Can thiệp, ép buộc, đe dọa, chỉ đạo ban hành kết luận thanh tra không đúng sự thật
Ngày 13/8, cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Arktic.
Theo kết luận điều tra, sau khi Thanh tra thành phố đã ký ban hành kết luận thanh tra số 555 ngày 12/2/2020, ông Chung đã chỉ đạo, yêu cầu Thanh tra TP phải viết lại kết luận thanh tra của ông Chung.
Tại cuộc họp ngày 7/1/2020, ngày 21/1/2020 và ngày 18/2/2020 khi Thanh tra TP báo cáo có nêu ra các sai phạm trong việc mua, thử nghiệm, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung có phát biểu, chỉ đạo các sai phạm thanh tra nêu ra là không đúng.
Lời khai của ông Chung cho rằng, việc có các ý kiến chỉ đạo như vậy là xuất phát từ việc thấy anh em ở Công ty Thoát nước, Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành liên quan làm việc rất vất vả và cũng vì cái chung nên muốn bảo vệ, nói đỡ cho mọi người để không bị kiến nghị xử lý trách nhiệm.
Về phát ngôn tại cuộc họp ngày 21/1/2020 có nội dung về đàm phán giá 8,5 Euro/kg chế phẩm Redoxy-3C, ông Chung thừa nhận có phát biểu các nội dung này, tuy nhiên, ông cho rằng, các nội dung này là phát biểu không đúng sự thật.
Vì thực tế thì ông Chung và ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) không trực tiếp đàm phán về giá còn việc đàm phán do ai thực hiện thì ông Chung không nắm được.
Việc phát ngôn như vậy chỉ để thể hiện mình có trách nhiệm. Ông Chung xin nhận lỗi về việc đã phát ngôn không đúng sự thật.
Về phát ngôn tại cuộc họp ngày 7/1/2020, ông Chung cũng thừa nhận phát ngôn là không đúng quy định pháp luật.
Công nhân công ty thoát nước Hà Nội xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C hồi năm 2016.
Kết luận cũng nêu rõ, trong lời khai, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận việc can thiệp, gây sức ép, ép buộc, đe dọa và chỉ đạo Chánh Thanh tra Thành phố và Đoàn Thanh tra liên ngành phải ban hành kết luận thanh tra không đúng sự thật là việc làm sai, đã vi phạm quy định tại Luật Thanh tra.
Bị can Chung cũng xin chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo các đơn vị và các cá nhân thực hiện mua chế phẩm Redoxy-3C để phục vụ công tác thử nghiệm. Tuy nhiên, chỉ là đối với 2 hợp đồng đầu tiên (khoảng 19.440kg, với giá trị khoảng 6,97 tỷ đồng).
Còn các hợp đồng sau, từ ngày 8/12/2016, do đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội nhất trí cho mua Redoxy-3C và giao cho Ban cán sự đảng UBND TP thực hiện thì ông Chung không nhận trách nhiệm về các hợp đồng này.
Khi cơ quan điều tra xác định rõ phần thiệt hại, ông Chung xin chịu trách nhiệm và xin được liên hệ với gia đình thu xếp nộp số tiền này để khắc phục hậu quả.
Trong lời khai, ông Chung khẳng định đây là việc làm vì cái chung và ông không chỉ đạo cấp dưới phải làm cái sai.
"Nếu việc này, tiếp tục có các cán bộ các Sở, ngành và Công ty thoát nước bị xử lý thì sẽ tạo ra sự bất ổn trong tâm lý làm việc của cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn Thủ đô.
Từ đó, hiệu quả phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới sẽ chùng xuống và không cao.
Do đó, Chung tha thiết đề nghị Cơ quan điều tra xem xét không xử lý tiếp các cán bộ, các Sở ngành và Công ty Thoát nước (cả cán bộ đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu).
Cơ quan điều tra tạo điều kiện cho họ một cơ hội để công tác, gia đình yên ổn, từ đó, công việc của TP sẽ yên ổn", kết luận nêu lời khai của ông Chung.
Ông Chung dùng tiền lợi nhuận để đánh bóng tên tuổi, hình ảnh
Theo kết luận điều tra, trong lời khai, ông Nguyễn Đức Chung thừa nhận có việc mình vận động bị can Nguyễn Trường Giang tài trợ, tặng quà cho các đơn vị trên địa bàn TP gồm: Ban quản lý phố cổ Hà Nội, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, tỉnh Sơn La, Trường mầm non Yên Khê, còn việc tài trợ cho Trường ĐH FPT thì ông Chung không nhớ, việc tài trợ cho BV Xanh Pôn thì ông Chung không biết.
Ông Chung cho rằng, khi vận động bị can Giang, ông không yêu cầu, bắt buộc bị can này phải tài trợ, tặng quà cho các đơn vị nêu trên.
Về tài trợ, tặng quà cho các đơn vị, ông Chung thừa nhận, có tặng 5 bộ đèn Led được nhập khẩu từ Đức cho Dự án phố sách của Ban quản lý phố cổ Hà Nội trước hôm làm lễ khánh thành.
Tặng một số bộ đèn tương tự cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình, 1 bộ lọc nước cho trường ĐH FPT, 1 bộ lọc nước cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, 1 xe cắt tỉa cây của hãng Haullot cho tỉnh Sơn La. Toàn bộ số quà tặng, sản phẩm này là tiền của cá nhân ông Chung và bạn góp mua tặng, Giang chỉ là người giúp mang đến cho các đơn vị....
Cơ quan điều tra xác định, việc bị can Chung yêu cầu bị can Giang lấy số tiền lợi nhuận từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm đánh bóng hình ảnh, tên tuổi, phục vụ mục đích chính trị của bị can Chung gồm Bệnh viện Xanh Pôn; Ban quản lý phố cổ Hà Nội; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình; UBND tỉnh Sơn La; Bộ Tư lệnh Thủ đô; Trường mầm non Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; Trường Đại học FPT.
Cơ quan điều tra cũng nêu rõ, đủ căn cứ xác định bị can Nguyễn Đức Chung là người chủ mưu trong việc dừng sử dụng hóa chất cũ để mua hóa chất mới, chỉ đạo bằng văn bản tiêu thụ độc quyền chế phẩm Redoxy-3C đã được hãng Watch Water GmbH đồng ý bán với giá 8,5 Euro/1 kg, mang lại lợi ích cho TP.
Tuy nhiên, bị can lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng làm trái pháp luật mua qua Công ty Arktic (với giá 295.000 đồng/1 kg đến 326.000 đồng/1 kg), mang lại lợi ích không chính đáng cho Công ty Arktic (gia đình bị can Chung sở hữu 40% vốn điều lệ); can thiệp việc tạm ứng, thanh tra, tạo thuận lợi, bao che trong việc Công ty Arktic mua, bán chế phẩm Redoxy-3C.
Việc Công ty Arktic làm thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp lần thứ 3 từ Nguyễn Đức Hạnh sang bị can Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Bích Hằng (26/7/2016), lần thứ 6 chuyển trụ sở ra khỏi Siêu thị Minh Hoa của gia đình bị can Chung là thủ đoạn trốn tránh trách nhiệm.
Hành vi của bị can Chung theo cơ quan điều tra, đã cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.