Theo VCCI Cần Thơ, các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn với mô hình "3 tại chỗ" vì chi phí quá lớn - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 16-8, Phòng thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã gửi bản tin kỳ 7 năm 2021 đến các hiệp hội doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
VCCI chi nhánh Cần Thơ cho biết đã phỏng vấn nhanh các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó giúp các tỉnh trong vùng đưa ra các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trụ vững, vượt qua đại dịch COVID-19.
Đối với mô hình "3 tại chỗ", các doanh nghiệp được khảo sát phản ảnh còn nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện. Các doanh nghiệp nhỏ đa số đều phá sản hoặc ngừng hoạt động, do không thuộc ngành thiết yếu và không thể duy trì sản xuất.
Còn các doanh nghiệp lớn hơn có thể thực hiện mô hình "3 tại chỗ" để duy trì sản xuất nhưng tình hình vẫn không khả quan, mà chỉ có thể hoạt động cầm chừng. Đa số doanh nghiệp cho biết chỉ hoạt động được 5-10% công suất, trong khi chi phí rất cao (chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển...). Công nhân làm việc bị giảm năng suất do tinh thần không ổn định, căng thẳng, áp lực, đảm nhận công việc ở vị trí khác do thiếu hụt lao động.
Doanh nghiệp cũng phản ảnh chưa nhận được hỗ trợ khi đề nghị chậm nộp thuế do nguồn tiền bị gián đoạn. Có tỉnh chậm thông báo về các ca dương tính khiến doanh nghiệp bị phong tỏa đột ngột.
Đối với các gói hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hỗ trợ từ nghị quyết 68 của Chính phủ. Doanh nghiệp cũng cho rằng chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất chỉ ở mức 0,5% đến 1% là quá ít đối với họ.
VCCI chi nhánh Cần Thơ cũng cho biết trong tháng 7, đơn vị này có thực hiện báo cáo động thái doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2021 nhằm ghi nhận "sức khỏe" của doanh nghiệp.
Kết quả cho thấy doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, cùng với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường (tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và doanh nghiệp giải thể).
Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng đầu năm đạt 5.128 doanh nghiệp (tăng 12,28% so với cùng kỳ 2020). Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần thứ 4, có 1.796 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 11,41%), 4.030 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 67,71%); 955 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 27,33% so với cùng kỳ năm 2020).
"Tác động của đợt dịch lần thứ 4 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Tổng doanh thu quý 2 giảm 40,4%, lượng đơn đặt hàng mới giảm 41,3% so với quý 1. Hơn 50% doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch doanh thu ở mức 50-75%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề xuất một số chính sách: hỗ trợ vắc xin tiêm cho công nhân; giãn, hoãn thuế; giảm lãi suất ngân hàng; sự hỗ trợ từ hiệp hội doanh nghiệp địa phương", bản tin nêu.
TTO - Bên cạnh siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, thành phố Cần Thơ khuyến khích các lĩnh vực như ngân hàng, đăng kiểm, công chứng… hoạt động “3 tại chỗ”.
Xem thêm: mth.98061737161801202-paht-tar-auq-ueih-oac-tar-ihp-ihc-yat-neim-o-ohc-iat-3-peihgn-hnaod/nv.ertiout