Kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch sáng 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từng ngành, địa phương.
Cơ hội lớn, tác động lâu dài
Tại cuộc họp, Các Bộ trưởng đã trả lời, làm rõ nhiều kiến nghị, đề xuất, khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải trong quá trình lập các quy hoạch, trong đó có vướng mắc về tài chính, việc phối hợp trong lập quy hoạch vùng, quốc gia…
Theo Bộ trưởng bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, triển khai hiệu quả Luật Quy hoạch là nhiệm vụ lớn, quan trọng, có nhiều thách thức, đồng thời có nhiều cơ hội rất to lớn, tác động lâu dài đến mục tiêu phát triển của đất nước và địa phương.
Việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong quá trình lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành nhìn nhận công tác triển khai Luật Quy hoạch là việc khó, triển khai còn chậm, về cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, sau Hội nghị này, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chắc chắn việc triển khai sẽ được cải thiện, tiến độ sẽ tốt hơn.
Các Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương nỗ lực triển khai nhiệm vụ theo tiến độ đề ra, bảo đảm kết nối, thống nhất giữa các quy hoạch.
Việc xây dựng quy hoạch ngành phải trao đổi rất kỹ với các địa phương và ngược lại, quy hoạch địa phương cũng phải trao đổi với các bộ ngành. Các địa phương cần lựa chọn các chuyên gia tư vấn có trình độ, tầm nhìn, tránh cục bộ, tránh lợi tích nhóm, manh mún…
Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, góp ý, bổ sung cho dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu bộ KH&ĐT, các bộ ngành tiếp thu các ý kiến của địa phương, các địa phương cũng tiếp thu ý kiến của các bộ ngành để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng phân tích, nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của công tác quy hoạch và vì sao phải đầu tư cho công tác này. Theo Thủ tướng, làm gì cũng phải có quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, quy hoạch phải tổng thể, toàn diện, bao quát, có tính định hướng. Quy hoạch phải bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương.
“Nếu không bám sát tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của bộ, địa phương thì rất khó phát triển bền vững, chuyển phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội, trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm hiệu quả.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, công tác quy hoạch không mới, nhưng việc triển khai Luật Quy hoạch lần này có điểm mới là phải đồng thời làm quy hoạch quốc gia, quy vùng, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành. Triển khai những công việc mới bao giờ cũng có những khó khăn, lúng túng.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị bày tỏ băn khoăn về vấn đề kết nối các quy hoạch, “cái gì có trước, cái gì có sau”, Bộ trưởng bộ KH&ĐT đã giải thích, làm rõ.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, cùng làm, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các bộ, địa phương phải làm tốt nhất quy hoạch ngành mình, địa phương mình.
Đồng thời, phối hợp thật tốt, tăng cường trao đổi giữa địa phương và Trung ương, giữa các địa phương trên tinh thần không câu nệ về hành chính, thủ tục, không cục bộ, chia cắt, manh mún. Các Bộ trưởng công bố khung quy hoạch ngành để các địa phương nghiên cứu, tiếp thu, tích hợp, cụ thể hóa vào quy hoạch địa phương, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng.
Quốc hội sẽ giám sát tối cao
Thủ tướng yêu cầu các quy hoạch phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Luật Quy hoạch, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, phát sinh vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tinh thần là phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng khẳng định, Quốc hội luôn phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và các bộ ngành để triển khai mọi nhiệm vụ, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải tập trung cho công tác này, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong năm 2021 và các năm tiếp theo. Lập các Ban chỉ đạo về quy hoạch và bố trí nhân sự phù hợp, hiệu quả.
Các cơ quan quản lý ở Trung ương tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát kiểm tra, kiểm soát quyền lực, giảm tối đa thủ tục hành chính, các bộ ngành, địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương lựa chọn tư vấn thực sự chất lượng, vừa trao đổi, vừa hỗ trợ, vừa học tập đơn vị tư vấn nhưng “chúng ta vẫn là quyết định, để mặc cho tư vấn thì quy hoạch không có chất lượng”.
Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đã giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc về tài chính được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ chế thanh toán, tài chính để huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác này.
Liên quan tới một số vướng mắc tại các nghị định, Thủ tướng giao các bộ ngành tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, xin lại ý kiến các địa phương, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định phù hợp tình hình để nâng cao chất lượng các quy định, đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, hoàn thành chậm nhất trong tháng 10/2021.
Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, bảo đảm không lãng phí, tập trung, thống nhất, chuyên sâu.
“Tiến độ lập quy hoạch đang chậm. Quốc hội sẽ giám sát tối cao về công tác này, vì vậy tinh thần là phải khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt, bảo đảm chất lượng, tiến độ, vừa bảo đảm kết nối vùng và quốc gia hiệu quả nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng giao bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
Xem thêm:
Bộ KH&ĐT trình bốn giải pháp trọng tâm trong lập quy hoạch 2021-2030
Bộ trưởng KH&ĐT: Quy hoạch là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn