Nguyễn Phúc Hậu (24 tuổi, Bến Tre) rời TP.HCM từ tháng 5-2021 vì tình hình dịch bệnh căng thẳng. Trong thời gian nghỉ dịch rảnh rang, Hậu mày mò làm một bể cá nhỏ và nảy ra ý tưởng trang trí nó bằng mô hình nhà mini thật độc đáo.
Mang tuổi thơ 'gói' vào ngôi nhà nhỏ
"Tôi tưởng tượng những thứ cần làm trong mô hình, sau đó tìm nguyên liệu cho giống với bản nhà thật nhất. Tôi dùng đất sét để tạo hình 1 số chi tiết như bếp hay cái lu nước và tận dụng những thứ có sẵn trong nhà như ván gỗ, thùng giấy, cây tre để tạo nên những chi tiêt khác" - Hậu hào hứng chia sẻ khi có người quan tâm đến ý tưởng của mình.
Ngôi nhà có kích thước 10X15 (cm) của Phúc Hậu. Ảnh: NVCC
Ngôi nhà được Hậu hoàn thiện trong 5 ngày. Đầu tiên, Hậu phác thảo trước kích thước các mặt của ngôi nhà, sau đó cưa ván gỗ để ghép lại. Tiếp đó, Hậu gỡ một mặt giấy của thùng mì tôm để làm mái nhà, dùng lõi dây điện làm lồng chim, cây chổi, móc treo và dùng tre để làm bàn uống nước. Cứ thế, cột, hiên nhà, góc bếp... dần dần hiện lên dưới đôi bàn tay khéo léo của Hậu.
"Tôi chỉ dùng cưa tay và dao để cắt gọt. Vừa làm vừa hình dung lại cảnh nhà mình hồi xưa, rồi tìm các vật liệu có thể sử dụng được để trang trí. Nguyên liệu đơn giản lắm, chỉ tốn chai keo dán sắt và hầu như chẳng phải mua gì, tìm quanh quanh nhà cũng đủ. À... và mô hình không thể thiếu cái cầu cá, nét đặc trưng của miền Tây" - Hậu tâm sự.
Giống như Hậu, Nguyễn Quang Huy (25 tuổi, quê Hà Nam) cũng tận dụng thời gian giãn cách để làm một mô hình nhà mini trang trí bể cá cảnh. Anh dùng tre, đũa gỗ (loại dùng một lần) và bìa carton để làm những chi tiết chính. Chum đựng nước được nặn bằng đất sét. Anh cũng dùng những bánh xe từ đồ chơi của con để đặt lên mái nhà. Mô hình được hoàn thiện trong 3 ngày và được cậu con trai rất yêu thích.
Mô hình nhà của Quang Huy dùng để trang trí trong bể cá. Ảnh: NVCC
Ông Trực tô màu cho chú chim ngũ sắc trên can nhựa. Ảnh: NVCC
"Trước khi bùng dịch, cha tôi đã bắt đầu cắt, vẽ về đề tài 12 con giáp và sinh vật biển. Thế rồi dịch dữ quá, giãn cách xã hội, không ra ngoài được cha càng có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho từng tác phẩm mà ông sáng tạo" - Nguyễn Ngọc Trân (23 tuổi, Kiên Giang) kể.
Ngọc Trân cho biết cha mình am hiểu về bảo tồn tài nguyên rừng và biển. Do vậy, ông đã hình dung được hình ảnh các sinh vật biển, các loài chim mà không cần tham khảo trong sách, internet.
Can nhựa sau khi làm sạch sẽ được ông Trực phác thảo hình ảnh lên 2 mặt, rồi dùng kéo cắt thành hình, cuối cùng là tô màu nước. Với mỗi chiếc can, ông Trực mất khoảng 5 tiếng để cắt, vẽ cho cả 2 mặt.
Để có được nhiều can nhựa cho cha thỏa sức sáng tạo, Ngọc Trân và mẹ phải dặn trước với bạn bè, người mua phế liệu để mua. Nhưng khi biết được việc làm ý nghĩa của ông Trực, ai cũng cho mà không lấy tiền. Trân cho biết cô và mẹ đã đi gom nhiều can nhựa ở nhà bạn bè để cha tiếp tục "làm nghệ thuật".
Ngọc Trân chia sẻ: "Dù lo lắng vì tình hình dịch, nhưng may là cha đã tìm được thú vui để giết thời gian. Sau khi đăng hoạt động trong mùa dịch của cha lên facebook, tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người. Cha rất vui và mong việc làm này sẽ giảm được ít nhiều lượng rác thải nhựa, bảo vệ môi trường".
Dưới đây là một số hình ảnh trong bộ sưu tập can nhựa tái chế của ông Trực:
Một vài chiếc can trong bộ sưu tập về đề tài bảo tồn sinh vật biển của ông Trực. Ảnh: NVCC
Những chiếc can đầu tiên được cắt thành 12 con giáp. Ảnh: NVCC