Hiện tượng tăng huyết áp khi đi tiêm gặp phải ở rất nhiều người, từ người già đến lứa tuổi trẻ. Thậm chí, một tình trạng khá phổ biến ở những người đi tiêm vắc xin COVID-19, là huyết áp tăng cao dù ở nhà đo hoàn toàn bình thường.
Khi gặp bác sĩ, thầy thuốc là người thường mặc áo choàng trắng, nhiều người bệnh đã bị tăng huyết áp một cách tự nhiên. Hội chứng này được biết đến như là một tình trạng tăng huyết áp giả tạo do bệnh nhân cảm thấy quá lo lắng và căng thẳng. Thuật ngữ "Hội chứng áo choàng trắng" (White coat syndrome) được sử dụng để chỉ các trường hợp này.
Nhưng khi về nhà, huyết áp của bệnh nhân lại trở lại bình thường. Hội chứng này có thể gặp ở nhiều người, đa dạng độ tuổi. Theo các bác sĩ, hội chứng này chủ yếu xuất phát từ tâm lý bệnh nhân. Khi thấy bác sĩ hoặc những người mặc áo blouse trắng, bệnh nhân hồi hộp, lo sợ khiến tim đập nhanh hơn, tăng áp lực lên thành mạch, gây tăng huyết áp tức thời.
CDC Hà Nội khuyến cáo, Hội chứng "tăng huyết áp áo choàng trắng" do tâm lý, vì thế có thể luyện tập để thay đổi được. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu tiền thân của bệnh lý huyết áp. Vì vậy, người bệnh cần chú ý hơn về chế độ dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường sức khỏe tim mạch.
Theo CDC Hà Nội, huyết áp được quyết định bởi 4 yếu tố là sức bóp của tim, tính đàn hồi của mạch máu, thể tích máu và độ nhớt của máu. Mọi nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng, biến đổi 4 yếu tố này sẽ làm thay đổi huyết áp; đặc biệt khi lo lắng quá mức, bị stress, tức giận... nhịp đập của tim sẽ tăng lên khiến mạch máu co thắt lại và hậu quả làm cho huyết áp tăng.
Để hạn chế hội chứng "tăng huyết áp áo choàng trắng", CDC Hà Nội đã đưa ra 6 lưu ý. Theo đó, làm chủ tâm lý để không bị sợ hãi khi gặp bác sĩ là điều quan trọng đối với những người mắc hội chứng này; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh sử dụng chất kích thích, giảm muối trong chế độ ăn; tập luyện thể dục thể thao đều đặn, điều độ để tăng cường sức khỏe tim mạch; áp dụng phương pháp thư giãn như yoga để kiểm soát tâm lý, nhịp thở, giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống, công việc; đi khám cùng người thân hay bạn bè, để tạo cảm giác đồng hành, tránh sợ hãi khi đi một mình gặp bác sĩ; kiểm soát cân nặng, lượng tinh bột dung nạp vào cơ thể bởi vì giảm cân sẽ giúp huyết áp ổn định hơn, cơ thể thoải mái hơn vì không quá trọng tải.
Sự khác biệt giữa tăng huyết áp và tăng huyết áp áo choàng trắng
Thông thường, huyết áp của chúng ta không hoàn toàn cố định mà có thể thay đổi tùy thuộc hoàn cảnh, nhịp sinh học và sự vận động trong ngày. Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tăng cao dai dẳng từ 140/90 mmHg trở lên, nghĩa là huyết áp của người bệnh sẽ luôn cao hơn ngưỡng bình thường hầu hết thời gian trong ngày.
Trong khi đó, tăng huyết áp áo choàng trắng chỉ xảy ra khi đo huyết áp bệnh nhân tại phòng khám hay bệnh viện, khi đo tại nhà hoặc đo huyết áp liên tục 24 giờ, huyết áp bệnh nhân đều ở ngưỡng bình thường.
Tăng huyết áp áo choàng trắng chỉ gây tăng huyết áp tạm thời và không quá nghiêm trọng nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra. Dù vậy, một số bác sĩ cho rằng tăng huyết áp áo choàng trắng có thể là tiền thân của tăng huyết áp thực sự. Một nghiên cứu cho thấy những người bị tăng huyết áp áo choàng trắng cũng có các nguy cơ sau: Đột quỵ; đau tim; suy tim; một số tình trạng tim mạch khác
Khắc phục hội chứng tăng huyết áp áo choàng trắng
Trước khi chuẩn bị đo huyết áp, người bệnh cần nắm một số lưu ý sau:
Nếu cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn khi chuẩn bị ngồi xuống để đo huyết áp, hãy yêu cầu bác sĩ hoặc y tá chờ một chút để lấy lại bình tĩnh.
Một số cách có thể giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng như: hít sâu và thở ra chậm, đọc một bài thơ hoặc nhẩm một câu hát trong đầu hay đếm bất kì những vật màu xung quanh… mục đích chính của việc này vẫn là giữ cho tinh thần người bệnh thật thư giãn trước khi tiến hành đo huyết áp.
Thông thường khi kết quả đo huyết áp lần đầu tiên cao hơn mức bình thường, bác sĩ vẫn chưa kê đơn các thuốc trị tăng huyết áp cho người bệnh mà sẽ hẹn tái khám sau để theo dõi.
Nhằm loại trừ nguy cơ tăng huyết áp áo choàng trắng, bệnh nhân có thể tự theo dõi huyết áp tại nhà, sau đó ghi chú lại vào một quyển sổ và đưa cho bác sĩ khi tái khám. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định dùng thiết bị theo dõi huyết áp liên tục. Người bệnh sẽ đeo thiết bị này trên tay trong suốt 24-48 tiếng.
Cách mỗi khoảng thời gian 20-30 phút, thiết bị sẽ tự động đo huyết áp cho bệnh nhân. Từ đó, bác sĩ có thể xem kết quả đo trong suốt cả ngày dài để giúp loại trừ tình huống tăng huyết áp áo choàng trắng và đưa ra các chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng bệnh.
Hà Minh
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.62982917171801202-gnart-gnaohc-oa-gnuhc-ioh-av-91-divoc-nix-cav-meit/nv.zibefac