Theo tờ South China Morning Post ngày 16-8, các quy tắc giãn cách xã hội, khử khuẩn và đeo khẩu trang được thực thi trên toàn thế giới trong 18 tháng qua đã "vô tình" chặn dịch cúm mùa. Điều này đã mở ra cơ hội để cuộc sống vẫn được tiếp diễn bình thường ngay cả khi đại dịch COVID-19 chưa hoàn toàn kết thúc.
Hợp tác toàn cầu giúp kiểm soát cúm mùa
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết kể từ tháng 4 năm ngoái, các ca bệnh cúm mùa đã giảm xuống gần bằng 0.
Trong khi đó, Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe của Hong Kong cũng báo cáo kết quả tương tự. Trong năm 2019, thành phố này ghi nhận 356 ca tử vong do cúm, và trong năm 2020 là 113 ca. Tuy nhiên, trong mùa cúm 2021, chỉ một ca tử vong được ghi nhận.
Theo số liệu từ trang worldometers.info, tính đến 11 giờ ngày 17-8, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 208.705.201, trong đó số ca tử vong là 4.383.786 ca. Ảnh: AA
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra các số liệu như trên. WHO ước tính trung bình hàng năm có khoảng 3 triệu đến 5 triệu trường hợp cúm nặng trên khắp thế giới, và có từ 290.000 đến 650.000 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, xem xét dữ liệu điều tra trong 14 tháng (từ giữa tháng 11-2019 đến cuối năm 2020), chí có khoảng 615.000 trường hợp mắc cúm (với 609.000 trường hợp được ghi nhận trước tháng 4-2020). Chỉ 5.730 trường hợp được phát hiện trong 9 tháng còn lại (từ tháng 4 đến tháng 12-2020).
Và sẽ có tác động tương tự đối với COVID-19
Từ các số liệu trên, có thể thấy khẩu trang và khử khuẩn được áp dụng trên phạm vi rộng lớn đã có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn các mầm bệnh trong không khí.
Trong 18 tháng qua, khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay đã giúp các nhà khoa học có đủ thời gian để nghiên cứu vaccine COVID-19. Có thể nói, những biện pháp nãy đã cứu sống rất nhiều người.
Giống như mũ bảo hiểm cho người đi mô tô hay dây an toàn khi lái ô tô, các biện pháp phòng dịch có thể không ngăn ngừa mọi trường hợp tử vong. Tuy nhiên, việc sử dụng các giải pháp bảo hộ vẫn tốt hơn là mạo hiểm. Tác dụng của việc đeo khẩu trang, cũng như tiêm vaccine hay khử khuẩn và giãn cách lớn hơn rất nhiều sọ với sự bất tiện nó mang lại.
Nếu mục tiêu đặt ra là phải dập tắt đại dịch càng nhanh và hiệu quả càng tốt, ở cả trong nước và trên toàn thế giới, thì nghĩa vụ cộng đồng phải đặt lên hàng đầu.
Trong bối cảnh thế giới dần chuyển từ giai đoạn chống virus sang học cách sống chung với nó, các quy tắc phòng dịch phải được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Điều cấp thiết đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường hợp tác quốc tế. Điều này phải bắt đầu bằng những cảnh báo sớm. Một ví dụ điển hình như việc Bắc Kinh đưa ra các cảnh báo chậm trễ về đại dịch đã khiến thế giới thiệt hại hàng triệu sinh mạng và nhiều nghìn tỉ USD kinh tế.
Sau sự việc này, các nước cần ưu tiên các biện pháp cảnh báo sớm trong tương lai, cũng như tài trợ cho quỹ dự trữ chiến lược về thiết bị bảo hộ và nghiên cứu vaccine trong tương lai.
Hơn nữa, không ai an toàn trước đại dịch cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn, và các biện pháp ở cấp độ quốc gia chỉ mang tính tạm thời. Do đó, việc kết hợp các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và tiêm vaccine phải được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới.
Mỹ, Anh, Đức hoặc Israel có thể tự hào về tốc độ tiêm chủng đối với một phần lớn dân số của họ, nhưng trong khi rất nhiều người ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Á đang phát triển vẫn chưa được tiêm phòng, thì đây vẫn là những lời khoe khoang trống rỗng.
Thay vì ám ảnh về số ca mắc và tử vong, các nhà lãnh đạo nên tập trung vào quá trình chuyển đổi từ "sống sót sau đại dịch" sang "sống chung với nó". Và sau khi toàn bộ dân số đã được tiêm phòng và có khẩu trang trên tay, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục cuộc sống của mình.