vĐồng tin tức tài chính 365

Làm gì khi làn sóng doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản?

2021-08-20 09:25

Làm gì khi làn sóng doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản?

TS. Võ Đình Trí

(KTSG) - Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ là một phần rất quan trọng của nhiều nền kinh tế trong vai trò tạo ra việc làm và tăng trưởng kinh tế. Vì dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính (financial distress) hay bị mất khả năng thanh toán (insolvency). Ở một số nền kinh tế, nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ mà phần lớn các doanh nghiệp này không phải sống dở chết dở với các thủ tục phá sản. Còn các DNNVV ở Việt Nam nếu bị mất khả năng thanh toán thì sao?

Tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn còn lan rộng và trầm trọng hơn với việc giãn cách xã hội kéo dài ở một số địa phương hiện nay. Ảnh: THÀNH HOA

Bức tranh với gam màu xám

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bảy tháng đầu năm 2021 cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. So với cùng kỳ năm 2020 thì con số này đã tăng 25,5% và gần 86% trong số này là tạm ngừng hoặc ngừng hoạt động chờ giải thể.

Trước đó bức tranh doanh nghiệp ngừng hoạt động của năm 2020 đã bắt đầu bị tô xám nhiều do dịch Covid-19. Số liệu từ Sách trắng doanh nghiệp 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu cho biết có 110.700 doanh nghiệp rơi vào tình cảnh như đề cập ở trên, tăng 13,9% so với năm 2019.

Chính phủ cần có những chính sách để khi doanh nghiệp không may rơi vào tình cảnh mất khả năng thanh toán thì chủ doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi, hay cơ hội thứ hai để làm lại từ đầu. Các chính sách cần hướng đến sự nhanh, gọn, và đơn giản.

Các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng trong năm 2020 đều có trên 1.000 doanh nghiệp giải thể, nhiều nhất là TPHCM với 5.920 doanh nghiệp, tăng 15% so với năm trước đó. Bên cạnh đó, 63/63 địa phương có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong năm 2020 tăng so với năm 2019, trong số này có nhiều địa phương tăng một cách đáng quan ngại như TPHCM tăng 76,9%, Hà Nội tăng 60,6%, Đà Nẵng tăng 70,1%, Hải Phòng tăng 64,8% và đặc biệt Khánh Hòa tăng 137,1%.

Tình hình DNNVV gặp khó khăn còn lan rộng và trầm trọng hơn với việc giãn cách xã hội kéo dài ở một số địa phương hiện nay, đặc biệt là TPHCM. Doanh thu bị giảm mạnh trong khi nhiều chi phí vẫn phải gánh chịu khiến cho không ít doanh nghiệp ngày càng sát với ngưỡng bị mất khả năng thanh toán. Có doanh nghiệp chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động, có doanh nghiệp chọn giải thể, nhưng cũng có doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục hoạt động để vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời.

Vậy chính sách có thể làm gì?

Cần giải pháp nhanh, gọn, và đơn giản

Ngay cả ở các nền kinh tế phát triển, mặc dù đã có quy định về bảo hộ phá sản nhưng các quy trình và thủ tục vẫn bị chỉ trích là không hề phù hợp với các DNNVV, hay nói thẳng ra là được ban hành dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Chẳng hạn các DNNVV thường không đủ nguồn lực để thuê luật sư, chi trả các chi phí pháp lý, và quan trọng hơn là không đủ thời gian để tìm được nguồn tài chính cho việc tái cấu trúc.

Chính vì vậy đã có nhiều khuyến nghị trên thế giới về việc cần có riêng các quy định về bảo hộ phá sản cho các DNNVV. Với những người chủ doanh nghiệp, và ngay cả các chủ nợ, một khung pháp lý riêng cho các DNNVV giúp các doanh nghiệp này sớm thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán, hay thậm chí kết thúc nhanh thủ tục phá sản, có thể giúp chủ doanh nghiệp nhanh chóng có cơ hội thứ hai để làm lại từ đầu.

Gần đây, tổ chức OECD và Ngân hàng Thế giới đã có nhiều thảo luận và hướng dẫn về việc hỗ trợ DNNVV có hệ thống cảnh báo sớm về mất khả năng thanh toán, tạo cơ hội thứ hai cho chủ doanh nghiệp hay các thỏa thuận bên ngoài tòa án (OCWs - Out of Court Workouts) liên quan đến vấn đề phá sản của doanh nghiệp. Theo đó, các chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp và các chủ nợ đàm phán, tìm được tiếng nói chung với nhau trước khi tìm sự phân định của tòa án. Mục đích chính là cả hai bên cùng đạt được lợi ích: chủ nợ không bị mất vốn cho vay và doanh nghiệp có thể hồi phục trở lại.

Cú sốc dịch Covid-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn nhưng mức độ và cách thức hỗ trợ cũng cần có sự phân loại khác nhau. Chẳng hạn có thể chia doanh nghiệp thành ba nhóm: bị kiệt quệ tài chính nhưng còn khả năng phục hồi, bị mất khả năng thanh toán nhưng còn khả năng phục hồi, và bị mất khả năng thanh toán đồng thời không có khả năng phục hồi. Với những doanh nghiệp bị kiệt quệ tài chính thì cần hỗ trợ thanh khoản nhanh và kịp thời. Với những doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán nhưng còn khả năng phục hồi thì cần có chương trình tái cấu trúc, thường tiếp theo việc hỗ trợ thanh khoản trước đó. Còn đối với trường hợp không có khả năng phục hồi thì cần thực hiện phá sản và thanh lý.

Với Việt Nam, mặc dù không có quy định cụ thể về bảo hộ phá sản nhưng Luật Phá sản cũng có một phần quy định về “phục hồi hoạt động kinh doanh” ở chương VII. Tuy nhiên, thực tế hầu như không doanh nghiệp nào áp dụng được vì khó có sự đồng thuận ở hội nghị chủ nợ, và các quy định chưa có hiệu lực bảo vệ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thực hiện tái cấu trúc và phục hồi.

Xác suất rất cao là trong tình hình giãn cách xã hội kéo dài, và có thể kéo dài thêm thì sẽ có nhiều DNNVV bị rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, hay mất khả năng thanh toán. Nếu các khoản hỗ trợ thanh khoản không được hiệu quả như đã từng trong năm 2020 thì chỉ còn trông chờ vào việc tái cấu trúc nợ của các DNNVV, còn không thì chỉ còn cách tạm dừng hoạt động hay giải thể.

Về lâu dài, dịch Covid-19 rồi cũng sẽ được kiểm soát nhưng chu kỳ thịnh suy của DNNNV vẫn sẽ tiếp tục. Do đó, Chính phủ cần có những chính sách để khi doanh nghiệp không may rơi vào tình cảnh mất khả năng thanh toán thì chủ doanh nghiệp còn có khả năng phục hồi, hay cơ hội thứ hai để làm lại từ đầu. Muốn vậy, các chính sách cần hướng đến sự nhanh, gọn, và đơn giản, phù hợp với nhóm doanh nghiệp này thay vì là quy định chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Xem thêm: lmth.nas-ahp-auv-av-ohn-peihgn-hnaod-gnos-nal-ihk-ig-mal/845913/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Làm gì khi làn sóng doanh nghiệp nhỏ và vừa phá sản?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools