Các dự án miễn phí gồm: dạy kỹ năng sống cho trẻ em tiểu học, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mùa dịch, tổ chức các lớp học về kỹ năng phát triển bản thân.
Chị Hồ Thị Ngọc Dung là người lên kế hoạch, khởi xướng các dự án và kêu gọi các thành viên còn lại tham gia. Nhóm gồm 6 thành viên, đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực: giao tế, nhân sự, kỹ năng sống, tham vấn hướng nghiệp, kiểm toán nội bộ, đào tạo - tài chính ngân hàng, du lịch cộng đồng, y tế. Các thành viên đều đang học năm cuối, văn bằng 2 Khoa Tâm Lý Học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG - HCM).
“Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành từ văn bằng 1, chúng tôi đi làm và nhận thấy hầu như tất cả các lĩnh vực đều có liên quan đến tâm lý học. Bắt đầu học tâm lý để hiểu về mình, chấp nhận bản thân mình, từ đó hiểu những hành vi ứng xử của người xung quanh để mình có những cách ứng xử và hành động phù hợp với họ, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và rộng hơn là cộng đồng,…” - chị Ngọc Dung cho hay.
Các thành viên tham gia dự án Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mùa dịch. Ảnh: NVCC
Đối với dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng mùa dịch, đây là lần đầu tiên các anh chị vận dụng kiến thức đã học để tư vấn cho người dân. Mặc dù có lo ngại nhưng sau khi nhận thấy có nhiều người bất an vì dịch bệnh, các anh chị vẫn quyết tâm thực hiện. Nhóm đã thống nhất, 2 thành viên trong nhóm sẽ hỗ trợ cho 1 trường hợp sau khi được người dân đồng ý.
Sau khi dự án đi vào hoạt động, nhóm rút ra các vấn đề người dân gặp phải: lo âu, căng thẳng vì người nhà là F0, F1, người xung quanh là F0; không có thu nhập, không được ra khỏi nhà,… Đặc biệt, mỗi người trong nhóm đều làm việc tại một lĩnh vực riêng nên người dân được chọn người phù hợp, gần gũi nhất với mình để chia sẻ.
Ngay sau khi nhận thông tin đăng ký, nhóm sẽ sắp xếp cuộc hẹn hỗ trợ tư vấn cho người dân, thường diễn ra ngay trong ngày. Nhóm giúp trấn an người dân, truyền năng lượng tích cực; cung cấp những nguồn thông tin đúng về dịch bệnh, cách chăm sóc sức khỏe được các chuyên gia y tế khuyến cáo để người dân thực hiện tại nhà.
Đồng thời, nhóm cũng dựa trên những thông tin người dân cung cấp để dự đoán về một vài chứng rối loạn tâm lý (nếu có). Nếu như xác định phải điều trị lâu dài, nhóm sẽ chuyển trường hợp đó đến các thầy cô/chuyên gia trong lĩnh vực để trị liệu chuyên sâu.
Khi được hỏi về lý do tham gia dự án, anh Trịnh Trung Anh bộc bạch: “Sứ mệnh và điểm mạnh của tôi là lắng nghe và chia sẻ, nên ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh bằng cách này hay cách khác tôi luôn lan tỏa những giá trị này đến với bạn bè, gia đình và những học trò của mình. Vì vậy, những giá trị mà dự án muốn lan tỏa cũng là những gì mà bản thân tôi vẫn đang thực hiện. Đồng thời đây cũng là dịp để tôi góp một chút sức lực giúp đỡ và hỗ trợ người dân trong thời kỳ đại dịch”.
Thông tin về hai dự án còn lại:
Dự án Dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học:
- Dự án bắt đầu từ khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 15 và 16 đến nay, do chị Ngọc Dung cùng một đồng sự thực hiện. Lớp học diễn ra vào mỗi buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6, qua ứng dụng Google Meet, dự kiến duy trì cho đến khi HS Tiểu học quay trở lại trường. Mỗi buổi học kéo dài 1 tiếng, bắt đầu vào 15 giờ.
- Khóa học gồm các nội dung: tư duy, sáng tạo, các quy tắc ứng xử thường ngày trong cuộc sống, cách tăng vốn từ tiếng Việt, tiếng Anh, rèn viết văn, phương pháp tự giác học tập, tự tin nói trước đám đông, những hoạt động kết nối, giao lưu ngoài trời. (Các hoạt động offline diễn ra khi thời gian giãn cách xã hội kết thúc)
- Khóa học nhằm kết nối, tạo sân chơi, hạn chế việc xem tivi, chơi game; hạn chế quên kiến thức đã học tại trường; hướng dẫn những kỹ năng sống phù hợp độ tuổi, sống hòa hợp thiên nhiên.
Dự án Tổ chức các lớp học về các kỹ năng phát triển bản thân:
- Dự kiến bắt đầu từ tháng 9 đến hết năm 2021. Bên cạnh những bài chia sẻ về các kỹ năng phát triển bản thân của các thành viên, nhóm sẽ mời thêm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực của họ đến cộng đồng.
- Lớp học sẽ có khoảng 15-20 chuyên đề, mỗi chuyên đề kéo dài 90 phút, thu phí tham dự tùy theo khả năng của mỗi người (có thể không đóng phí). Toàn bộ kinh phí sẽ dùng vào 2 mục đích: mua dụng cụ học tập cho trẻ em ở TP.HCM, Bến Tre, Trà Vinh; hỗ trợ cho các lao động khó khăn tại thành phố sau dịch để họ bắt đầu cuộc sống mới sau dịch bệnh.
Để đăng ký tham gia, người dân liên hệ: Zalo: 0932894268 (chị Ngọc Dung) 0908190909 (chị Thu Hiền) 0971985254 (anh Trung Anh) |