Bom Kim là nhà sáng lập Coupang - công ty được mệnh danh là Amazon của Hàn Quốc. Theo thống kê của Bloomberg, Kim hiện nắm trong tay 8,9 tỷ USD và trở thành thế hệ giàu có mới của đất nước Hàn Quốc: Những người giàu có tự thân thay vì sự thống trị của các thành viên trong gia đình chaebol.
Điểm khác biệt lớn nhất ở thế hệ mới nổi này là việc họ sẵn sàng đền đáp, chia sẻ sự giàu có của mình với xã hội và quan tâm tới nhân viên hơn. Coupang là một ví dụ. Công ty này từng hứa với nhân viên và đặc biệt những nhân viên tuyến đầu rằng sẽ thưởng khoảng 90 triệu USD cổ phiếu khi công ty IPO trên sàn New York.
Tuy nhiên chỉ vài tháng sau thương vụ IPO bùng nổ, gã khổng lồ thương mại điện tử đã chịu áp lực về nhiều vấn đề và một vài người Hàn Quốc đang nghi ngờ về thái độ của vị CEO tỷ phú và của công ty anh ta.
Coupang đang đối mặt với chỉ trích dữ dội từ liên đoàn lao động và khách hàng về điều kiện làm việc của nhân viên. Sự việc nghiêm trọng hơn khi một vụ cháy gây chết người tại nhà kho của công ty xảy ra vào hồi tháng 6. Lượng người dùng hàng ngày của Coupang có lúc đã giảm hơn 700.000 người giữa làn sóng tẩy chay công ty. Trong một tuyên bố công khai - cùng ngày xảy ra vụ cháy - việc ông Kim từ chức Giám đốc kinh doanh tại Hàn Quốc được nhiều người coi là một mánh khóe trốn tránh trách nhiệm, làm tăng thêm sự phẫn nộ.
"Doanh nhân tự thân đang trở thành một phần tầng lớp thượng lưu. Họ trở thành một dạng mới của chaebol", Park Sangin - một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Seoul nói.
Trong một email phản hồi câu hỏi của Bloomberg, Coupang nói rằng họ quan tâm "sâu sắc tới phúc lợi của tất cả nhân viên" và "chịu trách nhiệm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của họ".
Công ty cũng đang nỗ lực đạt được sự cân bằng hơn tại nơi làm việc bằng cách "tạo ra một lượng lớn của cải cho công nhân và cho tất cả mọi người", rộng hơn là cho cả xã hội bằng cách cung cấp sự ủng hộ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, tong đơn từ chức của Kim, công ty nói rằng thay đổi này đã được công khai thông qua website trước khi vụ cháy xảy ra và thời gian công bố chỉ là trùng hợp.
Trên thực tế, các tỷ phú thế giới không còn lạ với những chỉ trích nhắm vào khối tài sản khổng lồ của họ. Jeff Bezos đã đối mặt với làn sóng chỉ trích nặng nề về tình trạng làm việc khổ sở của nhân viên Amazon và việc công ty thẳng tay sa thải những người biểu tình phản đối. Mark Zuckerberg cũng đã chịu áp lực do những ảnh hưởng của mạng xã hội này tới chính trị và xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề này nan giải hơn ở Hàn Quốc. Trong khi những chaebol vẫn phổ biến ở trong nước, nhiều người đặt hy vọng về một thế hệ doanh nhân mới sẽ tạo ra sự khác biệt - sẵn sàng đền đáp lại cho xã hội khi họ giàu có. Brian Kim là một ví dụ. Nhà sáng lập Kakao - hiện là người giàu nhất nước đã cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình.
Câu hỏi dành cho Coupang là liệu sụ thay đổi thái độ đó có làm tổn hại tới hoạt động kinh doanh của công ty hay không. Mức thua lỗ của công ty thì ngày một mở rộng vào quý 2 sau khi đã phải chi đậm cho việc mở rộng hoạt động và khắc phục thảm họa xảy ra với một nhà kho chính. Cổ phiếu công ty giả 7,5% so với mức giá ngày IPO. Trừ khi công ty giải quyết được những vấn đề văn hóa nội bộ, còn không họ có thể đối mặt với những khủng hoảng khác có thể khiến cổ phiếu lao dốc và mức thua lỗ sâu hơn nữa.
Bom Kim, 42 tuổi sinh ra tại Seoul và chuyển tới Mỹ khi còn nhỏ. Anh quay lại Hàn Quốc và khởi nghiệp Coupang vào năm 2010 sau khi bỏ học Harvard.
Hiện tại, Coupang đang là ứng dụng mua sắm được sử dụng nhiều nhất ở Hàn Quốc và là một trong những công ty sử dụng lao động lớn nhất tại đây. Doanh thu của công ty đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên 12 tỷ USD khi nhu cầu mua sắm online tăng cao.
Được "chống lưng" bởi Softbank, Coupang đã huy động được 4,6 tỷ USD sau thương vụ IPO mặc dù vẫn thua lỗ suốt nhiều năm nay. Trong ngày đầu IPO, giá cổ phiếu công ty tăng mạnh, đẩy tài sản của Kim lên mức 5,7 tỷ USD.
Ngày 17/6, vụ cháy trung tâm giao hàng xảy ra đã làm 1 lính cứu hỏa thiệt mạng. Truyền thông địa phương nói rằng vụ việc có thể liên quan với đoạn phim CCTV, cho thấy ngọn lửa dường như được phát ra do lỗi chập điện. Các cảnh quay cũng cho thấy rằng các vòi phun nước không được kích hoạt ngay lập tức.
Cảnh sát đã bắt nhân viên của một công ty quản lý an toàn điện và phòng cháy chữa cháy tại nhà kho với cáo buộc tắt hệ thống báo cháy và trì hoãn việc kích hoạt vòi phun nước. Vụ việc đã được gửi đến các công tố viên sau khi cuộc điều tra kết thúc vào cuối tháng 7, theo một cảnh sát tại Cơ quan Cảnh sát Gyeonggi Nambu.
Coupang đã xin lỗi những người bị ảnh hưởng bởi đám cháy và hứa sẽ hỗ trợ suốt đời cho gia đình của người lính cứu hỏa thiệt mạng. Công ty đã thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng và phủ nhận cáo buộc rằng các nhân viên an ninh đã bác bỏ bất kỳ cảnh báo hỏa hoạn nào.
Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Hàn Quốc Mobile Index, vụ việc đã dẫn đến một cuộc tẩy chay quy mô lớn các dịch vụ của Coupang, với số lượng người dùng hàng ngày ứng dụng di động của công ty giảm xuống còn khoảng 7,9 triệu người vào ngày 26/6, giảm từ khoảng 8,6 triệu người vào ngày xảy ra hỏa hoạn. Con số này hiện đã được phục hồi. Coupang cho biết trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh vào tuần trước rằng lượng khách hàng mua hàng trong quý 2 đã tăng 26% so với năm trước lên 17 triệu.
Hyeon-woo Lee, 34 tuổi, đã ngừng sử dụng Coupang sau vụ hỏa hoạn. Ban đầu, Lee là một người hâm mộ Coupang vì anh nghĩ rằng công ty đối xử công bằng hơn với công nhân. Nhưng bây giờ Lee đặt câu hỏi liệu điều đó có đúng không.
"Tôi hài lòng với các dịch vụ của Coupang", anh nói. "Nhưng nếu họ không quan tâm đến công nhân của mình khi cung cấp các dịch vụ như vậy, tôi nghi ngờ liệu việc sử dụng chúng có giá trị hay không".
Làn sóng chỉ trích gia tăng cho rằng sự tiện lợi mà Coupang mang lại, chẳng hạn như đảm bảo giao hàng vào ngày hôm sau, đang đi kèm với cái giá là sự vắt kiệt sức người lao động.
Về phần mình, Coupang nói đã giảm bớt khối lượng công việc cho nhân viên tuyến đầu mặc dù giờ làm việc của công nhân trong ngành hậu cần đã tăng lên. Lực lượng lao động tuyến đầu của họ làm việc "trung bình dưới 50 giờ mỗi tuần trong một ngành công nghiệp mà mức 72 giờ mỗi tuần là tiêu chuẩn". Công ty cho biết họ đạt được điều này bằng cách sử dụng công nghệ và mạng lưới toàn quốc với hơn 100 trung tâm hậu cần, và bằng cách mở rộng đáng kể lực lượng lao động.
Tuy nhiên, "hầu hết các nhà kho không có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi, vì vậy nhân viên chuẩn bị hàng hóa để vận chuyển phải dựa vào một vài chiếc quạt và bộ lưu thông không khí", Min Byeong-jo, người làm việc tại một trung tâm hàng hóa của Coupang bên ngoài Seoul nói. "Nhân viên không được phép mang điện thoại vào nơi làm việc".
"Chúng tôi cảm thấy như mình đang bị đối xử như những cỗ máy", Min, 55 tuổi nói. Đối với Coupang, "sản phẩm là thứ quan trọng nhất".
Đáp lại, Coupang cho biết điều hòa không khí và quạt lớn đã được lắp đặt tùy theo tình hình của từng không gian trong các trung tâm phân phối của hãng. Theo chính sách chung, các trung tâm phân phối hàng hóa trên toàn thế giới không cho phép sử dụng điện thoại di động cá nhân để ngăn ngừa tai nạn. Nhiều doanh nghiệp khác, đặc biệt là các nhà máy sản xuất, có một số hạn chế về việc sử dụng điện thoại ở nơi làm việc.
Coupang cho biết họ đã đi đầu trong việc tạo ra "một môi trường làm việc mới cho ngành hậu cần". Họ cho biết luôn đảm bảo thời gian làm việc ngắn hơn, thuê nhân viên tuyến đầu trực tiếp và cung cấp các kỳ nghỉ và thời gian nghỉ có lương cũng như các quyền lợi khác.
Liên đoàn lao động của Coupang cho biết 9 công nhân, bao gồm hai nhà thầu phụ, đã chết do làm việc tại công ty kể từ đầu năm ngoái. Coupang cho biết trong khi ngành hậu cần ở Hàn Quốc đã có hơn 1.300 trường hợp tử vong liên quan đến công việc trong 10 năm qua, thì họ chỉ có một. Công ty cũng nói thêm rằng nó đã chi 200 triệu USD và thuê 600 chuyên gia an toàn để cải thiện môi trường sức khỏe và an toàn cho công nhân của mình.
Một cái chết đã được chính thức công nhận là Jang deuk-jun, 27 tuổi. Anh qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 10 năm ngoái sau khi từ một trung tâm phân phối hàng của Coupang ở Daegu trở về. Một cuộc điều tra của Cơ quan Phúc lợi & Bồi thường cho Người lao động Hàn Quốc cho biết anh ta chết vì làm việc quá sức sau khi làm việc hơn 62 giờ trong tuần qua đời.
Một phát ngôn viên của Coupang nói rằng số giờ làm việc thực tế của Jang là 48,5, nhưng cơ quan chức năng tính số giờ làm việc ban đêm là bội số của 1,3 cho mỗi giờ làm việc.
Công ty đã xin lỗi và gửi lời chia buồn trong một thông cáo báo chí sau cuộc điều tra của chính phủ. Họ cũng hứa sẽ cung cấp hỗ trợ cho gia đình của Jang.
Nhưng Park Mi-sook, mẹ của Jang, nói rằng nhiều tháng sau khi cuộc điều tra kết thúc, Coupang vẫn chưa cung cấp bất kỳ khoản bồi thường nào. Trong câu trả lời với Bloomberg, Coupang cho biết họ đã nhiều lần cố gắng liên lạc trực tiếp với gia đình của Jang để gửi lời chia buồn và hỗ trợ.
Bà Park thì nói: "Chúng tôi nghĩ mọi chuyện sẽ khác khi chứng minh được con trai mình chết vì công việc. Chúng tôi muốn chứng minh điều đó bằng mọi giá. Nhưng ngay cả bây giờ, Coupang vẫn không thay đổi".
Vào tháng 5, Coupang đã tung ra Coupang Care, được gọi là chương trình nâng cao sức khỏe có trả tiền đầu tiên của ngành thương mại điện tử ở Hàn Quốc, cho phép nhân viên có các chỉ số sức khỏe tương đối cao như huyết áp và đường huyết có thời gian nghỉ trả lương tới 4 tuần để tập trung chăm sóc sức khỏe.
Về việc Kim từ chức chủ tịch hội đồng quản trị và giám đốc của Coupang Corp - hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 31/5. Ông vẫn là chủ tịch và giám đốc điều hành của Coupang Inc.
Động thái này có thể giúp Kim tránh được trách nhiệm giải trình theo luật và quy định của Hàn Quốc, theo một chuyên gia phân tích.
Ông này nói: "Bom Kim thực sự kiểm soát công ty. Việc từ chức lãnh đạo ở chi nhánh hàn Quốc có vẻ là một động thái để tránh rủi ro nhận bất kỳ hình phạt nào".
Về phần mình, công ty cho biết việc Kim sẽ từ chức hội đồng quản trị đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng. "Đó là một bước đi tự nhiên khi anh ấy muốn tập trung vào các hoạt động toàn cầu của Coupang".
Ủy ban Thương mại Công bằng của Hàn Quốc cũng đã nhắm vào Coupang vì các hành vi thương mại không công bằng, phạt công ty 3,3 tỷ won (2,8 triệu USD) trong tuần này. Coupang cho biết họ sẽ đệ đơn kiện quyết định này.
Chắc chắn, Coupang không phải là công ty thương mại điện tử duy nhất đang phát triển nhanh chóng phải đối mặt với những lời chỉ trích về cách đối xử với công nhân. Bên cạnh những lời phàn nàn của nhân viên Amazon về điều kiện khắc nghiệt, nền tảng giao đồ ăn Ele.me, thuộc sở hữu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, cũng phải đối mặt với phản ứng dữ dội vào đầu năm nay sau cái chết của một tài xế giao hàng. Công ty giao hàng thực phẩm Trung Quốc Meituan đã bị chỉ trích sau khi một số người đi giao hàng đã thiệt mạng hoặc bị thương trong khi cố gắng đáp ứng thời hạn giao hàng nghiêm ngặt.
"Nhưng điều đó không thể miễn trừ trách nhiệm giải quyết các vấn đề của Coupang", theo một nhà lập pháp của đảng cầm quyền Hàn Quốc.
"Cuộc khủng hoảng Coupang nên kết thúc ở đây", Woo Won-shik nói trong một tuyên bố vào tháng trước. "Công ty này nên xem xét lại văn hóa doanh nghiệp tổng thể của mình".
Nguồn: Bloomberg
Vân Đàm
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị