TS Ngô Minh Hải cho rằng mọi loại vaccine đều có giá trị bảo vệ nhất định, về mặt xác suất vẫn giảm thiểu tỉ lệ nhiễm bệnh chung, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế trong dịch COVID-19.
Phát triển kinh tế từ những vùng xanh
Hiện nay nhiều tỉnh thành đang "chạy đua" với thời gian để bóc tách F0, mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ", đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới. Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì cũng cần quan tâm tới phát triển kinh tế.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, TS Ngô Minh Hải - cố vấn chuyên môn cho Songhan Incubator - vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam và chủ biên sách khởi nghiệp “Startup journey” cho biết: Kết quả thống kê và kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, chỉ có miễn dịch cộng đồng là giải pháp duy nhất.
Trong đó, trọng tâm là vấn đề của nguồn lực: tài chính, nhân lực, nguồn vaccine, hệ thống triển khai, sự ủng hộ của người dân. Tựu trung lại, giải pháp tùy theo tình hình dịch bệch, nếu ít - khoanh vùng truy vết; nhiều hơn - giữ vững và mở rộng vùng xanh; giảm vùng đỏ, vượt quá khả năng kiểm soát - ưu tiên nguồn lực để cứu chữa, giảm khả năng tử vong của 5% có nguy cơ.
Theo TS Hải, trong thời điểm này, kinh tế cũng quan trọng không kém chống dịch bệnh. Người lao động mất việc làm, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, các thành phần yếu thế của xã hội sẽ chịu tác động trực tiếp và nhanh hơn các thành phần khác.
"Ưu tiên hiện tại không chỉ là chuyển đổi mô hình kinh doanh, tổ chức sản xuất, hoạt động kinh doanh thích ứng bối cảnh mới; mà còn rất cần các giải pháp hỗ trợ, cứu trợ cho nhóm người lao động mất việc làm, công nhân các khu công nghiệp, người buôn bán nhỏ... Việc chung tay, san sẻ, thiện nguyện là cấp bách, khi nguồn lực nhà nước là có giới hạn. Con cá trước, cần câu sau, cả hai đều quan trọng" - TS Hải phân tích.
Ngoài ra, theo TS Hải, có một số bạn có thể cảm thấy hoang mang khi đó, hãy đọc về lý thuyết con gián của CEO Google - Sundar Pichai, tóm lược như sau: "Khi một con gián đậu trên người 1 phụ nữ, cách phản ứng của cô ấy gây nên một khủng hoảng dây chuyền, nhưng khi người hầu bàn bình tĩnh bắt con gián và mang đi chỗ khác, mọi chuyện ổn thỏa". Vậy cách chúng ta phản ứng - như cô gái; hay như anh hầu bàn sẽ mang lại kết quả cho chính chúng ta: hoảng loạn hay chủ động giải quyết?
TS Hải thẳng thắn chỉ ra căn cứ để chúng ta có niềm tin là Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch. Theo ông Hải, đợt dịch COVID-19 đã tới đợt thứ 4, chúng ta ngày càng hiểu hơn về loại virus này và chủ động đối phó. Trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành đang nỗ lực để có đủ vaccine. Hiện tại, mọi loại vaccine dù hiệu quả thấp hay cao, đều có giá trị bảo vệ nhất định, về mặt xác suất vẫn giảm thiểu tỉ lệ % nhiễm bệnh chung, giảm gánh nặng của hệ thống y tế.
Hiện tại, vùng xanh vùng đỏ sẽ đan xen, da beo, răng lược; hoặc xóa bàn khoanh vùng lại và làm lại từ đầu; giải pháp là duy nhất: khoanh vùng, truy vết cách ly F0, tiêm phòng mở rộng vùng xanh; tập trung cứu chữa F0 trở nặng. Điều này cần sự phối hợp và tập trung của các bộ phận, chỉ một mắt xích làm sai có thể giống như vết mực đỏ loang vào chậu nước, gây tốn kém chi phí, công sức hơn gấp nhiều lần.
"Bệnh cạnh dịch bệnh COVID-19 thì suy thoái kinh tế cũng rất nguy hiểm. Việc kết nối lại chuỗi giá trị, mở rộng vùng xanh và tái sản xuất, kinh doanh là ưu tiên hàng đầu. Muốn đi từ 0% đến 100% không có đường tắt nào thay thế cho việc đi từ từng % một. Một gia đình an toàn mở rộng ra một khu phố, một khu phố mở rộng ra một phường, một phường mở rộng ra một quận... khi tất cả các vùng xanh này kết nối với nhau, đó là lúc chúng ta chiến thắng" - TS Hải phân tích.
Phục hồi kinh tế phụ thuộc vào tiêm vaccine
Dịch bệnh bùng phát dữ dội trở lại khiến năng suất làm việc giảm, và các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam - nơi nhà cung cấp cho nhiều công ty toàn cầu đặt nhà máy - hoạt động dưới công suất. Tiêm phòng là chìa khóa để đưa toàn bộ các hoạt động kinh tế quay lại.
Theo các chuyên gia kinh tế và tài chính từ Trường Đại học RMIT, Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tiêm vaccine là giải pháp quan trọng và lâu dài để phục hồi kinh tế lành mạnh.
TS Daniel Borer nhấn mạnh rằng tiêm chủng là đáp án tốt nhất để khôi phục nền kinh tế đang bị tổn thương và trở lại cuộc sống bình thường. Điều này có thể giúp giảm thiểu rủi ro do gián đoạn nguồn cung ở các khu công nghiệp.
Còn TS Greeni Maheshwari nhận định: Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ rất khó khăn kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài bởi dịch bệnh, trong khi các nước khác trong khu vực đã dễ dàng hơn nhờ tiêm chủng thành công.
Chính vì thế, tiêm vaccine sẽ là chìa khoá quan trọng giúp phục hồi kinh tế.
Xem thêm: odl.362249-et-hnik-ioh-cuhp-puig-hnid-tahn-ev-oab-irt-aig-oc-ued-eniccav-iaol-iom/et-hnik/nv.gnodoal