Thủ tục hải quan trong thời gian dịch bệnh được hỗ trợ tích cực với nhiều giải pháp khác nhau nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 18-8, tại buổi Tọa đàm trực tuyến có chủ đề: “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp trong cao điểm dịch COVID-19”, ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) - cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Cùng với đó, hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất là rất cao.
Để tạo thuận lợi thông quan cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp được Tổng cục Hải quan triển khai xuống các cấp, kịp thời xử lý các vướng mắc trong thủ tục hải quan vì dịch bệnh.
Hiện nay, hải quan các địa phương đã chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan một số chứng từ thuộc hồ sơ hải quan theo quy định phải nộp bản chính như: Giấy phép hoặc giấy chứng nhận kiểm tra nhà nước về chất lượng để doanh nghiệp có thể thực hiện ngay thủ tục thông quan hàng hóa và nộp bổ sung các bản chính sau khi hàng hóa được thông quan.
Tổng Cục cũng đã thành lập các tổ xử lý hỗ trợ, hướng dẫn vướng mắc của doanh nghiệp, đảm bảo thông quan hang hóa trong ngành ở 3 cấp, xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp mà doanh nghiệp chậm làm thủ tục hải quan, làm thủ cục hải quan không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, trong trường doanh nghiệp không thể nhận hàng trong tình huống bất khả kháng.
Một số hải quan địa phương hoãn thanh kiểm tra dù theo danh sách định kỳ cho đến khi hết giãn cách, hướng dẫn giải đáp thủ tục hải quan trực tuyến.
Đối với mặt hàng nông sản, đặc biệt là hoa quả xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, do các yêu cầu bảo quản đặc biệt, thời gian vận chuyển, lưu giữ nhanh, Tổng cục đã có văn bản chỉ đạo hải quan các tỉnh thành phố biên giới phía Bắc đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời giải phóng hàng cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo cái chất lượng của sản phẩm hoa quả, nông sản xuất khẩu.
Đối với trường hợp hàng hóa đưa về bảo quản, tạm thời chưa thực hiện hoạt động kiểm tra việc bảo quản hàng hóa mà quá thời hạn ba mươi ngày doanh nghiệp chưa nộp các chứng từ như chứng từ kiểm tra nhà nước về chất lượng hoặc là các chứng từ kiểm tra chuyên ngành; đồng thời có văn bản kiến nghị trao đổi với các bộ, ngành để sớm ban hành các kết quả kiểm tra cho doanh nghiệp.
Riêng với vướng mắc ùn ứ ở cảng Cát Lái, cơ quan hải quan đã phối hợp với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho phép làm thủ tục vận chuyển hàng hóa đang ùn ứ tại Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển/cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của Tổng Công ty trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa ùn tắc.
Hải quan các địa phương Đồng Nai, Bình Dương cũng giúp các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được thực hiện thủ tục nhận hàng hóa ngay tại các đơn vị hải quan trên địa bàn do doanh nghiệp đóng trụ sở mà không phải di chuyển đến TP.HCM để nhận hàng.
Theo ông Đào Duy Tám, các giải pháp triển khai đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp trở lại các hoạt động sản xuất ở trạng thái bình thường.
TTO - Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hạt tiêu, Tổng cục Hải quan cho biết đã trao đổi với Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đưa hạt tiêu ra khỏi danh mục áp dụng phân luồng vàng kiểm tra khi xuất khẩu.