Trong tuyên bố ngày 2-8, Ấn Độ cho biết để theo đuổi "chính sách Hành động hướng Đông" và "tăng cường hợp tác quân sự với các nước thân thiện", Lực lượng Đặc nhiệm thuộc Hạm đội Phương Đông của hải quân nước này triển khai lực lượng tới Đông Nam Á, Biển Đông và tây Thái Bình Dương từ đầu tháng 8-2021.
Bốn tàu chiến từ Hạm đội phía Đông của Hải quân Ấn Độ sẽ tham gia các hoạt động kéo dài hơn hai tháng. Quá trình triển khai bao gồm các cuộc tập trận hải quân với nhóm Bộ tứ (liên minh quân sự không chính thức của Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) và các cuộc diễn tập khác với hải quân các nước Đông Nam Á chủ chốt.
Tàu khu trục Ấn Độ INS Shivalik. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, trái ngược với những đồn đoán của truyền thông, quyết định của Ấn Độ trong việc tăng cường sự hiện diện của mình ở Thái Bình Dương vượt xa mục tiêu đối phó Trung Quốc.
Không chỉ đối phó Trung Quốc
Theo tờ South China Morning Post, dù cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong chiến lược vươn ra Đông Nam Á của Ấn Độ, nó không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy các cam kết ngày càng tăng của nước này trong lĩnh vực hàng hải.
Cần phải xem xét các lợi ích rộng lớn hơn của Ấn Độ trong khu vực. Theo đó, diễn biến mới nhất này nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng đối với Ấn Độ: mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng và kết hợp một chính sách ngoại giao cường quốc mạnh mẽ hơn.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Khu vực Ấn Độ Dương vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh nhấn mạnh Ấn Độ sẵn sàng cung cấp nhiều loại hệ thống tên lửa, máy bay chiến đấu hạng nhẹ và các hệ thống vũ khí khác cho các quốc gia thân thiện ở Ấn Độ Dương và hơn thế nữa.
Bốn tàu chiến của Ấn Độ sẽ được điều động đến Thái Bình Dương bao gồm tàu khu trục do tên lửa dẫn đường INS Ranvijay, Tàu khu trục do tên lửa dẫn đường INS Shivalik, tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kadmatt và tàu hộ tống do tên lửa dẫn đường INS Kora.
Ba tàu sau được thiết kế trong nước và được trang bị nhiều loại vũ khí và cảm biến. Chúng đóng vai trò là nền tảng quan trọng trong mục tiêu quảng bá sản phẩm "Sản xuất tại Ấn Độ".
Ấn Độ là một bên có liên quan trong an ninh của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, kể từ năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đã có vai trò chủ động hơn với tư cách là nhà cung cấp quân sự trong khu vực thông qua chính sách "Hành động phía Đông".
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Các cuộc tập trận của hải quân trong vài tuần tới sẽ giới thiệu năng lực chế tạo và công nghệ tiên tiến của riêng nước này.
Tham vọng trở thành cường quốc
Sự tham gia tích cực của Ấn Độ ở Biển Đông cũng cho thấy tham vọng trở thành cường quốc của nước này. Để đạt được mục tiêu, New Dalhi cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc chuyển các nguồn lực khổng lồ của mình thành các chính sách hiệu quả để tạo ra sức mạnh và ảnh hưởng.
Trong cuốn sách Chính trị toàn cầu, ông Andrew Heywood đã nêu các tiêu chí để một quốc gia đủ điều kiện trở thành một cường quốc.
Đầu tiên, quốc gia đó phải ở hạng cao nhất về sức mạnh quân sự, có khả năng duy trì an ninh của chính mình và có khả năng ảnh hưởng đến những người khác. Thứ hai, nó phải có sức mạnh về kinh tế. Thứ ba, nó phải có sự quan tâm đối với các vấn đề toàn cầu. Cuối cùng, nó phải áp dụng một chính sách đối ngoại hướng tới tương lai.
Ấn Độ sở hữu một nền quân sự hùng mạnh và nền kinh tế lớn (bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19). Tuy nhiên, những khả năng vật chất này không đủ để củng cố vị thế của nó như một cường quốc tiềm năng.
Vì thế, Ấn Độ phải duy trì một mức độ hiện diện đáng kể bên ngoài khu vực lân cận của mình để chứng tỏ lợi ích của họ là toàn cầu chứ không phải khu vực hoặc tiểu vùng.
Hơn nữa, với việc mở rộng chính sách đối ngoại, Ấn Độ sẽ có thể thể hiện tiềm năng trở thành một bên liên quan có trách nhiệm và quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.
Ấn Độ đã và đang duy trì vị thế là một cường quốc thân thiện và đang trỗi dậy. Các mục tiêu của nước này ở Biển Đông và lớn hơn là Thái Bình Dương chủ yếu tập trung vào việc thể hiện mình là một đấu thủ và nhà cung cấp an ninh chính, đồng thời tìm cách duy trì sự ổn định, hòa bình và các quy tắc của trật tự quốc tế.
Tóm lại, cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc có thể là một yếu tố quan trọng trong địa chính trị toàn cầu, nhưng nó chỉ đóng vai trò là một phần trong các chính sách đối ngoại và chiến lược toàn diện của New Delhi. Do đó, cần phải xem xét các lĩnh vực khác để hiểu rõ hơn về các mục tiêu và quyết định chính sách của Ấn Độ.