Mới đây việc một nhân viên của tập đoàn Alibaba tố cáo quản lý cưỡng bức cô ấy sau khi bị ép uống rượu với khách hàng đã làm chấn động giới truyền thông. Theo cáo trạng, nhân viên này đã bị ép phải uống tiếp khách, bị họ sàm sỡ và cuối cùng là bị quản lý cưỡng bức vào ngày 27/7/2021.
Mặc dù vụ việc bóc trần những mảng tối của Alibaba, đồng thời cho thấy những bất cập trong văn hóa làm việc kèm rượu bia tại Trung Quốc. Thậm chí chính giám đốc điều hành của Alibaba cũng phải thừa nhận tập đoàn này có văn hóa ép rượu vô cùng "xấu xí".
Trên thực tế, việc ép rượu trở thành văn hóa khá phổ biến tại Trung Quốc bất kể là môi trường làm việc hay xã giao. Vụ bê bối ngôi sao Ngô Diệc Phàm ép người hâm mộ uống rượu rồi cưỡng bức đến sự việc lần này của Alibaba đã khiến làn sóng chống ép rượu lan rộng trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian gần đây.
Làm hết sức, uống hết mình
Chuyên gia pháp lý Jason Li tại Thượng Hải cho biết uống rượu bia đã trở thành văn hóa không thể thiếu trong xã giao, chúng thậm chí trở thành một phần tất yếu của văn hóa làm việc "996" (làm 12 tiếng mỗi ngày từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) tại Trung Quốc.
"Tôi đi uống vài lần mỗi tháng, chủ yếu là để quan hệ xã giao công việc. Đây là một cách quan trọng giúp đỡ cho sự nghiệp của tôi bởi chúng có thể giải quyết khá nhiều rắc rối. Việc uống rượu cùng nhau khiến mọi người trở nên thân thiết và dễ nói chuyện hơn trên bàn nhậu. Mọi người thường thổ lộ thật lòng sau khi say và tôi có thể đánh giá tính cách của đối tác một cách dễ dàng", ông Li cho biết.
Cũng theo ông Li, việc một người uống ít hay nhiều phụ thuộc khá lớn vào môi trường làm việc của họ. Khi ông Li còn làm trong cơ quan nhà nước, vị chuyên gia pháp lý này cùng đồng nghiệp thậm chí còn uống nhiều hơn.
Đồng ý với quan điểm trên, nhân viên kinh doanh Zhu Zimei cho biết văn hóa rượu bia là điều khó tránh khỏi khi làm việc ở Trung Quốc: "Tôi thường uống xã giao khi đi chơi với bạn bè, đồng nghiệp hoặc thậm chí là đối tác làm ăn. Rất ít khi tôi uống với gia đình và chẳng bao giờ uống một mình cả".
Thậm chí giới trẻ Trung Quốc ngày nay còn cuồng rượu bia hơn cả những người đi trước. Việc uống rượu bia để kết bạn, ký hợp đồng hay xã giao đã khiến giới trẻ Trung Quốc ngày nay có xu hướng nghiện đồ có cồn nhiều hơn.
Nguy hiểm hơn nữa là các doanh nghiệp cũng dùng những chiêu trò quảng cáo, dựa vào quan điểm nâng cao nữ quyền, sự tự do... để cổ xúy giới trẻ uống rượu bia, hút thuốc lá để tăng doanh số dù chúng có hại cho sức khỏe.
Giáo sư Xu Gelin của trường đại học Y Nanjing cho biết giới trẻ Trung Quốc ngày nay đang có ý nghĩ ngày càng khác biệt về văn hóa rượu bia. Họ cho rằng việc được quyền uống rượu bia, hút thuốc là là quyền tự do cơ bản của mỗi người mà không chú ý đến tác hại của nó đến bản thân cũng như xã hội.
Đồng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu Ye Pengpeng của Trung tâm quốc gia phòng ngừa bệnh mãn tính và không lây nhiễm (NCCNDC) cho biết độ tuổi bình quân người uống rượu tại Trung Quốc đang giảm dần trong những thập niên gần đây, nhất là ở nữ giới trẻ.
"Ngày càng nhiều người trẻ uống rượu hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ. Nguyên nhân chính là vai trò của nữ giới trong xã hội được đề cao và ngày càng nhiều phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội khiến họ tiếp xúc với rượu bia, thuốc lá. Thêm nữa, các nhà sản xuất cũng dùng đủ mọi chiêu trò quảng cáo để thu hút giới trẻ mua sản phẩm của họ", chuyên gia Ye nhấn mạnh.
Chuyên gia pháp lý Li cho biết giới trẻ Trung Quốc ngày nay coi việc uống rượu bia trở thành một phần tất yếu và thậm chí coi việc từ chối mời rượu là hành vi khiếm nhã. Rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc ngày nay nghiện rượu bia ngay cả khi không xã giao và không coi trọng tác hại của nó đến sức khỏe.
Chết vì rượu nhiều nhất thế giới
Một nghiên cứu được công bố năm 2019 trên tạo chí y học The Lancet cho thấy tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn ở Trung Quốc đã tăng gần 70% trong khoảng 1990-2017.
Vào năm 2018, một báo cáo cũng được đăng trên The Lancet cho thấy Trung Quốc là nước có số người chết vì liên quan đến rượu bia nhiều nhất thế giới với 650.000 nạn nhân nam và 59.000 nạn nhân nữ.
Giáo sư Xu Gelin cho biết một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêu thụ rượu bia tại Trung Quốc tăng là do phát triển kinh tế trong suốt 40 năm qua cùng văn hóa xã giao, coi trọng mặt mũi đã thúc đẩy mọi người uống nhiều hơn.
Trong lịch sử, tỷ lệ tiêu thụ rượu ở Trung Quốc thường tỷ lệ thuận với tình hình kinh tế bởi chúng có liên kết chặt chẽ tới khả năng tiêu dùng của người dân.
Thậm chí trong mùa dịch Covid-19, các nghiên cứu năm 2020 cho thấy tổng mức tiêu thụ rượu bia tại Trung Quốc chỉ giảm nhẹ và rủi ro nghiện rượu vẫn tăng cao ở nam giới khi ngồi không ở nhà mà chẳng phải đi làm.
Theo tờ SCMP, những báo cáo mới nhất trong năm 2021 cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới về tỷ lệ người mắc ung thư do liên quan đến rượu bia. Vậy nhưng giới trẻ nước này vẫn ngày càng nghiện rượu.
Giáo sư Xu Gelin cho biết một trong những yếu tố khiến giới trẻ Trung Quốc không cai nghiện được rượu bia là các chiêu trò quảng cáo, cổ súy tự do cá nhân của những nhà sản xuất.
Hàng loạt chương trình livestream, điện ảnh cho thấy người nổi tiếng uống rượu bia, hút thuốc lá đã khiến giới trẻ lầm tưởng đây là biểu hiện của sự trưởng thành, của tự do cá nhân mà chẳng quan tâm đến tác hại của chúng đến gan thận.
Thậm chí việc uống được nhiều rượu còn được coi là một tài năng và được giới trẻ cổ xúy. Năm 2019, một thanh niên trẻ ở miền Bắc Trung Quốc đã tử vong do muốn trở thành ngôi sao trên mạng khi liên tục livestream uống rượu mỗi ngày suốt 3 tháng liền.
Bất chấp những số liệu về tác hại rượu bia, các bạn trẻ Trung Quốc vẫn coi đồ uống có cồn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày.
"Rất nhiều người bạn của tôi coi uống chút rượu tốt cho sức khỏe, nhất là để giải tỏa tinh thần. Chẳng có mấy người chịu bỏ rượu vì lý do giữ sức khỏe cả. Bản thân tôi cũng uống mỗi tuần", nhân viên kinh doanh Zhu Zimei ở tuổi 26 thừa nhận.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị