Thu phí đỗ xe ô tô tại cảng hàng không: Doanh nghiệp tự quyết và mức thu không giảm
Lan Nhi
(KTSG Online) - Đã có nhiều cuộc tranh cãi xảy ra xung quanh số tiền hàng chục tỉ đồng/năm mà các cảng hàng không (lớn) thu được từ hàng chục ngàn xe ô tô dừng, đỗ, đón trả khách mỗi ngày. Thậm chí trước đây, Thanh tra Chính phủ khi thanh tra các cảng hàng không, đều có nhắc đến khoản thu không nằm trong quy định của luật nào. Hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến Bộ Tài chính về cơ sở và mức thu cho khoản thu hàng chục tỉ đồng mỗi năm.
Bãi đỗ xe tại sân bay quốc tế Nội Bài, nếu không ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ mang về cho doanh nghiệp vài chục tỉ đồng/năm Ảnh: ACV |
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính lấy ý kiến về Phương án giá dịch vụ dừng, đỗ xe ô tô để đón, trả hành khách tại các cảng hàng không do Tổng công ty cảng hàng không (ACV) quản lý, khai thác. Hiện ACV đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trong cả nước (trừ cảng hàng không Vân Đồn) và doanh thu các cảng hàng không từ nguồn thu dừng, đỗ xe ô tô để đón trả khách mỗi năm lên đến vài chục tỉ đồng, nhất là các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng… trong thời điểm bình thường, không có dich bệnh.
Tuy nhiên, xung quanh việc thu phí ô tô tại các cảng hàng không, đã có nhiều tranh cãi trong các năm nay về việc ACV căn cứ vào quy định nào, luật nào để thu khoản thu này cũng như chi dùng ra sao chưa rõ. Thậm chí, cách đây 2 năm, nhiều ý kiến còn đề nghị Nhà nước phải xem xét lại tính minh bạch của khoản thu và có tiếp tục cho phép thu nữa hay không.
Trong văn bản Bộ GTVT gửi Bộ Tài chính đầu tháng 8-2021, Bộ GTVT khẳng định thẩm quyền quyết đinh mức giá dịch vụ dừng, đỗ xe ô tô để đón, trả khách tại các cảng hàng không là do doanh nghiệp quyết định (điều 4,7,8 và điều 11 Luật Hàng không dân dụng VN) và niêm yết mức giá. Giá dịch vụ dừng, đỗ xe để đón trả khách tại các cảng hàng không không thuộc danh mục do Bộ GTVT quy định mức và khung giá. Doanh nghiệp cảng hàng không tổ chức thu giá, chịu trách nhiệm xây dựng phương án giá, quyết định mức giá, thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính địa phương, niêm yết giá theo quy định.
Bộ GTVT cho biết, theo đề xuất của ACV tại văn bản gửi bộ cuối tháng 7 thì phương pháp xây dựng giá dịch vụ này trên cơ sở các phương pháp theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính và đảm bảo các nguyên tắc: bù đắp các chi phí khai thác, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, tích lũy tái đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến tại các cảng hàng không. ACV tham khảo mức thu của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn tỉnh, thành phố tương ứng, đồng thờicó tính đến yếu tố đặc thù tại cảng hàng không, sân bay.
Theo đó, ACV dự kiến, đối với các cảng hàng không khai thác tần suất cao và có hệ thống kiểm soát xe ra, vào sân đậu, bãi đậu ô tô gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, mức giá áp dụng cho các xe ô tô ra, vào đón trả khách trong thời gian 10 phút không thường xuyên, thấp nhất là từ 10.000đ/10 phút/xe (dưới 9 chỗ)và cao nhấtlà 25.000đ/10 phút/xe (16 chỗ). Đối với các cảng hàng không còn lại, mức giá có thấp đôi chút nhưng không đáng kể.
Như vậy, với văn bản này, ACV sẽ “chính danh” các khoản thu hàng chục tỉ đồng/năm với mức thu không thay đổi so với những năm trước để có tiền cho doanh nghiệp tái đầu tư.
Ngoài ra, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về nội dung liên quan đến việc thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không của ACV, Văn phòng Chính phủ cho biết cụ thể: “Cơ bản đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về phương án thực hiện thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga các cảng hàng không trong thời gian tới theo nguyên tắc thu theo block thời gian, áp dụng giá hợp lý cho block đầu tiên (dự kiến 10 phút đầu tiên). Tuy nhiên, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục để thống nhất phương án thu, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng.”