Ngày 14-8, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Nai, đến nay đã ghi nhận nhiều ổ dịch trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: khu công nghiệp Amata, Long Bình, Thạnh Phú, Sông Mây, Long Thành, Lộc An – Bình Sơn, Nhơn Trạch 1, 2, 3, 5, 6.
Đã có 112 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã có ca nhiễm COVID-19 với tổng số hơn 660 ca bệnh.
Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp cũng ghi nhận các ổ dịch lớn có nguy cơ lây nhiễm cao như: Công ty TNHH Pou Chen Việt Nam, Công ty Gỗ Thiên Định (TP Biên Hòa).
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại một công ty trong Khu công nghiệp Amata. Ảnh: VH
Có 35 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm” nhưng đã xuất hiện ca dương tính, nhiều nhất tại huyện Nhơn Trạch với 420 ca nhiễm trong 14 doanh nghiệp; TP Biên Hòa với 201 ca nhiễm trong 15 doanh nghiệp.
Nguyên nhân có thể do việc kiểm soát đầu vào doanh nghiệp “3 tại chỗ” không chặt chẽ. Các doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhiều cơ sở sản xuất nhỏ nằm trong khu dân cư thực hiện “3 tại chỗ” chỉ đơn thuần là cho công nhân vào ở trong doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp cho công nhân ra về khi phát hiện ca mắc Covid-19 hoặc cho về nhưng không xét nghiệm trước.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 60 doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” xin được tạm dừng hoạt động, vì khó duy trì sản xuất do thời gian giãn cách xã hội kéo dài nhiều ngày. Trong đó có 49 doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp và hơn 10 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.
Số doanh nghiệp dừng hoạt động tập trung ở TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành.