Nhắc đến Lamborghini, người ta sẽ nghĩ ngay đến siêu xe thể thao hào nhoáng và đắt đỏ, được giới cầu thủ, từ Cristiano Ronaldo đến Paul Pogba, mê như điếu đổ.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng, trước khi nổi danh như ngày hôm nay, Lamborghini tiền thân là hãng sản xuất máy kéo, do một anh nông dân chân lấm tay bùn tên là Ferruccio Lamborghini thành lập.
Ferruccio Lamborghini sinh năm 1916 trong một gia đình làm nông ở thị trấn Renazzo (Ý). Ông lớn lên giữa những vườn nho bạt ngàn, nơi cha mẹ kiếm sống bằng làm nghề làm rượu vang.
Là con trai trưởng, Ferruccio được dạy dỗ rất kỹ lưỡng về nghề trồng nho làm rượu để nối nghiệp gia đình theo đúng truyền thống trong vùng. Thế nhưng, ông lại đam mê cơ khí hơn làm nông, chỉ cắm mặt cả ngày trong xưởng để mày mò máy móc.
Dĩ nhiên, điều này khiến bố mẹ của Ferruccio vô cùng phật lòng. Không muốn phải tranh cãi thêm, chàng trai trẻ tuổi quyết định liều mình bỏ nhà đi theo tiếng gọi đam mê. Ông tìm trường để theo học ngành cơ khí, chưa từng ngoảnh đầu nhìn lại sản nghiệp gia đình hay hối hận dù chỉ một giây.
Sau khi tốt nghiệp, bằng ý chí sắt đá và nhiệt huyết sục sôi của một , Ferruccio đã thuyết phục được những xưởng cơ khí lành nghề nhất Bologna thuê mình làm việc. Tại đây, Ferruccio được đào tạo bởi một thợ rèn bậc thầy, người giúp ông lĩnh hội mọi bí quyết quan trọng nhất trong ngành cơ khí.
Tay nghề hoàn thiện cũng là lúc Ferruccio tròn 18 tuổi. Ông quyết định trở về quê nhà ở Renazzo, mở một cửa hàng nhỏ với người bạn thân lâu năm.
Ferruccio Lamborghini
Khi Thế chiến II nổ ra, Ferruccio đã là một thợ cơ khí dày dạn kinh nghiệm và có tiếng trong giới. Tiếng lành đồn xa, ông nhanh chóng được gọi vào Lực lượng Không quân Hoàng gia Ý, đóng quân tại đảo Rhodes (Hy Lạp).
Ông cùng đồng đội chịu trách nhiệm sửa chữa và bảo trì các phương tiện quân sự của quân đội Ý trên đảo, bao gồm máy kéo và xe tải chạy dầu diesel dùng để kéo máy bay. Đôi khi, họ cũng phải nhận nhiệm vụ phá hoại phương tiện của phe Đồng minh.
Chiến tranh diễn ra được khoảng 3 năm thì quân Ý đầu hàng; người Đức tiếp quản căn cứ này và trục xuất lính Ý về nước. Thế nhưng, Ferruccio vẫn xin phép ở lại hòn đảo này để mở xưởng cơ khí nhỏ, đồng thời cũng là công ty đầu tiên ông thành lập trong đời.
2 năm sau, quân Đồng minh giành quyền kiểm soát đảo Rhodes, bắt những người còn lại trên đảo làm tù nhân, trong đó có cả Ferruccio. Tuy nhiên, khi phát hiện tài năng sửa chữa máy móc của chàng trai trẻ, họ đã thuyết phục Ferruccio sửa chữa khí tài cho mình. Do đó, chỉ khoảng 1 năm sau, ông được thả tự do về nhà.
Năm 1946, chính phủ Ý đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm vực dậy nền kinh tế đã kiệt quệ sau chiến tranh của đất nước. Tận dụng điều này, Ferruccio mở một xưởng cơ khí chuyên sửa chữa phương tiện giao thông và chế tạo máy móc hỗ trợ tại Cento.
Tuy nhiên, cuộc sống chưa ổn định được bao lâu thì Ferruccio phải đón nhận tin không vui: vợ ông qua đời vì khó sinh. Để vơi bớt nỗi buồn, ông chỉ còn cách vùi đầu vào làm việc trong xưởng, sửa chữa xe cộ và máy kéo.
Trong quá trình làm việc, Ferruccio nhận thấy ngành nông nghiệp địa phương đang trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ vì thiếu phương tiện, máy móc. Một ngày nọ, ông nhận được lá thư khẩn cấp từ cha - thứ đã thay đổi toàn bộ cuộc đời ông sau nà.
Trong thư, cha ông chỉ viết vỏn vẹn vài chữ: "Cha cần một chiếc máy kéo mới".
Đến lúc này, Ferruccio mới hiểu nước Ý cần nhiều thiết bị, vật tư nông nghiệp đến như thế nào để phục hồi sau chiến tranh. Cái khó ló cái khôn, ông chợt nảy ra ý tưởng tận dụng những khí tài quân sự bỏ đi năm xưa để chế tạo máy kéo giá rẻ cho các điền chủ nhỏ.
"Tác phẩm" đầu tiên của Ferruccio được cải tiến từ một chiếc xe tải. Ông đã lắp thêm một bộ hóa hơi nhiên liệu do chính mình phát minh, để máy kéo có thể chạy bằng dầu diesel giá rẻ thay cho xăng. Năm 1948, Ferruccio lần đầu giới thiệu sản phẩm này với công chúng và bán được 11 chiếc.
Thành công ban đầu này chính là động lực để Ferruccio Lamborghini quyết định trở thành doanh nhân, "liều ăn nhiều" mua 1.000 động cơ Morris về nâng cấp thành máy kéo. Được sự ủng hộ của cha, ông đã dùng chính điền trang của gia đình làm tài sản thế chấp.
Những nỗ lực của Ferruccio cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng. Sau khi thành lập công ty mới mang tên Lamborghini Tractors, ông đã kiếm vô số lợi nhuận từ ngành sản xuất máy kéo và trở thành một trong những nhà công nghiệp quan trọng nhất nước Ý thời bấy giờ.
Có tiền trong tay, Ferruccio Lamborghini vui vẻ tận hưởng cuộc sống tiện nghi và xa hoa mới. Ông mạnh dạn "xuống tiền" để tậu về hàng loạt xế hộp siêu phẩm như Jaguar, Mercedes, Maserati và Ferrari, nhưng chẳng cái nào thỏa mãn hoàn toàn niềm đam mê của ông.
Valentino Balboni - trưởng bộ phận lái thử của Automobili Lamborghini SpA - từng kể:
"Khi Ferruccio Lamborghini trở nên giàu có, ông đã mua hai chiếc Ferrari: chiếc màu trắng cho ông và chiếc màu đen cho vợ. Lần nào những vị khách hàng, đối tác lớn tới ký kết hợp đồng máy kéo, ông ý cũng đều tự tay lái chiếc Ferrari của mình đưa khách hàng tới nhà hàng để chiêu đãi".
Một trong những chiếc xe khiến Ferruccio bực bội hơn cả là Ferrari 250 GT, do phần côn của chiếc xe này rất dễ hỏng. Bản thân ông cũng lái xe không quá giỏi và thường xuyên làm cháy côn.
Sau 3-4 lần phải đến nhà máy của Ferrari để thay thế phụ tùng, Ferruccio quyết định tự sửa xe tại xưởng của mình. Tại đây, ông phát hiện côn trên chiếc Ferrari lại giống hệt với loại đang dùng trên một chiếc máy kéo nhỏ của Lamborghini.
Điều này khiến Ferruccio vô cùng khó chịu. Bởi lẽ, ông phải trả những 100 EUR cho côn xe Ferrari, trong khi chỉ cần bỏ 10 EUR để lắp cái tương tự trên xe kéo của mình.
Một ngày nọ, Ferruccio Lamborghini có dịp gặp gỡ Enzo Ferrari - người sáng lập hãng xe Ferrari. Buổi nói chuyện diễn ra suôn sẻ, cho đến khi cả Ferruccio nhớ ra câu chuyện côn xe năm xưa.
"Ông chế tạo những chiếc xe tuyệt đẹp của mình bằng linh kiện máy kéo của tôi", Ferruccio nói. Chưa hết, ông còn phàn nàn về chuyện côn xe rất dễ hỏng, quá ồn ào và hay xóc nảy trên đường đi.
Bị chê bai thậm tệ, lại vốn nổi tiếng là người kém ăn nói, Enzo ngay lập tức ngắt lời Ferruccio để dè bỉu:
"Ông chỉ là một tên lái máy kéo, một lão nông dân. Ông chẳng có tư cách gì phàn nàn về xe của tôi cả, bởi chúng là những chiếc xe tuyệt vời nhất thế giới", nhà sáng lập Ferrari đáp trả.
Câu nói trên chẳng khác nào "đổ dầu vào lửa", khiến Ferruccio càng hăng máu hơn. Ông đe dọa Enzo: "À, rồi, tôi chỉ là một lão nông dân! Tôi sẽ cho ông biết thế nào là chế tạo xe hơi thể thao đúng nghĩa. Tôi sẽ tự mình làm điều đó!".
Ngay tối hôm đó, Ferruccio đã về nhà, bắt tay vào việc lên kế hoạch. Nhiều người cho rằng ông bị điên, rằng ông đang phung phí tài sản của mình, nhưng nhà công nghiệp này chỉ bỏ ngoài tai.
Ferruccio thành lập một công ty xe thể thao hoàn toàn mới mang tên Automobili Ferruccio Lamborghini S.p.A., thuê 3 nhân viên cũ từ Ferrari, sau đó mua một mảnh đất lớn để xây dựng nhà máy.
Lamborghini 350 GT
Chỉ trong 9 tháng, Ferruccio đã hoàn thiện chiếc xe hơi thể thao đầu tiên - Lamborghini 350 GT. Đây được xem như một kiệt tác kỹ thuật thời bấy giờ, với động cơ V12, hộp số 5 cấp, phanh đĩa 4 bánh và hệ thống treo 4 bánh.
Ferruccio đã giới thiệu siêu phẩm này lần đầu ở Hội chợ Xe hơi Turin. Ông chứng minh cho Enzo và những người hoài nghi thấy rằng mình không chỉ là một lão nông chân lấm tay bùn, mà còn là một thiên tài cơ khí - người có thể chế tạo nên những chiếc siêu xe.
Trong vòng vài năm sau đó, cả doanh thu máy kéo và xe hơi thể thao của Ferruccio Lamborghini đều lên như diều gặp gió. Các cộng sự trong công ty ông còn khởi động thêm một dự án bí mật: chế tạo chiếc Lamborghini 400 GT và Miura P400.
Miura được phát triển như một dòng xe đua đường phố, là sản phẩm đầu tiên trong lịch sử được chế tạo với động cơ được đặt ở giữa.
Ban đầu, Ferruccio không ủng hộ ý tưởng chế tạo xe đua, nên công ty giấu kín sự tồn tại của dự án này với ông. Ông từng tham gia một cuộc đua khá uy tín, nhưng không may đâm xe vào một quán ăn ven đường vài năm trước đó.
Lamborghini Miura
Thế nhưng, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Khi phát hiện mọi chuyện, Ferruccio quyết định không gạt bỏ ý tưởng mà tiếp tục thực hiện. Miura sau này đã trở thành chiếc xe đua đầu tiên trên thế giới, với bố cục động cơ đặt giữa/dẫn động cầu sau trở thành tiêu chuẩn cho mọi loại xe hơi hiệu suất cao.
Kể từ đó, Lamborghini cho ra mắt hàng loạt mẫu xe mới: Espada, Islero, Jarama, Urraco, Countach. Thương hiệu này khẳng định, xe hơi thể thao của họ tốt hơn nhiều hãng khác vì không phải dùng linh kiện từ người khác.
Khi đang ở trên đỉnh cao danh vọng, Ferruccio gặp phải một số tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Một hợp đồng cung cấp 5.000 máy kéo cho Bolivia đã bị hủy bỏ sau khi đất nước này xảy ra đảo chính. Cú lỗ bất ngờ khiến Ferruccio phải bán công ty máy kéo của mình, cũng như 50% số cổ phiếu tại công ty xe hơi.
Việc giá dầu tăng trong thời gian đó cũng không giúp gì nhiều cho Ferruccio. Ông chật vật tìm mọi cách để duy trì đế chế kinh doanh đang lung lay của mình, và cuối cùng cũng thành công khi tìm được người mua đống máy kéo còn tồn kho. Dù vậy, ông vẫn phải chấp nhận về hưu sớm và bán nốt 49% cổ phần của mình tại Lamborghini.
Trong cơn hoạn nạn, Ferruccio vẫn kịp giữ lại một công ty mà mình bí mật sở hữu, rồi giao lại cho con trai Tonino. Tonino đã tiếp bước cha mình và xây dựng thành công một đế chế thời trang và hàng xa xỉ dưới cái tên của gia đình. Trong khi đó, những người chủ mới của Lamborghini cố vực dậy thương hiệu này nhưng thất bại hoàn toàn.
Không lâu sau khi Lamborghini bị buộc phải thanh lý, chính phủ Ý đã bán nó cho hai tỷ phú người Pháp với giá 3 triệu USD. Họ hy vọng sẽ cải tạo cơ sở vật chất của Lamborghini và thuê thêm kỹ sư mới, nhưng cuối cùng lại hết tiền nên phải bán cho Chrysler.
Chrysler lên kế hoạch để nhập khẩu thương hiệu này vào Mỹ, nhưng do chẳng thể thu về đồng lợi nhuận nào nên quyết định bán lại cho một tập đoàn sừng sỏ tại Indonesia. Doanh thu của Lamborghini lúc này đã có phần khởi sắc hơn, nhưng không đủ để cầm cự giữa cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997.
Sau đó, Audi đã mua lại Lamborghini, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của việc chú trọng vào chất lượng và quy trình sản xuất. Nhờ đó, hãng xe hơi này đã đáp ứng được những thách thức của thế kỷ 21 và lấy lại vị thế của mình trên thị trường.
Với sự ra đời của các mẫu xe Gallardo, Huracán và Urus, doanh số bán hàng của Lamborghini tăng vọt trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh số bán hàng ở mức cao kỷ lục. Năm 2021, giá trị của thương hiệu này đã đạt mức 12 tỷ USD.
Ferruccio Lamborghini bên vườn nho nhà mình
Trong khi đứa con cưng Lamborghini phải ngụp lặn nhiều năm trời mới tìm thấy ánh hào quang năm xưa, Ferruccio lại ung dung tận hưởng cuộc sống nhàn nhã nơi quê nhà Renazzo với khối tài sản hàng trăm triệu USD.
Từng là nhà công nghiệp khét tiếng nước Ý, Ferruccio lại quay trở về làm nông trong những ngày tháng cuối đời, vui vẻ săn bắn và trồng nho làm rượu vang. Ông thậm chí còn tự mình thiết kế sân golf, quản lý một vài mối kinh doanh nhỏ lẻ, trước khi qua đời vì đau tim ở tuổi 76.
(Theo Medium, Sportscardigest)
Tú Khê
Nhịp sống kinh tế