Nếu Ba Huân làm một thương hiệu riêng về trứng tức là đang ‘dằn mặt’ người nông dân
Chia sẻ trong tọa đàm "Kênh tiêu thụ nông sản Việt: Vẽ nên bản đồ nông sản Việt, cần những gam màu nào?", bà Ba Huân – Chủ tịch của công ty trứng gia cầm Ba Huân cho rằng, để có chuỗi cung ứng bền vững và kênh phân phối đa dạng, Nhà nước chỉ cần làm 2 điều sau: cử ra nhiều ‘nhạc trưởng’ để điều hướng cho người nông dân và chuyên môn hóa từng khâu từ sản xuất đến phân phối.
"Tôi đã làm nông nghiệp – cụ thể là ngành trứng hơn 50 năm – nửa đời người. Đất nước của mình được mệnh danh là quê hương lúa nước, đất đai bao la, thuận mùa vụ, dân mình chịu thương chịu khó, chịu cày bừa cũng như áp dụng công nghệ.
Nhưng dân mình lại thiếu các ‘nhạc trưởng’, nên nông dân không biết bám víu vào ai. Tôi làm 50 năm, thấy 2 đời Bộ trưởng Nông nghiệp là ông Nguyễn Xuân Cường và ông Lê Minh Hoan, họ đều rất lo cho nông nghiệp Việt Nam. Nhưng muốn có các kênh tiêu thụ nông sản bền vững, Bộ nên cử nhiều nhạc trưởng ra, hướng dẫn cho nông dân chăn nuôi – trồng trọt theo các chuẩn chất lượng cao.
Các kênh truyền thông là quan trọng nhất, nông dân nên nuôi trồng con gì – cây gì, số lượng là bao nhiêu; đó là trách nhiệm định hướng của Bộ và do Bộ đưa ra, để nông dân người ta theo. Còn nông dân thì nghĩ đơn giản hơn: họ thấy ông A hay ông B trồng cái này được giá, thì họ ùn ùn làm theo, không nghĩ nhiều. Vậy nên, mới có cảnh được mùa – rớt giá và được giá – mất mùa, rất khó cho bà con nông dân", bà Ba Huân đề nghị.
Trách nhiệm của Nhà nước là huấn luyện – truyền thông cho nông dân hiểu đâu là đường hướng canh tác đúng. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, người dân có thể làm hết sức mình, nhưng nông dân không suy nghĩ nhiều, họ cứ làm theo bản năng. Phải có nhiều kênh phân phối và tiêu thụ, để nhiều người nông dân vùng sâu vùng xa có thể bán cho các tập đoàn lớn và có thể dễ dàng tiêu thụ.
Còn về kênh tiêu thụ nông sản Việt: người nào nuôi trồng là chỉ nuôi trồng và người phân phối thì chỉ phân phối, chứ doanh nghiệp như Ba Huân mà làm tất cả là không ổn. Sứ mệnh của Ba Huân là sản xuất chăn nuôi, nếu để họ làm cả phân phối nữa, thì rất dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất của mình. Nên không thể nào, 1 bàn tay có thể che cả bầu trời!
"Nhưng mà, đôi khi cũng rất vất vả, vì nhiều người muốn làm nhãn hàng riêng của mình. Họ không có tài sản thực tế gì hết và chỉ đưa ra mô hình, rồi đề nghị nông dân làm thương hiệu riêng cho họ.
Bởi, làm nhãn hàng riêng thì được đưa lên để ở đầu kệ và ở chỗ dễ thấy dễ nhìn, trong khi những doanh nghiệp đầu tư 1.000 đến 2.000 tỷ - song chưa làm nhãn hàng riêng, thì để trong kẹt. Như vậy, kênh phân phối rất là khó. Bộ phải làm sao cứu lấy những doanh nghiệp, dù chưa đủ tầm sức như Vissan và Vinamilk, chưa làm nhãn hàng riêng, vẫn được chú ý", bà Ba Huân nêu thực trạng.
Nhiều công ty mới phát triển nhưng muốn phát triển lâu dài và chưa có nhãn hàng riêng, nếu cứ bị nhét trong kẹt thì rất thiệt thòi cho các SMEs. Trừ các công ty FDI, thì tại Việt Nam, không ai có thể xuất phát mà tốt liền – hoặc lớn mạnh tài chính ngay lúc đầu, ai cũng phải phát triển từ nhỏ đến lớn, cần trao cho họ một chỗ đứng nhất định.
Ví dụ: anh phân phối thì anh chỉ cần phân phối, còn anh sản xuất thì cứ sản xuất – phải chuyên môn hóa. Đằng này, anh mở ra kênh thương mại rồi bắt mọi người làm thương hiệu cho mình, vậy thì thương hiệu của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải làm như thế nào và bỏ vào đâu?
"Ba Huân là 1 công ty gia đình, tôi đã đầu tư 1.500 tỷ đồng vốn lưu động và hơn thế nữa. Tôi ráng chống chọi trên 50 năm vì 1 thương hiệu, từ bán trứng đến thịt gà và thực phẩm chế biến. Nhưng có khi tôi khóc 1 mình, vì sao? Mình dấn thân, hy sinh cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Thỉnh thoảng, tôi có đi công tác với bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tôi biết, muốn bán cho người ta cái gì đó, mình phải nhập lại cái gì.
Vậy nên, mình làm sao cho nông dân – nông nghiệp – thương hiệu trong nước nó phải có vị thế; Nhà nước phải động viên và an ủi các SMEs; giống như cái cây, muốn có trái ngon thì phải vun xới, đằng này lại không.
Những SMEs làm sao xây dựng được thương hiệu mạnh, như doanh nghiệp tôi là cỡ trung bình, tôi cũng không chọn cách tạo ra thương hiệu rồi dùng thương hiệu đó đi bán hết các kênh trên thị trường. Mình đã phân phối cho người ta, rồi mình sản xuất và làm thêm 1 thương hiệu là để ‘dằn mặt’ người ta hay sao? Đạo lý không cho phép tôi làm vậy!
Tôi là người đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân mà bây giờ tôi mở thị trường để bán - dành phần của họ thì coi sao đặng. Nếu làm, tôi đã làm 15 năm về trước, khi nhiều cố vấn khuyên tôi nên làm", bà Ba Huân bình luận tiếp.
Vì sao Ba Huân lại từ chối tăng giá dù được phép của Sở Công thương?
Trong Covid-19, sở dĩ chuỗi sản xuất của công ty Ba Huân không đứt, là bởi họ có 60% sản phẩm tự chăn nuôi và 40% bao tiêu. Vậy nên, trước đây, khi tham gia các chương trình bình ổn, chưa bao giờ họ bị hụt hàng. Trong đợt cao trào dịch thứ tư này cũng thế, mỗi ngày Ba Huân đều cố gắng đưa ra thị trường 1 triệu quả trứng và ráng giữ vững giá.
Trang trại chăn nuôi gà lấy trứng của Ba Huân.
Quy trình bao tiêu sản phẩm của Ba Huân như sau: họ hướng dẫn nông dân về con giống – quy trình chăn nuôi, sau đó bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường; chứ không ép buộc theo giá của công ty đưa ra. Thứ hai, tiêu chuẩn thú y phải chuẩn chỉnh; họ sẽ cho cán bộ thú y xuống hướng dẫn chăn nuôi trong suốt quá trình hợp tác.
"Nói thật, hiện tại ở Ba Huân, cung vẫn không đủ cầu. Hệ thống tự chăn nuôi của Ba Huân mỗi ngày có thể cung cấp gần 1 triệu trứng, bên ngoài thì khoảng 400.000 đến 500.000 ngàn trứng.
Ba Huân có hệ phân phối đa dạng, tuy nhiên tùy hoàn cảnh, thỉnh thoảng chúng tôi có bỏ vài kênh và tập trung vài kênh, làm sao để sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh và đúng địa chỉ nhất", Chủ tịch Ba Huân cho biết.
Mặc dù doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ, chi phí tăng và Sở Công thương TP.HCM cho phép Ba Huân tăng giá 2.000/hộp – tức 1 ngày có thể thu thêm 200 triệu; song vì nghĩ ‘người nghèo mới cần trứng’, họ vẫn quyết định giữ giá.
Nhờ vậy, những ngày kẹt cục bộ, logistics khó khăn, họ được bộ ngành cung cấp luồng xanh, thậm chí còn xuống nhà máy sắp xếp và vận chuyển giùm Ba Huân. Trong đại dịch, Ba Huân luôn muốn đóng góp 1 phần nhỏ cho thành phố và cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cũng nhờ Ba Huân có nguồn dự trữ thức ăn cho gà và với tỷ lệ 60 – 40 như trên, doanh nghiệp này mới có thể lấy cái này bù cái kia nhằm giữ giá song không bị lỗ. Vị nữ Chủ tịch này cũng khẳng định, việc Ba Huân bán bình ổn là là việc của họ, còn họ bao tiêu cho người nông dân theo giá thị trường thì vẫn làm, chứ không bắt nông dân phải theo giá của Ba Huân.
Về xuất khẩu: tham vọng của Ba Huân cũng có nhiều, nhưng 2 năm nay do Covid nên chưa làm ‘tới nơi tới chốn’, chứ khách hàng quốc tế của Ba Huân không ít. Theo quan điểm của bà Ba Huân, nông sản phải xuất khẩu được thì mới cứu vớt được giá cho bà con nông dân.
Nguồn trứng vịt muối của Việt Nam được các nước Đông Nam Á rất ưa chuộng. 2 năm nay, toàn Đông Nam Á đều phải gồng mình chống dịch và vì xuất khẩu gặp nhiều rủi ro, nên Ba Huân cũng không dám xuất nữa, chứ lúc trước Ba Huân xuất khẩu rất nhiều.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị