17/8 là một ngày buồn với chứng khoán Mỹ, điểm sáng duy nhất là nhà đầu tư đã không rơi vào một cơn hoảng loạn tột độ. Thay vì đổ lỗi cho một nguyên nhân duy nhất, có rất nhiều lý do chồng chất đã cùng đè nặng lên cổ phiếu.
Kết phiên 17/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt 282 điểm, tương đương 0,7%, chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt để mất 0,7% và 0,9%. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ Russell 2000 sụt 1,3%.
Dưới đây là 4,5 lý do thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống, theo tờ Barron's:
Lý do thứ nhất: COVID-19
Ngay khi nhà đầu tư tưởng thị trường có thể giả điếc trước các thông tin về biến chủng Delta của COVID-19, họ nhận được tiếng chuông cảnh báo chói tai. New Zealand tuyên bố sẽ phong tỏa thành phố lớn nhất đất nước là Auckland trong 7 ngày sau khi một ca nhiễm mới được phát hiện. Đây là trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại New Zealand kể từ tháng 2.
Các cảng biển của Trung Quốc cũng vướng vào rắc rối liên quan đến COVID-19. Tại Mỹ, 5 bang đạt kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 vào tuần vừa qua. Dường như chắc chắn tăng tưởng kinh tế sẽ yếu đi. Thắc mắc duy nhất là tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đến đâu.
Lý do thứ 2: Doanh số bán lẻ
Hôm 17/8, Cục Thống kê Dân số Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tháng 7 giảm 1,1%, mạnh hơn nhiều dự đoán ban đầu của các nhà kinh tế là doanh số sụt 0,3%. Các số liệu khác thậm chí còn tệ hơn.
Không kể ô tô, doanh số bán lẻ rớt 0,4% bất chấp các nhà kinh tế dự đoán con số này phải tăng 0,2%. Trong khi đó, doanh số của "nhóm kiểm soát" loại trừ những hàng hóa biến động mạnh như xăng cũng đi xuống 1%, trái với kỳ vọng cho mức tăng 0,3%.
Cùng với những dữ liệu kinh tế đáng thất vọng gần đây, doanh số bán lẻ tháng 7 một lần nữa dấy lên nỗi lo rằng tăng trưởng của Mỹ đã đạt đỉnh và chỉ có thể đi xuống.
Lý do thứ 3: Trung Quốc
Trung Quốc vẫn đang cố gắng tiêu diệt COVID-19, và nỗ lực đó đang làm chậm lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng Trung Quốc cũng có các vấn đề không liên quan gì đến virus.
Tăng trưởng mua sắm trực tuyến đã chậm lại, còn doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp cũng gây thất vọng. Cuộc trấn áp của Trung Quốc đối với các công ty Internet cũng có thể đã tạo ra tác động tiêu cực khi các cổ phiếu như Alibaba và Baidu bị đè bẹp vào ngày 17/8.
Lý do thứ 4: Nhà đầu tư ngừng luân chuyển
Chứng khoán Mỹ liên tiếp phá kỷ lục trong năm nay bất chấp một số bộ phận của thị trường chịu cú đánh nặng nề vì nhà đầu tư chuyển tiền sang những lĩnh vực khác. Nhưng diễn biến này không xảy ra vào ngày 17: Mọi ngành đều đi xuống.
Ông Jonathan Krinsky, nhà phân tích của BayCrest viết: "Trong thời gian qua, chỉ số S&P 500 khá miễn nhiễm với bất kỳ sự suy yếu kéo dài nào do sự luân chuyển nội bộ liên tục chống lại mọi áp lực bán dài lâu. Ngày hôm qua, nhà đầu tư lại bắt đáy, nhưng cho đến nay hành động này vẫn chưa mang lại thành quả và sự phân kỳ vẫn tiếp tục hình thành".
Nếu nhà đầu tư không nhanh chóng luân chuyển, cuộc bán tháo có thể trở nên tồi tệ hơn.
Lý do thứ 4,5: Afghanistan
Biến cố ở Afghanistan không phải là một lý do hoàn chỉnh vì nó khó có khả năng tạo ra tác động đáng kể ngay lập tức tới nền kinh tế thế giới, chứ chưa nói đến riêng nước Mỹ. Nhưng vấn đề này cũng rất dễ ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhà đầu tư vốn đang lo lắng vì COVID-19 và lạm phát.
Xem thêm: mth.97950118081801202-8-71-yagn-aul-od-ym-naohk-gnuhc-gnourt-iht-neihk-od-yl-54/nv.zibmanteiv