Sáng 16-8, tại một số chốt kiểm soát trên đường Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt… thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM) xảy ra tình trạng ùn ứ khi lực lượng chức năng kiểm tra kỹ giấy đi đường của người dân. Nhiều trường hợp được lực lượng chức năng yêu cầu phải có giấy đi đường có hiệu lực trong bảy ngày.
Cán bộ ở chốt kiểm soát quận Bình Thạnh (TP.HCM) thông báo giấy đi đường chỉ có hiệu lực bảy ngày và giấy phải ghi ngày tháng cụ thể mới được xem
là hợp lệ. Ảnh: TỰ SANG
Một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết sở dĩ một số chốt kiểm soát trên địa bàn quận Bình Thạnh có yêu cầu giấy đi đường hiệu lực trong vòng bảy ngày vì có một số đơn vị, trong đó chủ yếu là ngân hàng thực hiện chế độ làm việc giãn cách. Cụ thể là “làm 50 - nghỉ 50”, tức một tuần làm việc, một tuần nghỉ.
Do đó, lực lượng chức năng chỉ yêu cầu giấy đi đường của nhóm đối tượng này phải ghi rõ thời gian được ra đường một tuần đó để dễ kiểm soát.
Nguồn tin của PV khẳng định việc kiểm tra này chỉ áp dụng đối với các trường hợp nêu trên nhằm kiểm soát bớt lượng người ra đường trong thời điểm giãn cách này.
“Giấy đi đường không rõ ràng thì anh em mới hỏi, tùy dạng đối tượng mới hỏi” - nguồn tin nói và cho biết thêm các trường hợp đi chợ, siêu thị mà không đúng thời gian trên phiếu mua hàng cũng phải được hỏi kỹ.
Ngoài ra, trước tình trạng có một số doanh nghiệp, đơn vị lạm dụng việc ký giấy xác nhận khi giấy xác nhận được ký từ cuối tháng 5-2021 hoặc từ tháng 6, tháng 7 cho đến khi hết thời gian giãn cách xã hội. Nhiều giấy xác nhận không ghi thời gian cụ thể được ra đường nên lực lượng chức năng của Công an quận Bình Thạnh phải hỏi kỹ hơn để kiểm soát, tránh việc lưu thông không đúng quy định.
Bên cạnh đó, về khách quan, khu vực Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long, Lê Văn Duyệt có nhiều bệnh viện gần nhau cũng dẫn đến việc người dân lưu thông ra đường nhiều hơn.
“Việc ùn ứ tại các chốt kiểm soát sáng nay cũng do người dân đổ dồn cùng lúc vào khoảng 7 giờ 30 đến 8 giờ, sau đó đã được giải tỏa” - nguồn tin cho hay.