Nhóm cứu trợ mang thực phẩm cho người dân lao động ở một xóm trọ tại quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: V.THUỶ
Gánh nặng tiền trọ là một trong những nguyên nhân khiến người dân đổ ra đường để về quê khi TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm một tháng, đến ngày 15-9, và chuẩn bị tinh thần chống dịch lâu hơn.
"Mấy nay đâu có đi chợ, người ta cho gì ăn nấy, đắp đổi qua ngày. Còn tiền trọ thì nợ, chứ tiền đâu mà đóng. Tính xin về quê nhưng không được" - ông Lâm Thanh Tường (69 tuổi, đang ở trọ tại phường Tam Bình, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Quê ở Kiên Giang, ông làm nghề phụ hồ nhưng đã thất nghiệp 2 tháng nay. Tình cảnh của ông Tường là "nếu giờ xin thiếu tháng nữa mà chủ trọ không cho thiếu thì cũng không biết sao". Đó cũng là tình cảnh chung của hầu hết người lao động khó khăn đang thuê trọ tại TP.HCM.
Chị Trần Lệ Quân (37 tuổi) - một bảo mẫu ở một cơ sở tư thục - đã dắt díu 4 đứa con xin ở nhờ trong một căn nhà tạm của một chủ vựa ve chai không lâu sau đợt giãn cách đầu tiên. "Không có tiền, chủ trọ đâu có cho ở. May là vợ chồng chị chủ vựa ve chai cho về đây ở tạm, nếu không cũng không biết đi đâu về đâu".
Xóm ve chai trên khu đất chưa có giấy tờ nằm ở quận Bình Tân này hiện có khoảng 40 hộ dân như nhà chị Quân. Nhưng nếu chị Quân còn may mắn tìm được một nơi ở tạm thì đa số người thuê trọ chưa biết xoay xở ra sao.
"Không đi làm mấy tháng nay thì tiền đâu mà đóng. Có xin nợ tiền trọ, nhưng giờ qua tháng thứ 3 rồi cũng chưa biết ra sao. Dịch bệnh tưởng đâu như năm ngoái, nghỉ chừng dăm ba tuần, chứ đâu biết tháng này qua tháng nọ như vầy. Giờ muốn về cũng không biết làm sao xin về" - ông Ngô Đức Sử (quê Kiên Giang, làm bốc xếp ở một chợ đầu mối, đang ở trọ tại TP Thủ Đức) cho biết.
Thông cảm với khó khăn của người ở trọ, nhiều chủ trọ cũng có sự chia sẻ tiền trọ trong 2 tháng qua. Ông Mười Hương - chủ trọ ở quận 7 - cho biết tháng đầu giảm 500.000 đồng tiền trọ, tháng sau giảm 300.000 đồng. Đồng thời, ông mua gạo, mắm muối với chi phí đã lên gần 70 triệu đồng để tặng cho người ở trọ; xin thêm thực phẩm hỗ trợ từ phường, từ các nhà hảo tâm để đỡ gánh nặng phần nào cho người thuê trọ.
"Khu trọ tôi đa phần là công nhân. Các cháu không đi làm thì mỗi bên chia sẻ một ít, trường hợp khó khăn quá thì mình tính thêm. Đã 4 năm nay tôi không tăng giá trọ, việc tu sửa cũng mỗi năm mỗi làm" - ông Mười Hương cho biết.
Nhưng không phải luôn có những chủ trọ như ông Mười Hương. Theo một báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM ngày 11-8, có 677 chủ nhà trọ miễn giảm tiền trọ cho khoảng 36.000 người lao động.
Có thể có nhiều chủ trọ âm thầm giảm, miễn tiền trọ chưa được ghi vào báo cáo nhưng con số người ở trọ không có sự chia sẻ vẫn còn rất lớn. Thống kê vào tháng 6-2021, TP.HCM hiện có khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó có khoảng 325.000 người đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Hỗ trợ tiền trọ, lương thực cho người lao động, sinh viên
UBND TP.HCM chỉ đạo Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19 TP xây dựng sẵn sàng 1 triệu gói cứu tế. Phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát, chăm lo cho công nhân, sinh viên, người lao động tự do đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo.
Cụ thể thực hiện hỗ trợ túi an sinh đủ lượng và chất, phù hợp từng đối tượng; kinh phí thuê phòng trọ và tiêm vắc xin để người dân yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian giãn cách xã hội.
TIẾN LONG
TTO - "10 bữa rồi, tui hổng còn rau củ ăn nữa. Lương công nhân bèo bọt, tháng nào tui gói ghém cũng hết tháng đó. Giờ tui cũng hổng có tiền đi chợ. Hôm nay nghe anh Sơn giảm 100% tiền trọ, tui mừng quá mừng".
Xem thêm: mth.67983657061801202-oas-yaox-teib-gnahc-ort-neit-gnan-hnag/nv.ertiout