Mullah Baradar gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân - Ảnh: www.news.cn
Cuối cùng, đến chiều 15-8 các tay súng Taliban đã làm chủ Afghanistan, sau khi cờ của phong trào Hồi giáo cực đoan này được treo trên nóc dinh tổng thống ở thủ đô Kabul.
Hãng tin TASS của Nga dẫn nguồn đài Al Jazeera (dù chưa có tin chính thức) về việc tổng thống Ashraf Ghani chạy sang Tashkent (Uzbekistan).
Như vậy chỉ trong vài ngày, khi quân Mỹ còn chưa hoàn tất thủ tục rút khỏi Kabul trước hạn chót ngày 31-8, Taliban đã chiếm giữ hầu hết các thành phố lớn khác của đất nước, bao gồm Kandahar và Herat.
Trong tương lai gần, Taliban dự định tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Sự xuất hiện "Tiểu vương quốc Hồi giáo" này (nếu thành sự thật) chính là mối lo ngại lớn nhất cho các láng giềng của Afghanistan, bởi đó sẽ là một chế độ được quản lý bởi giáo luật Sharia hà khắc, không thua kém bao nhiêu so với chính sách cai quản của nhóm "Nhà nước Hồi giáo" ở Syria và Iraq giai đoạn 2014-2017.
Không phải vô cớ mà nữ tổng biên tập kênh truyền hình quốc tế Russia Today của Nga, bà Margarita Simonyan đã nhắc lại thân phận người phụ nữ trong chế độ Taliban trên tài khoản Facebook của mình vào ngày 15-8: "Dưới chế độ Taliban, phụ nữ không được đi học. Tức họ không thể học làm bác sĩ. (Mà theo luật Sharia, phụ nữ chỉ có thể được điều trị bởi nữ bác sĩ). Kết quả là họ không thể tiếp cận được các nữ bác sĩ, có nghĩa là họ không thể tiếp cận việc chăm sóc y tế…".
Báo Daily Mail cho biết, tại một số tỉnh Afghanistan, lực lượng Taliban đã yêu cầu các gia đình lập danh sách phụ nữ từ 15 tuổi trở lên và nếu trong mỗi nhà có hơn 2 phụ nữ, thì một phải được giao cho các tay súng.
Thế nên cho dù Taliban cam kết với dân chúng "chẳng bao lâu nữa,… người dân sẽ trở lại cuộc sống bình thường với đầy đủ sự hài lòng", đồng thời đảm bảo "tính mạng và tài sản của công dân được an toàn và đề nghị cư dân… nếu cần thiết, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các Mujahideen", thì dòng người chạy nạn vẫn lũ lượt đổ về biên giới với Pakistan.
Bàn cờ địa chính trị Trung Á lại một lần nữa rơi vào biến động. Taliban được Pakistan chống lưng hỗ trợ không còn là bí mật.
Pakistan là một đất nước 200 triệu dân, có vũ khí hạt nhân, có những mối quan hệ phức tạp của người Mỹ với giới lãnh đạo đất nước.
Còn theo ghi nhận của nhà khoa học chính trị Nga, ông Sergey Markov - tổng giám đốc Viện nghiên cứu chính trị, các tay súng Hồi giáo cực đoan từng chiến đấu ở Iraq và Syria xuất thân từ Kyrgyzstan, Turkmenistan và Kazahkhstan (mỗi nước có khoảng 500 tay súng), riêng từ Tajikistan là 1.500 tay súng, đang tập trung tại các cứ điểm của "Nhà nước Hồi giáo" ở vùng Khorasan (Iran) để chuyển về cố quốc của mình, tiếp tục chiến đấu cho lý tưởng "Nhà nước Hồi giáo" ở đó.
Mỹ không phải là cường quốc duy nhất phải thoát thân khỏi Afghanitan. Liên Xô (cũ) cũng từng chịu thảm cảnh này hồi thập niên 1980, mà một trong những lý do Liên Xô can thiệp vào Afghanistan là lo ngại cho biên giới của mình bị các Mujahideen xâm lấn.
Giờ Liên Xô không còn nữa, nhưng các Cộng hòa Trung Á vẫn là "biên giới gần" với nước Nga, và những mối quan hệ dân số, tôn giáo chẳng chịt thời Liên Xô cũ vẫn còn tồn tại.
Ông Vladimir Sotnikov - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phương Đông, nói trên tờ Báo Độc lập của Nga rằng ông tin Nga sẽ giữ vị thế trung lập, xét trên việc "Nga có mối liên hệ với Taliban và Đại sứ quán Nga tại Kabul vẫn không đóng cửa".
Riêng Trung Quốc, nước có chung 76 km đường biên giới với Afghanistan, theo ông Sotnikov, "sẽ có một lập trường khác", mà đó là việc "chuẩn bị cho công dân mình công nhận phong trào Taliban".
Tín hiệu đầu tiên, theo ông, là việc công bố trên các phương tiện truyền thông ảnh Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tiếp người đứng đầu cánh chính trị của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar. Các cuộc đàm phán giữa họ đã diễn ra vào tháng 7 tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc.
Hầu hết tất cả các quốc gia có khả năng bị phong trào Taliban đe dọa đều là thành viên của "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" (SCO) - một tổ chức an ninh liên chính phủ mà vai trò chủ chốt trong tổ chức này là Trung Quốc và Nga.
Do đó, theo chuyên gia Sergey Markov, chính Trung Quốc và Nga cùng với Pakistan và Iran sẽ tham gia giải quyết vấn đề Taliban ở Afghanistan. Ông Markov cho rằng "Afghanistan và Taliban sẽ là bài thi địa chính trị lớn đầu tiên của SCO… Việc vượt qua kỳ thi địa chính trị này sẽ khẳng định vị thế của SCO", và ngược lại.
TTO - Với hai thập kỷ ở Afghanistan, đây là cuộc chiến dài nhất Mỹ từng tham gia. Trước khi chính thức rút đi, quốc gia này đã tổn thất gần 2.500 sinh mạng, đổ 2.000 tỉ USD vào Afghanistan nhưng tình hình lại trở về điểm xuất phát.
Xem thêm: mth.25710807161801202-agn-coun-ut-nihn-nabilat-oc-eht/nv.ertiout