Theo đó, tầng 1 có 153 cơ sở cách ly tập trung tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức với tổng số 23.898 giường. Tầng 2 tiếp nhận và thu dung các trường hợp cấp cứu, điều trị F0 có triệu chứng từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm bệnh nền. Nơi tiếp nhận là bệnh viện (BV) dã chiến hoặc điều trị COVID-19 đã chuyển đổi công năng hoặc BV bình thường nhưng đã triển khai BV tách đôi. Hiện tầng này có 74 BV điều trị COVID-19, bao gồm 24 BV dã chiến (trong đó có 15 BV cấp TP và tám BV quận, huyện); 41 BV đa khoa, chuyên khoa của TP; chín BV trung ương. Tổng số giường ở tầng 2 là 49.342.
Tầng 3 chuyên hồi sức chuyên sâu cho F0 nặng, nguy kịch tại các BV tuyến cuối của TP và Bộ Y tế. Hiện tầng này có tám BV hồi sức COVID-19 là BV Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175 và năm trung tâm hồi sức quốc gia với tổng số 3.883 giường.
Theo dõi giường có thiết bị để điều phối
Cụ thể, tầng 1 là F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ, không có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định, có thể điều trị tại nhà hoặc khu cách ly tập trung của các quận, huyện và TP Thủ Đức. Ngành y tế sẽ triển khai các gói chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh.
Là một trong những thành viên tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh COVID-19, ông Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng về cơ bản, tháp ba tầng cũng như tháp năm tầng nhưng gom lại sẽ thấy từng tầng rõ rệt với nhau hơn, tạo thuận lợi cho việc liên lạc điều phối chuyển viện.
Theo ông Hiệp, nhiều trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc F0 nhẹ hoàn toàn có thể theo dõi ở nhà hoặc xử trí ở tầng 1, không cần lên tầng trên. Như vậy, tầng trên dồn nhân lực và trang thiết bị hồi sức ưu tiên cứu chữa bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, để tầng trên không bị quá tải thì đòi hỏi tầng dưới phải theo dõi bệnh nhân sát, hệ thống chăm sóc F0 tại nhà phát triển mạnh. Ông Hiệp tâm đắc hệ thống y tế gần dân, cơ sở y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, các F0 có vấn đề suy hô hấp, cần ôxy sẽ được nhóm nhân viên y tế này thăm khám, chuyển viện.
Ông Hiệp đánh giá cao việc trao gói thuốc điều trị tại nhà và gói an sinh cho các trường hợp F0. Ông Hiệp cho rằng: “Tuyến y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng vì đây là nơi tiếp cận người dân nhanh nhất. Tuyến này cần phải có gói thuốc men, xét nghiệm tốt, thậm chí gói ôxy để xử lý cho bệnh nhân chưa cần phải nhập viện. Nếu bệnh nhân được xử lý tốt ở tuyến dưới thì không cần phải chuyển lên tuyến trên, có như vậy mới không gây vỡ trận”.
Ông Hiệp nhìn nhận thời gian qua hệ thống điều trị COVID-19 bị quá tải, nhiều trường hợp liên hệ chuyển viện khó khăn, do đó cần có hệ thống điều phối nhân lực, thiết bị y tế được sắp xếp khoa học. “Vai trò của điều phối là phải theo dõi sát số giường điều trị. Từng cơ sở điều trị có liên kết qua phần mềm quản lý chính xác biết được BV nào có bao nhiêu giường có thiết bị y tế, chứ không chỉ là nắm được số giường bệnh, từ đó điều phối thu dung người bệnh phù hợp” - ông Hiệp nói.
Bên trong khu điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Lập Trung tâm điều phối cơ sở vật chất điều trị F0 UBND TP.HCM vừa có quyết định thành lập Trung tâm điều phối, đầu tư cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại hệ thống cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Trung tâm có nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp, điều phối giường bệnh, bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, điều phối, bố trí ôxy cho các giường bệnh tại các cơ sở điều trị bệnh nhân, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp giữa các tầng điều trị. |
Bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận bệnh nhân có bệnh nền
Tại BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2 (quận 12), BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BV này, cho biết gần đây các bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng đã được đưa vào khu cách ly tập trung của quận, huyện nên hiện BV đang tiếp nhận các ca bệnh có bệnh nền, người cao tuổi. Trong đó có không ít ca suy hô hấp diễn biến nhanh. Do đó, BV đã chủ động thành lập đơn vị hồi sức và trang bị các phương tiện hồi sức, tăng đầu ôxy lên 68 đầu, trang bị 33 máy thở ôxy dòng cao HFNC, máy bơm tiêm... Cách đây 10 ngày, BV đã lắp đặt bồn ôxy lỏng để sử dụng máy thở ôxy dòng cao HFNC.
“Các ca bệnh có biểu hiện suy hô hấp sẽ được chúng tôi can thiệp cho dùng thuốc, cho thở ôxy cho đến ôxy mask, thậm chí đặt nội khí quản cho thở máy nhưng không đáp ứng thì chúng tôi sẽ đưa lên tầng trên có điều kiện theo dõi hơn. Còn nếu bệnh nhân đáp ứng tốt thì không cần phải chuyển lên tuyến trên. Thời gian qua, tại BV không có nhiều bệnh nhân chuyển nặng và không có ca tử vong” - BS Dũng cho hay.
Tại BV điều trị COVID-19 Củ Chi, BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV này, cho hay hiện BV thuộc tầng 3 của tháp điều trị năm tầng, nếu theo sắp xếp lại thì dự kiến BV thuộc tầng 2. BV có quy mô 500 giường, chịu trách nhiệm điều trị bệnh nhân trung bình và nặng, luôn kín giường. Hiện BV giữ lại điều trị hầu hết ca bệnh, chỉ chuyển viện lên tầng 5 với các ca bệnh cần can thiệp hệ thống ôxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể ECMO.
Theo BS Xuân, trung bình mỗi ngày BV nhận 20-30 ca bệnh từ các BV dã chiến chuyển lên, cao điểm có ngày 50-70 bệnh nhân. Do vậy, việc nâng cấp BV dã chiến có thể điều trị bệnh nhân trung bình góp phần giảm tải cho tầng trên.
“Việc phân còn ba tầng sẽ giúp lọc bệnh tốt hơn, tránh việc bệnh nhân nhẹ không cần thiết lên tầng 2, tầng 3 không phù hợp. Mỗi tầng yêu cầu nguồn lực và thiết bị khác nhau. Hiện tầng 2 có đa dạng thiết bị sẽ giúp hạn chế chuyển lên tầng cao hơn nữa” - BS Xuân hy vọng.
Hệ thống cho biết số giường bệnh có ôxy và không ôxy bảng điều khiển tình hình thu dung, điều trị COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn TP đã chính thức hoạt động tại địa chỉ https://bccsđt.moh.gov.vn. Bảng điều khiển này là công cụ hữu ích giúp cho công tác điều phối, chuyển viện giữa các tầng điều trị. Công cụ này giúp cho tổ điều phối chuyển viện của Sở Y tế và các BV dễ dàng tìm BV còn giường bệnh không ôxy, giường bệnh có ôxy… để liên hệ chuyển viện cho phù hợp. Bảng điều khiển sử dụng nguồn dữ liệu từ phần mềm “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”. Các BV phải liên tục cập nhật tình hình tiếp nhận người bệnh, số giường còn trống… mỗi ngày vào các khung giờ quy định cụ thể là 8 giờ, 16 giờ và 20 giờ. Sở Y tế yêu cầu giám đốc các BV chịu trách nhiệm thực hiện việc nhập dữ liệu vào “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” một cách kịp thời, chính xác và đầy đủ theo đúng quy định. |