Mì ăn liền trở thành động lực tăng trưởng, chỉ dấu kiểm soát dịch bệnh ở châu Á
Ricky Hồ
(KTSG Online) - Các hãng thực phẩm châu Á tiếp tục gặt hái lợi nhuận khủng trong nửa đầu năm 2021 do mức tiêu thụ mì ăn liền tiếp tục tăng. Tình hình nửa cuối năm khá lạc quan với nhiều hãng, dù rằng lợi nhuận bị giá nguyên liệu và nhân công ảnh hưởng. Mì đang là động lực tăng trưởng chính của nhiều hãng thực phẩm. Trong một chừng mực nào đó, gói mì đang là chỉ dấu là đã kiểm soát được dịch, người dân đi làm và ăn tiệm thường xuyên hơn.
Mì ăn liền đang là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp thực phẩm châu Á khi người dân ở nhà thường xuyên hơn và ăn mì gói nhiều hơn. Ảnh: Reuters |
Ở nhà và ăn mì
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ mỳ gói của người dân trên toàn thế giới tăng mạnh. Theo Hiệp hội Mì gói Thế giới (WINA), lượng mì ăn liền tiêu thụ trên toàn cầu đạt 116,6 tỉ gói mì, tăng 14,79% và đạt doanh số 45,67 tỉ đô la trong năm 2020. Tính trung bình, mỗi ngày trên thế giới có 320 triệu gói mì được tiêu thụ.
Sức tiêu thụ mì gói ở Đông Bắc Á chủ yếu ở ba thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Nhật Bản và Hàn Quốc, chiếm đến 56,45% nhu cầu thế giới. Nhóm thị trường Đông Nam Á gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Malaysia tiêu thụ đến 25,24% nhu cầu mì gói toàn cầu. Trong đó, thị trường Việt Nam có sức tăng gần 30%, từ vị trí thứ 5 vượt qua Nhật Bản và Ấn Độ để giành vị trí thứ ba.
Trong đợt đầu dịch năm ngoái, người dân ở nhà do các lệnh hạn chế đi lại. Mì gói trở thành món ăn giản tiện, nhanh chóng và đặc biệt là rẻ. Các đợt bùng phát mới do chủng Delta từ cuối tháng 4 năm nay, các lệnh giãn cách và phong tỏa ở các nơi kéo dài hơn, khiến lượng mì tiêu thụ chắc chắn gia tăng hơn từ nay đến cuối năm.
Lợi nhuận khủng từ tăng giá mì ăn liền
Các hãng mì châu Á vẫn lạc quan với mức tăng doanh số và lợi nhuận trong nửa cuối năm, dù lợi nhuận nửa năm đầu có giảm bởi giá bột mì, dầu cọ và nhân công đều tăng. Từ đầu tháng tới, giá mì của các hãng sẽ bắt đầu tăng, trước tiên là ở Hàn Quốc.
Hãng thực phẩm Ottogi của Hàn Quốc cuối tuần rồi thông báo là giá mì ăn liền sẽ tăng trung bình 11,9% trong tháng 9 tới, với lý do “giá bột mì, dầu cọ và nhân công đang tăng”. Đây là quyết định tăng giá lần đầu tiên của thương hiệu này trong 13 năm kể từ tháng 4-2008. Sau Ottogi, các hãng mì Hàn Quốc cũng rục rịch chuẩn bị tăng giá. Nongshim – hãng mì ăn liền lớn nhất Hàn Quốc – đã không tăng giá kể từ 2016. Tương tự, Samyang Foods cũng không tăng giá từ năm 2017.
Tại Philippines, lợi nhuận ròng của của hãng mì gói Monde Nissin giảm 13% còn 4,3 tỉ peso (hơn 85 triệu đô la) bởi giá thành tăng. Tuy nhiên, CEO Henry Soesanto nói rằng nửa cuối năm nay sẽ đầy hứa hẹn. Monde Nissin hy vọng doanh thu cả năm sẽ tăng trong khoảng 5-10% do giá mì và bánh tăng, cũng như doanh thu cải thiện ở Quorn Foods – công ty chuyên kinh doanh thịt nhân tạo đang mở rộng mạng lưới kinh doanh ở Mỹ.
“Giá cả hàng hóa nguyên liệu trên thị trường tăng cao chỉ mang tính tạm thời. Tác động của giá nguyên liệu có thể giảm thiểu bằng tăng giá sản phẩm đầu cuối, cũng như nhờ vào các chương trình quản trị hiệu quả mà Monde Nissin đang thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng Monde Nissin sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn”, nhà phân tích Estella Dhel Villamiel của hãng First Metro Securities nói với Forbes Asia.
Nhà phân tích dự báo doanh số cả năm của hãng mì này có thể đạt 72,6 tỉ peso (1,44 tỉ đô la), tăng 6,9%. Nhưng lợi nhuận cả năm tăng 62% và đạt 11,9 tỉ peso (hơn 235 triệu đô la). Có nghĩa là Monde Nissin lãi 150 triệu đô la trong 6 tháng cuối năm.
Niềm tự hào mới về xuất khẩu
Các thương hiệu mì Nhật Bản và Hàn Quốc có mức tăng trưởng ngoạn mục hơn các thương hiệu mì khác ở châu Á, bởi mì ăn liền là sản phẩm chủ lực hay mảng kinh doanh cốt lõi của họ. Một lý do khác là họ luôn đổi mới và sáng tạo.
Tại thị trường Nhật Bản, Nissin Foods và hãng đối thủ Toyo Suisan đạt tăng trưởng doanh thu ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Nissan xuất sang châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Còn Toyo Suisan có ưu thế ở Mỹ và Mexico.
Cuối quí 1-2021, Nissin Foods tung ra loại mì đông lạnh trên thị trường Trung Quốc do nhà máy mới của hãng tại Sán Đầu thuộc thành phố Thâm Quyến sản xuất. Sợi mì theo công nghệ mới được bọc bên ngoài bằng lớp đá lạnh. Khi cần ăn, người dùng chỉ cần bỏ vào lò vi sóng (microwave) và bấm ba phút rưỡi. Lớp băng tan, sợi mì được hấp và bốc khói. Mì vị thịt heo không cay và cay là hai sản phẩm hợp tác của Nissin với hiệu mì Hakata Ikkosha danh tiếng ở Nhật Bản.
Mùa thu này, Nissin hợp tác với chuỗi siêu thị Walmart để cho ra dòng sản phẩm mì ly vị bí cay nhân mùa thu hoạch bí đỏ đang rộ ở Mỹ. Trong khi đó ở xứ kim chi, thương hiệu hàng đầu Nongshim và các nhãn mì khác có mức tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ cao hơn nhiều so với tăng trưởng doanh số nội địa.
Các số liệu của Hải quan Hàn Quốc cho thấy xuất khẩu mì ramyeon trong sáu tháng đầu năm 2021 tăng 5,8% và đạt gần 320 triệu đô la – mức cao kỷ lục của sản phẩm tưởng chừng rất bình thường này. Trang tin Korea.net của chính phủ chỉ ra nguyên nhân: người dân các nước tích trữ ngày càng nhiều loại thực phẩm “khẩn cấp” dễ nấu và dễ ăn trong thời gian phong tỏa hay giãn cách xã hội.
Tuy vậy, mức tăng xuất khẩu mì gói trong sáu tháng đầu năm, dù là kỷ lục, vẫn thua xa tỷ lệ tăng trưởng 37,4% trong cùng kỳ năm ngoái. Sự suy giảm này một phần là do thói quen tiêu dùng và ăn uống của người Trung Quốc. Xuất khẩu mì ramyeon sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm giảm 15,8%. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 68 triệu đô la chi cho mì gói chỉ riêng nửa đầu năm 2021.
“Ít ăn mì” đồng nghĩa nhịp sống trở lại bình thường
Dịch ở Trung Quốc đã được khống chế từ nửa cuối năm ngoái cho đến đầu tháng 7-2021. Các thói quen tiêu dùng và ăn uống quay trở lại trước thời kỳ Covid-19 bùng phát, tức là ăn tiệm nhiều hơn và tự nấu các món ngon khi chợ và siêu thị hoạt động trở lại.
“Mì gói đã ra khỏi danh sách thiết yếu, các loại nước giải khát không cồn đang tăng trở lại ở Trung Quốc. Mức tiêu dùng của một số nhãn hàng tiêu dùng đã chỉ rõ rằng xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển một khi dịch đã lui”, một báo cáo của hãng nghiên cứu Nikkei vào tháng 3 nhận xét.
Mức tăng trưởng tiêu thụ mì gói ở Trung Quốc của các nhãn của Tingyi và Nongshim chỉ còn 6,1% trong nửa cuối năm 2020, so với mức tăng trên dưới 30% trong nửa đầu năm 2020. Riêng các nhãn Uni-President China có mức tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm, dù trước có mức tăng 22% trong sáu tháng đầu 2020.
Riêng các nhãn mì Nissin có mức tăng xoay quanh con số 17% trong hai nửa năm 2020. Trong lúc đó, các loại nước giải khát của Tingyi, Swire Pacific và Uni-President China lại có mức tăng lần lượt là 14,1%, 9% và 5,6% trong nửa cuối năm 2020, dù nửa đầu năm là tăng trưởng âm.
Cuối quí 1, nhà phân tích Xiaopo Wei của Citigroup đã nhận định rằng “Hãy còn quá sớm để nói là tăng trưởng của ngành công nghiệp mì ăn liền đang thay đổi cấu trúc”. Vị chuyên gia chứng khoán này đã duy trì mức đánh giá khách quan về giá cổ phiếu Tingyi trong bối cánh lượng mì tiêu thụ đang có xu hướng giảm dần đều. Bốn tháng sau, các đợt bùng phát của chủng Delta đã chứng minh là Wei đúng. Mì gói sẽ tiếp tục duy trì ngôi vị số một trong các đợt phong tỏa và giãn cách xã hội ở Trung Quốc.
Dù các thương hiệu mì ăn liền Hàn Quốc được ưa chuộng ở Trung Quốc thế nào chăng nữa, báo chí Hàn Quốc lại mong xuất khẩu mì ăn liền sẽ giảm. “Nhu cầu trong tình trạng khẩn cấp sẽ nhanh chóng giảm, tức là khi bệnh được kiểm soát, lệnh phong tỏa được gỡ bỏ ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng xuất khẩu chip cần được duy trì”, trang The Register viết. Cần nhắc lại là kim ngạch xuất khẩu chip chỉ riêng tháng 7 vừa rồi đã đạt 11 tỉ đô la.
Tingyi Holding – hãng mì gói hàng đầu của Trung Quốc với thương hiệu Master Kong nổi tiếng, tiếp tục ăn nên làm ra trong năm thứ hai của đại dịch. Chủ tịch Wei Hong-ming nói rằng thành công của Tingyi là “đáp ứng nhu cầu tăng mạnh mẽ lượng mì gói tiêu thụ trong đại dịch”. Từ quí 3 năm ngoái, các hãng đánh giá tín dụng đã cho điểm cao đối với sức khỏe tài chính của Tingyi và dự báo hãng sẽ tiếp tục phát đạt trong 2-3 năm sắp đến. S&P Global Ratings nâng từ mức trung bình lên khả quan với điểm BBB+. Riêng Moody’s cho điểm Baa1. Đối thủ của Tingyi là Uni-President China Holdings cũng có kết quả khả quan tương tự. Hãng Indofood CBP Sukses Makmur của Indonesia gọi mì gói là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp. Năm ngoái, Indofood hưởng lợi lớn khi giá bột mì giảm, nhưng giá bán mì gói lại tăng. |