Giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục ‘ì ạch’
Vân Phong
(KTSG Online) - Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% kế hoạch cả năm tính tới ngày 31-7, thấp hơn gần 4% so với cùng giai đoạn năm 2020, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ đạt 7,52%.
Một góc công trình đường vành đai 2, Hà Nội. Ảnh minh hoạ: Trọng Tùng. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 trong bối cảnh kết quả giải ngân vốn mới đạt 36,71% kế hoạch cả năm tính tới 31-7, thấp hơn gần 4% so với cùng giai đoạn năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ đạt 7,52% kế hoạch.
Theo Thủ tướng, nhiều Bộ, cơ quan, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để đạt kết quả giải ngân trên 50%, gồm Thái Bình (71%), Hưng Yên (65%), Hà Nam (64,36%), Thanh Hóa (61,59%), Nam Định (58,01%), Hà Tĩnh (55,49%), Thái Nguyên (51,33%), Ngân hàng Chính sách xã hội (67,27%), Văn phòng Quốc hội (52,9%). Ngoài ra, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn có kết quả giải ngân tốt như Bắc Ninh (55,37%), Bình Phước (52,88%), Tiền Giang (50,90%).
Nhưng còn nhiều Bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, gồm Bộ Thông tin và Truyền thông (0,4%), Đại học Quốc gia TPHCM (0,56%), Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (0,95%), Đài truyền hình Việt Nam (1,17%), Thông tấn xã Việt Nam (1,19%), Bộ Ngoại giao (2,57%), Viện Khoa học công nghệ Việt Nam (2,67%), Hội nông dân Việt Nam (2,7%), Bắc Kạn (8,37%), Quảng Bình (15,46%), Cao Bằng (15,84%), Đắk Lắk (15,86%).
Thậm chí, một số cơ quan chưa giải ngân kế hoạch vốn của năm 2021 như Ủy ban Dân tộc, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hiệp hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân, Thủ tướng cho rằng việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Còn nguyên nhân chủ quan là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.
Cụ thể, một số bộ, cơ quan, địa phương, nhất là những nơi không thực hiện giãn cách xã hội thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân. Ngoài ra, công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập và sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ. Còn công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt.
Đáng chú ý, việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định về giải ngân vốn còn chưa kịp thời, nghiêm minh.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021. Theo đó, phải đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Về kỷ luật, Thủ tướng yêu cầu đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, theo Thủ tướng. Cụ thể, phải thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
“Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền”, Thủ tướng cho biết.
Ngoài ra, ông cho rằng cần thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng Bộ, cơ quan, địa phương do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.
Để thực hiện việc này, các Bộ, ngành, địa phương cần lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm có số vốn lớn. Đồng thời, phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án và tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân. Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2021 để hoàn thành việc giao vốn chi tiết cho các dự án và tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Đặc biệt, các dự phải thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng.
“Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Bộ, cơ quan, địa phương mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với 34 Bộ, cơ quan và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm dưới 25%, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan chịu trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm, rồi rà soát, chấn chỉnh và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Xem thêm: lmth.hca-i-cut-peit-gnoc-ut-uad-nov-nagn-iaig/515913/nv.semitnogiaseht.www