Sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 2 với nội dung đánh giá kỳ họp thứ nhất.
Bản báo cáo về kỳ họp thứ nhất do Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tóm tắt Kỳ họp vừa qua, từ công tác chuẩn bị đến các quyết sách quan trọng, tức thời do bối cảnh tình hình COVID-19 lúc đó diễn biến phức tạp.
Thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao và thống nhất với báo cáo và làm sâu hơn một số vấn đề.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói tuy lãnh đạo Quốc hội đa số là mới, các đại biểu Quốc hội hầu hết cũng mới và bối cảnh COVID-19 bùng phát ở TP HCM và phía Nam nhưng Quốc hội vẫn tổ chức kỳ họp thành công. Việc Quốc hội rút ngắn 8 ngày họp, làm việc cả thứ 7, Chủ nhật là một điểm đáng ghi nhận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH
Ông Trần Thanh Mẫn trích báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết có tới 91% dư luận đánh giá kỳ họp thành công.
Công tác phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ cũng được đánh giá cao và thành công là nhờ sự tận tâm của cả hai cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình ý kiến này và cho rằng: tuy kỳ họp thứ nhất chỉ diễn ra trong 9 ngày nhưng đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, thông qua nhiều quyết sách quan trong cho cả nhiệm kỳ và thông qua những sáng kiến lập pháp tức thời.
“Kỳ họp này khó khăn nhiều hơn, thách thức lớn hơn so với các kỳ họp thứ nhất của các khóa trước. Dù vậy kỳ họp vẫn thành công, cử tri và nhân dân cả nước cũng đồng tình đánh giá cao. Đây là khởi đầu rất tốt đẹp cho cả nhiệm kỳ”, Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Phiên họp cũng đề cập đến việc giảm thời gian phát biểu từ 7 phút xuống 5 phút của các đại biểu, lưu ý việc tranh luận tại hội trường, tranh luận kiểu "chen luận", phát biểu trùng lặp, trình bày nhiều, kiến nghị ít và cơ sở của các kiến nghị cũng chưa nhiều...
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội nhận xét: nhiều đại biểu mới đã phát biểu rất sâu nhưng cử tri chắc chắn mong muốn nhiều hơn nữa. Các ý kiến ở tổ hay nghị trường đều phải sâu sát, chia sẻ những khó khăn với dân, doanh nghiệp.
“Quan trọng hơn là phải có các kiến nghị nêu được vấn đề, cơ sở của kiến nghị. Dân khen ngợi nhưng cũng đòi hỏi chúng ta rất nhiều...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói nhiều đoàn đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến về "phát biểu kết luận" các phiên thảo luận. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội còn nêu, nhiều đoàn cũng có ý kiến là phát biểu kết luận mỗi phiên thảo luận không nên dài. Bởi một cá nhân “tài thánh đến mấy” cũng không tổng hợp hết được.
“Nên chăng chỉ cần nói thảo luận vấn đề này có bao nhiêu ý kiến, các ý kiến đồng thuận, bao nhiêu ý kiến khác nhau và sẽ tiếp tục làm gì... Phát biểu kết luận phải đúng với tính chất nghị trường”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Kỳ họp thứ 2 có nên chất vấn không? Cho ý kiến về kỳ họp thứ 2 tới đây, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ cho rằng: trong bối cảnh các thành viên Chính phủ đang bận chống dịch COVID-19 thì có thể xem xét không chất vấn hoặc chỉ chất vấn những bộ trưởng không bận chống dịch. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cũng nêu ý kiến rằng: hiện nay các Bộ trưởng đang dồn sức chống dịch. Nếu được thì xin Quốc hội không chất vấn. Còn nếu không thì chỉ chất vấn những bộ… có nhiều thời gian. Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng: cần cân nhắc việc chất vấn các thành viên Chính phủ. Vì có thể sẽ có những bức xúc về công tác chống dịch. “Nếu không đưa những thành viên chính chính phủ vào chương trình chất vấn, nhất là những vấn đề nóng, dân đang bức xúc thì lại không đáp ứng yêu cầu của nhân dân”, ông Phương nói. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi kết luận nói rằng: việc chất vấn thì cứ tích cực chuẩn bị, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, những gì cử tri quan tâm. “Đây là hoạt động bình thường của Quốc hội chứ không phải cứ nói “bận” đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói. |