Ngày 17-8, Ủy ban Thường vụ họp phiên thứ 2, cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020.
Đề xuất chi hơn 89.000 tỉ từ Quỹ BHTN hỗ trợ tỉnh đông lao động
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2020, tổng số kết dư quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ước đạt hơn 935.000 tỉ đồng. Trong đó, các quỹ kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ ốm đau, thai sản gần 13.000 tỉ đồng; Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gần 54.000 tỉ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất gần 790.000 tỉ đồng; Quỹ BHTN gần 90.000 tỉ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ ngày 17-8. Ảnh: Đ.MINH
Thẩm tra vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá số kết dư như vậy là lớn. Đáng chú ý, qua nhiều năm, nhiều chế độ, chính sách liên quan đến các quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và BHTN chưa đi vào cuộc sống và chưa phát huy được vai trò chủ động của chính sách BHTN là giá đỡ của thị trường lao động.
Theo Ủy ban Xã hội, Quỹ ốm đau, thai sản dù có năm thứ hai liên tiếp “số thu nhỏ hơn số chi” nhưng vẫn có nguồn kết dư chuyển sang năm sau. “Có ý kiến cho rằng các quỹ ngắn hạn mà có kết dư lớn sẽ gây gánh nặng cho người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước và mất công bằng đối với người thụ hưởng” - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.
Riêng Quỹ hưu trí, tử tuất, dù vẫn đang kết dư lớn nhưng Ủy ban Xã hội cho rằng cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn để bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô, cơ cấu dân số (tốc độ già hóa dân số), nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - hưởng.
Phát biểu sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay bà rất quan tâm đến Quỹ BHTN.
Trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, thiếu công ăn việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, bà Thanh đề nghị Thường vụ Quốc hội (QH) quyết định chi kết dư hơn 89.000 tỉ đồng của Quỹ BHTN để hỗ trợ cho các tỉnh có đông công nhân lao động.
“Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ nhưng tôi nghĩ có thể mua vaccine để tiêm cho công nhân lao động hoặc hỗ trợ họ đảm bảo cuộc sống trong điều kiện không có việc làm và không có thu nhập” - bà Thanh đề nghị.
“Không ai được xâm phạm xu nào hết”
“Nguyên tắc của quỹ này là đóng - hưởng, có đóng mới có hưởng, anh nào đóng thì anh đó hưởng, không phải là Nhà nước muốn làm gì cũng được, phải theo luật” - Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu quan điểm.
Ông Huệ cho hay khi là bộ trưởng Bộ Tài chính, sau là phó thủ tướng, ông quản rất chặt các quỹ. “Lúc trước, các đồng chí đã đề xuất lấy Quỹ bảo hiểm y tế đi làm tin học, mua thuốc phòng chống lao, tôi bác hết” - ông Huệ nói.
Chủ tịch QH thống nhất nhận định kết dư các quỹ bảo hiểm ngắn hạn quá lớn, trong khi về nguyên tắc, các quỹ này hằng năm chỉ giữ lại làm dự phòng 10% số thu. “Đây là việc hoàn toàn không bình thường chút nào. Tôi chính thức đề nghị anh Khái (Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - PV) chỉ đạo phải báo cáo cụ thể với QH từng mục chi một và rà soát lại tại sao để lớn như thế” - ông Huệ yêu cầu.
Với số kết dư lớn như vậy, ông Huệ nêu ra ba khả năng. Hoặc chúng ta quy định mức đóng quá lớn, điều này tạo ra gánh nặng cho người sử dụng lao động (doanh nghiệp) và cả ngân sách nhà nước bởi Nhà nước phải đóng đến gần 19%-20%.
Trường hợp còn lại là chính sách chi rất hạn hẹp, người lao động không được thụ hưởng, đóng nhưng không được hưởng dẫn tới tồn đọng nhiều. Khả năng thứ ba là mức đóng cũng cao trong khi mức chi thì ít.
“Chỗ này phải làm cho rõ, cho tường minh. Các đồng chí phải cung cấp và phải làm rõ việc này để chúng ta khắc phục trong dài hạn” - ông Huệ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng khẳng định ông không đồng tình với đề xuất dùng các quỹ nói trên chi không đúng mục đích. “Không ai được xâm phạm một xu nào hết. Quỹ này là quỹ đóng - hưởng, người nào đóng thì người đó hưởng, không được sử dụng như ngân sách, không được đưa đi mua vaccine gì cả, mua vaccine là tiền khác. Tôi không biết đây là sáng kiến hay tối kiến nhưng cá nhân tôi không bao giờ đồng ý” - ông Huệ nhấn mạnh và nói thêm nếu Thường vụ QH biểu quyết đa số, ông chấp hành nhưng cá nhân ông không bao giờ đồng ý.
“Kể cả Quỹ khám, chữa bệnh cũng vậy, có kết dư năm nay nhưng có khi năm sau lại thủng. Có được ít kết dư là cứ muốn xà xẻo…” - ông Huệ nói thêm và cho biết nếu Chính phủ trình đề xuất lấy quỹ sử dụng vào việc khác, ông sẽ bỏ phiếu trống…
Chính phủ đề xuất bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế Chiều 17-8, tiếp tục phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Theo tờ trình của Chính phủ, dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế. Thay vào đó, dự toán chi quản lý hành chính sẽ được xây dựng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao… Nêu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng tờ trình của Chính phủ nêu rất hoành tráng, bỏ “đầu vào” là biên chế để tính theo “đầu ra” nhiệm vụ nhưng “đầu ra” như thế nào lại chưa thấy đâu. “Trong này nói ngụy biện hết thôi, chưa có cái gì gọi là đầu ra. Nói là không tính theo biên chế mà tính theo đầu ra nhưng vẫn lấy chi thực tế của kỳ trước làm căn cứ” - ông Huệ nói. Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay khi xây dựng tờ trình, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính căn cứ theo nhận định của Nghị quyết 18 của trung ương: Việc phân bổ kinh phí thường xuyên theo biên chế chưa gắn với kết quả là nguyên nhân tăng biên chế. “Anh em thực hiện theo nghị quyết của trung ương Đảng nhưng thực sự là chưa có giải pháp thực hiện… Sau khi chủ tịch QH có ý kiến, chúng tôi xin quay lại tính theo biên chế và vị trí việc làm” - ông Phớc nói. |