vĐồng tin tức tài chính 365

Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 3: Nỗi lo bầu bì trong tâm dịch

2021-08-20 10:29
Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ 3: Nỗi lo bầu bì trong tâm dịch - Ảnh 1.

Những thiên thần bé thơ được chào đời an lành và chăm sóc tốt ở BV Hùng Vương - Ảnh: TỰ TRUNG

Thực tế, để vào được bệnh viện khám thai bây giờ, họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, từ qua các chốt kiểm soát trên đường đi, nỗi lo xa nhiễm dịch bệnh đến các quy định kiểm tra phòng dịch, cách ly chặt chẽ khi trở về quê nhà...

Bà bầu "mắc kẹt" vì dịch

Đường sá đi lại khó khăn vì kiểm dịch, thai phụ ở quê hiện rất khó lên các thành phố lớn thăm khám. Vài trường hợp đẻ rớt, không kịp tới bệnh viện do người chồng đưa đi không biết đường, phải qua nhiều chốt kiểm tra mất thời gian. Và điều đó rất dễ khiến sản phụ có nguy cơ nhiễm trùng, băng huyết, ảnh hưởng cả sức khỏe bà mẹ lẫn em bé.

Cuối tháng 5, nghe tin TP.HCM chuẩn bị thực hiện chỉ thị 15, sẵn dịp cậu con trai lớp 5 vừa nghỉ hè, chị Hồ Phạm Thanh Phương (ngụ Q.8) đang mang bầu gần 6 tháng quyết định cùng chồng đưa con về quê nội ở Trà Vinh chơi. Đến ngày 9-7, TP áp dụng chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, chị nghĩ đợi kết thúc giãn cách rồi lên TP chờ sinh.

Nhưng dịch bệnh bùng mạnh, TP.HCM càng siết chặt phòng chống dịch, các tỉnh phía Nam cũng bắt đầu cách ly toàn xã hội khiến cả nhà chị Phương "mắc kẹt" ở Trà Vinh gần ba tháng nay.

Ở quê chồng, đường sá đi lại khó khăn, phải qua nhiều chốt kiểm soát, rồi lo ngại dịch bệnh dễ lây lan tại phòng khám, nên chị Phương từ lúc về quê chỉ đi siêu âm, khám thai đúng một lần, dù được cấp giấy đi lại để khám thai. "Em bé vẫn khỏe mạnh, nhưng cân nặng thai nhi hơi nhỏ do tôi lo lắng dịch bệnh, ăn uống không tốt lắm" - chị nói và cho hay có thể sẽ sinh sớm hơn 10 ngày so với dự tính ngày 14-9.

Trước đó kể từ lúc mang thai, chị Phương theo khám tại phòng mạch của một bác sĩ làm ở Bệnh viện Từ Dũ. Khi về Trà Vinh, chị vẫn giữ liên lạc với bác sĩ để nhắn tin hỏi mỗi khi có vấn đề, thắc mắc gì. Song do trao đổi gián tiếp bất tiện, chị được khuyên tới phòng khám gần nhất siêu âm, theo dõi cho chắc.

Gần đây, chị được BV Từ Dũ thông báo đến BV đăng ký tiêm ngừa vắc xin COVID-19 càng sớm càng tốt, bởi bà bầu dễ có nguy cơ nhiễm dịch và sức đề kháng yếu hơn người bình thường.

Ngày sinh cận kề, chị Phương muốn được về nhà ở Sài Gòn chờ sinh, thêm việc cậu con trai sắp chuyển cấp lên lớp 6, cần phụ huynh tới rút học bạ chuyển trường. Ngày 18-8, chị chuẩn bị sẵn giấy siêu âm, khám thai và giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 của hai vợ chồng rồi gói ghém đồ đạc, cả nhà đi ôtô cá nhân về TP.HCM.

Khi đến chốt kiểm dịch nối địa phận Trà Vinh với Bến Tre, chiếc xe chở 3 người dừng lại. Cán bộ trực chốt tại đây yêu cầu gia đình chị quay về, kèm giải thích bầu bì thì sinh ở đâu cũng được, địa phương nào cũng có khoa sản - nhi, không nhất thiết phải lên TP.HCM.

"Người trực chốt nói thêm là nếu muốn đi tiếp phải có giấy xác nhận đi từ đâu tới đâu do địa phương cấp. Trước đó tôi có xin giấy, nhưng ở dưới đây (Trà Vinh - PV) thì nói là khó cấp do không có xác nhận từ TP.HCM cho mình vào.

Tôi gọi cho phường 3, quận 8 (hộ khẩu thường trú của chị - PV), họ cũng nói là ngoài thẩm quyền xác nhận cho tôi quay về. Giờ không bên nào cấp giấy đi đường nên tôi rất bối rối, chẳng biết làm sao để về Sài Gòn.

Theo tôi được biết là sản phụ ở tỉnh có thể lên TP.HCM sinh con, nhưng mỗi địa phương có quy định khác nhau, nên mong muốn của tôi vẫn chưa được giải quyết" - sản phụ 38 tuổi chia sẻ.

Chị Phương cho biết hiện rất nóng lòng về nhà tại quận 8 giải quyết công việc và cho con chào đời. "Nhưng nếu không lên TP được, tôi sẽ sinh con ở Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh" - bà mẹ hai con nói.

Gian nan bầu bì, vượt cạn mùa dịch - Kỳ 3: Nỗi lo bầu bì trong tâm dịch - Ảnh 2.

Nhiều thai phụ ở xa chỉ mong con được chào đời ở các BV lớn như Hùng Vương, Từ Dũ giữa mùa dịch - Ảnh: QUỐC MINH

Đành thất hứa cho con chào đời ở bệnh viện lớn

Trong khi đó, chị N.T.P. ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An cũng "phá sản" kế hoạch tính toán cho con chào đời ở BV Phụ sản Hùng Vương TP.HCM. Lấy chồng và mang thai năm 23 tuổi, chị P. có sức khỏe không tốt lắm, gầy yếu hơn hẳn so với tiêu chuẩn thai phụ. Mẹ chồng thương con dâu và đứa cháu đầu tiên đã chuẩn bị cho việc thăm khám thai, sinh nở ở bệnh viện lớn của thành phố.

"Mang tiếng tỉnh lên thành phố, nhưng từ nhà tôi lên đến BV Hùng Vương chỉ hơn một tiếng, có kẹt xe cũng chỉ ngót nghét một tiếng rưỡi là cùng, nên chúng tôi quyết định sinh bé ở bệnh viện này cho yên tâm với tình trạng sức khỏe không được tốt của mình" - chị P. tâm sự.

Tuy nhiên, mẹ con, vợ chồng chị P. tính không bằng "con virus quái quỷ tính". Họ chỉ lên BV Hùng Vương khám thai được đúng một lần thì dịch giã bùng phát ở thành phố lớn này. Lần hẹn tái khám chuyên sâu độ mờ da gáy thai nhi để kiểm tra sức khỏe thai nhi ngay đúng thời điểm cả TP.HCM lẫn Long An đều thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nên họ đành ở nhà.

"Lúc đầu tụi tôi cũng tính cố gắng lên khám, nhưng nghe mọi người nói lại là phải qua rất nhiều trạm kiểm soát, rồi phải có giấy xét nghiệm này nọ và trở về phải chịu cách ly mấy tuần ở nhà, nên tụi tôi đành thôi" - chị P. tâm sự và cho biết thêm còn nỗi lo lắng lớn nữa là sợ nhiễm dịch ở bệnh viện. Chồng chị an ủi bây giờ ở các bệnh viện đều kiểm dịch, phòng dịch kỹ lắm, không dễ lây đâu. Nhưng mẹ chồng chị thì lại lo lắng khi đọc tin liên tiếp phát hiện các ca nhiễm COVID - 19 khi test sàng lọc ở bệnh viện, kể cả một số nhân viên y tế cũng bị lây.

Chị P. buồn rầu tâm sự: "Thôi đành khám thai sơ sài ở trạm xá quê vậy, vài tháng nữa chắc tôi cũng chỉ sinh ở bệnh viện huyện nếu tình hình không thay đổi. Vì dịch giã, cha mẹ đành thất hứa cho con chào đời ở bệnh viện lớn của thành phố". Tuy nhiên, chị cũng cho biết từ nhà ở quê mình mà ra tới bệnh viện huyện chỉ cách chục kilômet nhưng hiện có đến mấy chốt kiểm dịch. Họ đã chuẩn bị rất kỹ nhưng cũng phập phồng lỡ phải sinh con ở... dọc đường đêm hôm.

Đi khám thai, bác sĩ hiểu cảnh khó của bà bầu chúng tôi nên cũng động viên. Nhưng không lo sao được, người bình thường mùa dịch này đã đủ thứ lo, bà bầu lại càng lo hơn khi nuôi em bé trong bụng giữa vòng vây dịch bệnh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà

Những nỗi lo tiền bạc, tốn kém

Ngoài chuyện đi lại thăm khám, sinh nở khó khăn, hiện nay nhiều thai phụ cũng đang lo lắng chuyện tiền bạc, điều kiện để dưỡng thai và nuôi con sau khi sinh. Dịch giã bùng phát kéo dài, nhiều người mất việc làm, mất thu nhập, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống tâm lý lẫn vật chất, trong đó có không ít thai phụ.

Chị N.T.P. ở huyện Đức Huệ, Long An đã hoàn toàn mất thu nhập từ tiệm tóc của mình vì phải đóng cửa theo chỉ thị giãn cách xã hội. Hiện chị và đứa con trong bụng bây giờ chỉ còn biết trông chờ vào đồng lương ít ỏi của người chồng, nhưng họ cũng đang lo lắng khoản thu nhập này sẽ bị cắt giảm khi dịch giã cứ kéo dài như vậy.

Ở huyện Củ Chi, TP.HCM, thai phụ Nguyễn Thị Ngọc Ngà cũng đang rất lo lắng khi cái thai trong bụng mình ngày càng lớn dần mà thu nhập của hai vợ chồng lại ngày giảm đi. Cả gia đình hai vợ chồng và hai đứa con 8 tuổi, 4 tuổi của họ trông chờ vào cặp bò sữa, nhưng gần đây sữa rất khó bán vì dịch bệnh.

"Thu nhập của chúng tôi giảm nặng, nhưng chi tiêu thì lại tăng lên vì dịch bệnh khiến cái gì cũng đắt đỏ, kể cả đi thám thai cũng tốn thêm khoản tiền xét nghiệm" - chị Ngà cho biết thêm người chồng thương vợ phải dè sẻn miệng ăn của mình để vợ và đứa con trong bụng được thêm chút bồi dưỡng. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh cứ kéo dài thế này, họ không biết lấy đâu ra tiền để đi sinh nở ở bệnh viện và nuôi dưỡng em bé sau đó...

----------------------------

Sinh đẻ ngay thời điểm dịch giã bùng phát, nhiều sản phụ lo lắng đủ thứ, nhất là các mẹ bầu không may mắc COVID-19.

Kỳ tới: Vượt cạn giữa bão dịch

Gian nan bầu bì, Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 2: Những người mẹ thứ hai

TTO - Vì dịch bệnh không được tiếp xúc gần, nhiều sản phụ F0 sinh con không có người thân bên cạnh. Nhưng họ không cô đơn, các bác sĩ chính là người thân của họ. Bác sĩ như người mẹ thứ hai chăm sóc bé khi phải tạm cách ly với mẹ.

Xem thêm: mth.32420229191801202-hcid-mat-gnort-ib-uab-ol-ion-3-yk-hcid-aum-nac-touv-ib-uab-nan-naig/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Gian nan bầu bì, 'vượt cạn' mùa dịch - Kỳ 3: Nỗi lo bầu bì trong tâm dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools