liệt. Tuy nhiên, việc tin tưởng tuyệt đối vào khái niệm này có thể là suy nghĩ sai lầm.

“Theo tôi, sự tập trung chú ý vào mục tiêu miễn dịch cộng đồng, có thể gây bất lợi. Nó tạo ra cho mọi người tầm nhìn phi thực tế về cách đại dịch Covid-19 kết thúc và chưa tính đến sự đột biến của virus SARS-CoV-2 hoặc sự thay đổi trong tình trạng bệnh ở những ca tái nhiễm”, William Hanage, nhà dịch tễ học ở Trường Y tế cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard, nói.

Một số nước đã rút ra bài học đắng ngắt vì tin tưởng miễn dịch cộng đồng. Thủ tướng Anh, Boris Johnson ban đầu gợi ý rằng nước ông có thể đạt miễn dịch cộng đồng qua lây nhiễm tự nhiên nhưng sau đó, phải thay đổi quan điểm và siết chặt phong tỏa khi số ca nhiễm tăng vọt, khiến hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.

Một số nước khác giờ đây “tung cờ trắng”, chẳng hạn, Indonesia, nước đông dân thứ 4 thế giới, xác định rằng sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn virus SARS-CoV-2 dù tất cả mọi người dân được tiêm chủng. Giới chức trách Indonesia đang nỗ lực khuyến khích mọi người đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội, trong khi tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng.

Singapore và Úc đang lên kế hoạch nới lỏng các hạn chế để tiến tới tái mở cửa hoàn toàn một khi họ đạt được tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao.

Dù các bằng chứng cho thấy sẽ rất khó hoặc không thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng, nhiều quan chức y tế ở các nước vẫn không sẵn sàng từ bỏ mục tiêu này. Các chính phủ trên thế giới đang tập trung cho các nỗ lực mở rộng chương trình tiêm chủng.

Tuy nhiên, cách tiếp cận không đồng bộ trong cuộc chiến chống Covid-19 của nhiều nước và tình trạng thiếu vaccine khiến rủi ro lây nhiễm kéo dài trên toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng thế giới sẽ chưa thể đẩy lùi đại dịch cho đến sớm nhất là năm 2022. Mục tiêu đó có thể lùi lại nếu virus SARS-COV-2 tiếp tục đột biến, sản sinh ra các biến thể dễ lây lan hơn và thậm chí vượt qua sự bảo vệ của vaccine.

Thế giới đang hy vọng các vaccine mới hoặc các cách tiếp cận khác có thể chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh hiệu quả hơn. Dù vậy, đại dịch Covid-19 có thể lắng xuống không phải hoàn toàn nhờ vào miễn dịch cộng đồng. Thay vào đó, virus SARS-CoV-2 có khả năng vẫn tồn tại dai dẳng trên toàn cầu và tiếp tục gây ra các cơn bùng phát dịch nhưng ở mức độ nhẹ hơn một phần là nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao, ý thức mang khẩu trang và các biện pháp can thiệp khác.

Nhà dịch tễ học William Hanage nói: “Chúng ta sẽ không thể xóa bỏ được biến thể Delta. Ngay cả việc tiệt trừ biến thể Alpha của virus SARS-CoV-2, có nguồn gốc từ Anh, cũng đã khó khăn”.

Greg Poland, Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vaccine của Bệnh viện Mayo Clinic, cho rằng các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng tiếp tục xuất hiện, buộc các nước phải sử dụng liều tiêm vaccine tăng cường hoặc duy trì các chương trình tiêm chủng thường xuyên. Bà cho rằng nếu may mắn, virus SARS-CoV-2 dần dần sẽ trở thành một dạng như virus cúm mùa, giúp các nước dễ ứng phó hơn.

Theo Bloomberg

Xem thêm: lmth.ax-gnac-yagn-ioig-eht-auc-91-divoc-iov-gnod-gnoc-hcid-neim-hnac-neiv-yad-gnad-atled-eht-neib/644913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Biến thể Delta đang đẩy viễn cảnh miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của thế giới ngày càng xa”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools