Những hình ảnh gia đình, đoàn người lếch thếch, mệt mỏi đi bộ nhiều ngày đêm để trở lại quê hương. Và còn rất nhiều tình cảnh người lao động nhập cư đang gặp khó khăn, mòn mỏi trong các xóm trọ nghèo.
Đó là những hình ảnh đang làm đau buốt lòng người giữa ngày tháng dịch giã nghiêm trọng này. Làm sao để giúp đỡ thêm cho đồng bào đang hồi khốn khó? Làm sao cho mọi người yên tâm "ai ở đâu thì ở yên đấy" để phòng chống dịch?
Nhiều chương trình của chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt là tự người dân "lá lành đùm lá rách" đã được trao đến đồng bào. Tuy nhiên, thực tế rõ ràng vẫn chưa đủ, vẫn cần thêm nhiều nghĩa tình được thể hiện hành động thiết thực, đặc biệt là khi tình hình dịch giã vẫn đang hoành hành dữ dội này.
Bao năm qua TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai đã bảo bọc cho nhiều người lao động từ các địa phương miền Bắc, miền Trung, miền Tây Nam Bộ đến mưu sinh. Hầu hết họ đều có mức thu nhập vừa đủ trang trải cho cuộc sống gia đình.
Khi dịch giã bùng phát không chỉ hai tuần, một tháng mà kéo dài hàng tháng chưa dứt, họ đã lâm vào cảnh khó khăn thật sự, từ nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống là miếng ăn đến tiền nhà trọ, điện nước.
Vừa rồi một số địa phương tổ chức đón dân mình về lại quê nhà, nhưng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con vì năng lực cách ly ở địa phương cũng như việc phòng dịch buộc hạn chế người di chuyển.
Một số địa phương bắt đầu triển khai các gói hỗ trợ cho đồng hương kẹt lại ở tâm dịch, như tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ hỗ trợ mỗi đồng bào mình 1 triệu đồng và 10 - 20kg gạo, Hải Phòng thông báo giúp 2 triệu đồng mỗi người, Quảng Trị giúp 1 triệu đồng một người...
Đây cũng là cách làm rất ý nghĩa và vô cùng cần thiết lúc này. Cùng với sự nỗ lực không ngừng của TP.HCM, các địa phương góp phần trực tiếp hỗ trợ tiền bạc, thực phẩm cho đồng bào mình không chỉ san sẻ bớt gánh nặng cho những tỉnh thành tâm dịch, mà còn trực tiếp lo thêm chén cơm, viên thuốc, tiền phòng trọ cho từng đồng hương đang sa cơ lỡ bước trong đại dịch.
Sâu xa hơn, các chương trình thế này chính là góp phần bảo vệ nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM, Bình Dương sau dịch và cũng là giữ được an yên quê nhà, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, xáo trộn đời sống...
Thực tế tình hình dịch giã lan rộng hiện nay, nhiều địa phương cũng đang gặp khó, nên nỗ lực trợ giúp đồng bào lúc này càng quý giá và ý nghĩa hơn nữa. Quý giá ở từng đồng trao gửi đến cả cách trao lẫn tấm lòng. Đặc biệt, ngoài ngân sách địa phương, việc kêu gọi doanh nghiệp, người dân ở quê nhà chung tay san sẻ với đồng hương xa xứ đang hồi khốn khó cũng là nghĩa tình vô cùng thiết thực.
Một cây đũa tách riêng sẽ rất yếu, nhưng cả bó đũa chụm lại sẽ có sức mạnh khác hẳn. Một vài triệu đồng bào ở từng địa phương chung tay san sẻ khó khăn với vài chục ngàn đồng bào xa quê sẽ góp phần an yên cả tinh thần lẫn chén cơm, mái trọ giữa mùa dịch đầy khó khăn.
Giữa đại nạn này, nguồn lực nào giúp đỡ đồng bào cũng thật quý và rất cần được triển khai nhanh chóng từng ngày, từng giờ. Mong sao nồi cơm của đồng bào được tỏa khói ấm, đầy đặn mỗi bữa ăn.
TTO - Trước tình hình dịch COVID-19 gây khó khăn trong thu hoạch lúa, sư đoàn 330 đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giúp dân thu hoạch, vận chuyển lúa từ ruộng xuống các ghe chở lúa.
Xem thêm: mth.35234757091801202-oab-gnod-moc-nehc-yad-meht-puig/nv.ertiout